Tĩnh Túc khúc tráng ca
Những ai có dịp qua Tĩnh Túc hẳn đã có lần ngang qua một nghĩa trang liệt sĩ nhỏ bé nằm bên quốc lộ 34 nối giữa Cao Bằng và Hà Giang. Có lẽ không nhiều người biết, những liệt sĩ ở đây hầu hết hy sinh ở tuổi mười tám đôi mươi để bảo vệ mảnh đất biên cương vào mùa xuân 1979 đều là những công nhân của mỏ thiếc Tĩnh Túc.
Tĩnh Túc khúc tráng ca
Những ai có dịp qua Tĩnh Túc hẳn đã có lần ngang qua một nghĩa trang liệt sĩ nhỏ bé nằm bên quốc lộ 34 nối giữa Cao Bằng và Hà Giang.
|
Có lẽ không nhiều người biết, những liệt sĩ ở đây hầu hết hy sinh ở tuổi mười tám đôi mươi để bảo vệ mảnh đất biên cương vào mùa xuân 1979 đều là những công nhân của mỏ thiếc Tĩnh Túc.
Nghĩa trang liệt sĩ mỏ thiếc Tĩnh Túc khiêm tốn nằm ven quốc lộ 34 là nơi an nghỉ của 17 liệt sĩ. Ngoài 2 chiến sĩ công an hy sinh vào năm 1980 thì 15 liệt sĩ còn lại đều ngã xuống vào những ngày đầu tiên khi quân Trung Quốc bất ngờ nổ súng tấn công Việt Nam trên toàn bộ 6 tỉnh biên giới phía bắc hồi tháng 2.1979.
Hy sinh cho đồng đội rút lui
Ngày 19.2.1979, thời điểm liệt sĩ Phạm Văn Luân anh dũng hy sinh để bảo vệ cây cầu Tà Sa thì con trai vừa tròn một tháng tuổi. 35 năm sau, anh Phạm Ngọc Sơn lại tiếp bước người cha liệt sĩ làm việc ở mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc. Những ký ức về sự hy sinh của cha mình, anh Sơn chỉ được biết qua lời kể của những người đồng đội có mặt trong trận chiến hôm ấy. Quê gốc ở Ninh Bình, sau khi học tập ở Nga về, ông Phạm Văn Luân được phân công lên công tác tại Tĩnh Túc từ năm 1976. Khi chiến tranh xảy ra, ông Luân mới 24 tuổi và đang là công nhân phân xưởng tuyển khoáng mỏ thiếc Tĩnh Túc.
“Các chú các bác kể lại rằng khi thấy lực lượng của ta hy sinh và thương vong quá nhiều, cha tôi lúc đó với cương vị là trung đội phó đã một mình dùng súng trường K50 và một khẩu trung liên của trung đội bắn kiềm chế, tiêu diệt, thu hút hỏa lực địch cho đồng đội rút lui. Cha tôi hy sinh ngày 19.2 nhưng mãi tới tháng 3.1979 ông mới được tìm thấy ở gần nơi diễn ra trận chiến. Lúc đầu ông còn bị nghi ngờ là đã đầu hàng và được đưa qua biên giới. Tìm thấy thi thể rồi ông mới được minh oan”, anh Sơn ngậm ngùi kể lại. Sau khi hy sinh, liệt sĩ Luân đã được truy tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.
Khúc tráng ca
Đã 35 năm trôi qua nhưng ông Hoàng Quốc Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Tĩnh Túc vẫn nhớ như in những thời khắc đầy bi tráng đã diễn ra trong ngày 19.2.1979 ấy. Lúc đó ông Bình cũng đang là một thành viên của lực lượng tự vệ mỏ thiếc. Ngay sau khi được tin Trung Quốc nổ súng tấn công trên toàn tuyến biên giới phía bắc (17.2.1979), lực lượng tự vệ của mỏ thiếc đã được lệnh tập trung chuẩn bị chiến đấu. Thời kỳ đó, Tĩnh Túc được coi là một trong những khu công nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ của Cao Bằng mà còn của cả nước. Trước khi xảy ra chiến sự khu vực mỏ thiếc đã được xác định là một mục tiêu trọng yếu cần được bảo vệ.
Sau khi nhận lệnh tập trung, trung đội tự vệ mỏ gồm khoảng 30 người đã di chuyển lên hướng tây để chuẩn bị chặn địch. Nhưng đến chiều tối 18.2, đơn vị lại nhận mệnh lệnh mới chuyển sang hướng đông, cách mỏ chừng 30 km để bảo vệ khu vực nhà máy thủy điện và cầu Tà Sa (xã Bắc Hợp, huyện Nguyên Bình). “Cùng với một số đồng chí ở huyện đội chúng tôi lên xe đi luôn và ngay trong đêm đó anh em đã có mặt trên chốt”, ông Bình nhớ lại.
“Trận chiến diễn ra không cân sức, anh em cố cầm cự đến trưa, sau khi thấy có quá nhiều thương vong thì buộc phải rút lui theo nhiều ngả. Trong trận đánh ấy 15 anh em trong đội tự vệ của mỏ thiếc Tĩnh Túc đã ngã xuống mảnh đất này… Đầu những năm 80, nghĩa trang được xây dựng và quy tập anh em về đây”, ông Hoàng Quốc Bình kể lại.
Trong những ngày sau đó, địch đã vấp phải sự chống trả kiên cường của các lực lượng dân quân tự vệ Cao Bằng và chịu nhiều tổn thất nặng nề. Mục tiêu đánh chiếm phá hoại mỏ thiếc Tĩnh Túc đã bị các lực lượng của ta ngăn chặn. Nơi địch tiến vào gần nhất cũng cách mỏ thiếc khoảng 28 km. Đến ngày 5.3.1979, sau khi chịu nhiều tổn thất nặng nề trên toàn tuyến biên giới, địch đã phải rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ ta.
Trường Sơn