11/01/2025

Đưa rau trở lại châu Âu

Bằng việc áp dụng công nghệ cao trong canh tác, một số doanh nghiệp tại TP. HCM đã xuất khẩu thành công trở lại Liên minh châu Âu (EU) các loại rau thơm như húng quế, ngò gai… mà trước đó bị tạm ngưng.

 

Đưa rau trở lại châu Âu

Bằng việc áp dụng công nghệ cao trong canh tác, một số doanh nghiệp tại TP. HCM đã xuất khẩu thành công trở lại Liên minh châu Âu (EU) các loại rau thơm như húng quế, ngò gai… mà trước đó bị tạm ngưng.
Phân loại rau trong phòng lạnh tại Công ty Thịnh Cát (TP.HCM) – Ảnh: Trần Mạnh

 

Khi đã vượt qua những rào cản kỹ thuật của thị trường châu Âu nói riêng và các thị trường khó tính khác nói chung, nhiều loại rau của doanh nghiệp làm ra không kịp bán.

Thay đổi quy trình

 

“Toàn bộ quy trình này được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tốt nhất và được lập trình trong máy tính, người quản lý có thể vận hành ở bất cứ đâu nếu có kết nối mạng Internet”

Một cán bộ kỹ thuật của Công ty Thịnh Cát

 

Giữa năm 2012, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phải tạm ngưng làm thủ tục xuất khẩu năm loại rau quả (húng quế, ớt, cần tây, khổ qua và ngò gai) của VN vào EU do lo ngại sẽ mất thị trường này. Bởi trước đó, sau hàng loạt lô hàng bị phát hiện dịch hại và không đảm bảo dư lượng hóa chất, phía EU đã cảnh báo sẽ cấm nhập rau từ VN nếu phát hiện rau không đảm bảo tiêu chuẩn.

Sau quyết định trên, Cục Bảo vệ thực vật và các doanh nghiệp đã gấp rút gặp gỡ tìm phương án giải quyết. Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (TTKDTV2 – Cục Bảo vệ thực vật) và hai đơn vị tại TP.HCM được chọn để thử nghiệm trồng rau thơm theo phương thức mới bằng công nghệ cao.

Để chuẩn bị kế hoạch sản xuất mới này, Công ty TNHH Rồng Đỏ (TP.HCM) đã thay đổi cơ bản cách sản xuất rau thơm so với trước kia. Thay vì liên kết với người dân trồng theo phương pháp thông thường ngoài đồng ruộng, Rồng Đỏ đã liên hệ với Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM để thuê cơ sở hạ tầng gồm nhà lưới và hệ thống tưới tự động tại đây. Công ty cũng làm lại quy trình sản xuất từ khâu chọn giống, chăm sóc, sử dụng phân bón đến thu hoạch, sơ chế và đóng gói.

Ông Mai Xuân Thìn – giám đốc xuất khẩu của Rồng Đỏ – cho biết cách làm mới này tốn nhiều công sức hơn cách làm truyền thống, cán bộ của công ty hằng ngày phải có mặt trên đồng ruộng để ghi chép, giám sát quá trình sản xuất. Song song đó, cán bộ của TTKDTV2 phải có mặt thường xuyên để kiểm tra quy trình và các loại hóa chất bảo vệ thực vật đúng theo yêu cầu của EU. Ròng rã mất sáu tháng, Công ty TNHH Rồng Đỏ mới xuất khẩu trở lại EU lô ớt tươi đầu tiên và đã vượt qua khâu kiểm tra khắt khe tại nước nhập khẩu về dịch hại lẫn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật.

Rau trong vùng “phi dịch hại”

Cũng tìm cách đưa rau trở lại EU và các thị trường xuất khẩu khó tính khác, Công ty TNHH Thịnh Cát – đơn vị nhiều năm xuất khẩu rau quả đi EU và các thị trường khó tính khác – đi theo hướng khác, đó là đầu tư một trang trại hoàn toàn mới theo mô hình canh tác chưa từng có tại VN. Ông Đồng Đăng Huân, giám đốc Công ty Thịnh Cát, nhớ lại theo tư vấn của TTKDTV2, Thịnh Cát đầu tư một trang trại mới quy mô 1ha tại Củ Chi (TP.HCM) nhằm tạo ra một vùng phi dịch hại, tức đảm bảo không để các loài côn trùng, dịch hại nào xâm nhập và phát triển bên trong trang trại. Đặc biệt, khu nhà lưới rộng gồm vườn rau, khu sơ chế, khu hồ chứa nước và phân bón hoạt động tự động bằng phần mềm đã lập trình trước.

Mỗi khi ai đó vừa bước qua tấm cửa bạt để vào khu nhà lưới, một luồng gió mạnh bất ngờ ập xuống người từ chiếc quạt trên cao. Theo giải thích của nhân viên trang trại, quạt với tốc độ lớn để thổi bay các loài côn trùng, bào tử nấm bệnh nếu có đang bám trên quần áo của những người bước vào trang trại. Sau đó, phải qua thêm một lớp cửa nữa được khử trùng bằng vôi sống.

Theo ông Huân, phải có quy trình ngăn chặn dịch hại nghiêm ngặt như vậy bởi trong nhà lưới hầu như đã được cách ly với các loài này. Thậm chí để ngăn chặn chuột từ bên ngoài thâm nhập, công ty đã xây tường bao quanh cao 80cm và âm 80cm dưới mặt đất. Bên trên bức tường được quây bằng lưới và mái lợp bằng bạt. “Lưới thì chúng tôi phải nhập khẩu từ Israel mới đảm bảo có mắt lưới rất nhỏ ngăn cản các loài bọ, côn trùng, còn bạt phải mua từ Thái Lan mới đảm bảo yêu cầu” – ông Huân chia sẻ.

Không đủ rau xuất khẩu

Đến giữa năm 2013, Thịnh Cát đã xuất khẩu lô hàng húng quế 300kg đầu tiên trở lại EU bằng đường hàng không. Kiểm tra tại sân bay của nước nhập khẩu cho kết quả tốt đã chứng minh mô hình canh tác phi dịch hại của VN phát huy hiệu quả. Khách hàng phản hồi kết quả rất tốt và tiếp tục đặt thêm các loại hàng mới. Sau đó đến tháng 12-2013, Thịnh Cát lại tiếp tục xuất khẩu thành công rau ngò gai (mùi tàu) vào EU cũng bằng quy trình trên.

Theo ông Đồng Đăng Huân, hiện công ty đã ký được hợp đồng dài hạn với các khách hàng tại châu Âu để đưa các loại rau vào thị trường này. Mỗi tuần Thịnh Cát đưa vào EU 500kg húng quế, 150kg ngò gai và 50kg ớt. Hiện đơn vị này đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất thêm cần tây và khổ qua để đưa vào EU. “Nhu cầu của khách hàng rất lớn nhưng công ty không đáp ứng được” – ông Huân cho biết.

Theo ông Huân, ngoài khó khăn về nhân lực chăm sóc đồng ruộng, vốn đầu tư ban đầu cho đất đai và công nghệ rất lớn so với trồng rau theo truyền thống, đẩy giá thành sản xuất lên cao. “Đổi lại, xuất khẩu được vào châu Âu cũng như một giấy chứng nhận cho doanh nghiệp mở rộng các thị trường khác, chưa kể giá xuất cũng cao hơn nhiều” – ông Huân nói.

TRẦN MẠNH