09/01/2025

Đừng “mổ” chú heo đất

Vào học lớp 1 được mấy tuần, con tôi hào hứng kể về kế hoạch của lớp: “Thứ năm hằng tuần mẹ cho con ít tiền để con cùng các bạn nuôi heo đất nhé. Tiền này sẽ để dành mua sách vở, giấy bút cho các bạn học sinh nghèo”.

 

Đừng “mổ” chú heo đất

Vào học lớp 1 được mấy tuần, con tôi hào hứng kể về kế hoạch của lớp: “Thứ năm hằng tuần mẹ cho con ít tiền để con cùng các bạn nuôi heo đất nhé. Tiền này sẽ để dành mua sách vở, giấy bút cho các bạn học sinh nghèo”.

Nghe con nói thế, tôi đồng ý ngay nhưng cũng suy nghĩ xem nên thực hiện kế hoạch này như thế nào. Tôi bàn với con nên ăn sáng ở nhà cho tiết kiệm, không nên đòi mua đồ chơi, chỉ mua vào dịp sinh nhật, những đồ chơi nào con không thích nữa thì dành tặng các bạn còn khó khăn ở ngoại thành, thôn quê…

Con tôi chăm chú nghe ra vẻ trầm ngâm nghĩ ngợi lắm. Cứ thứ năm hằng tuần, tôi chứng kiến các bé xúm xít cùng nhau “nuôi” heo đất một cách nhiệt tình, thích thú. Con heo đất ngộ nghĩnh đã trở nên gần gũi và thân thuộc với các bé. Thỉnh thoảng bé về khoe: “Cô giáo khen lớp con nuôi heo giỏi nên heo lớn rất nhanh. Bây giờ heo nặng lắm rồi mẹ ạ!”.

Một ngày cuối tuần, con tôi đi học về nói: “Hôm nay con hơi buồn, chắc con sẽ không chịu đựng được đâu”. Tôi hỏi: “Ở lớp có chuyện gì vậy con?”. Con tôi lo lắng nói: “Ngày mai lớp con sẽ đập heo đất để lấy tiền mua quà cho các bạn nghèo”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Đó là chuyện bình thường mà! Con không muốn giúp các bạn nghèo à?”. Con tôi mếu máo: “Có, nhưng con không muốn đập bể con heo đất – bạn thân của tụi con”.

Tôi an ủi bé và bận bịu quá nên không trò chuyện tiếp cùng con được.

Hôm sau đi học về, mặt con tôi buồn rười rượi: “Hôm nay lớp con có bạn khóc, có bạn sụt sịt khi con heo đất bị đập nát. Thương heo quá mẹ ơi! Bây giờ nhắc lại con còn muốn khóc nữa nè”. Tôi thật sự bất ngờ và chưa nghĩ ra cách trả lời con. Đang bối rối, tôi lại bất ngờ hơn khi bé đề nghị tôi cho bé đưa con heo đất của bé ở nhà để bù con heo đất ở lớp đã… ra đi. Theo bé, “để các bạn đỡ nhớ con heo trước”.

Chuyện này làm tôi suy nghĩ mãi. Không ngờ chuyện tưởng chừng rất bình thường vì nhiều bé nuôi heo đất rồi mổ heo đất như bao lâu nay lại vô tình làm tổn thương tâm hồn non nớt và nhạy cảm của một số bé.

Từ câu chuyện này, tôi rất mong thầy cô giáo dạy các lớp tiểu học nên tổ chức cho các em nuôi heo nhựa hay một loại heo có nắp, có khóa để có thể tái sử dụng. Đừng đập chú heo đất tội nghiệp giữa lớp, giữa trường vì không phù hợp với môi trường giáo dục, nếu không muốn nói là hơi phản cảm.

BÍCH HƯỜNG