10/01/2025

Sẽ là một thảm hoạ…

Sự việc đau lòng xảy ra đã một tháng tại Trường THPT Nguyễn Huệ (tỉnh Bình Định) nhưng đến nay nội vụ mới được tỏ tường trên báo: thầy trò trong một lớp khối 11 đánh nhau (thầy tát học trò, học trò đánh lại thầy) ngay trên bục giảng. Một học sinh đã quay clip rồi tung lên mạng, do đó nhiều người biết.

Sẽ là một thảm hoạ…

Sự việc đau lòng xảy ra đã một tháng tại Trường THPT Nguyễn Huệ (tỉnh Bình Định) nhưng đến nay nội vụ mới được tỏ tường trên báo: thầy trò trong một lớp khối 11 đánh nhau (thầy tát học trò, học trò đánh lại thầy) ngay trên bục giảng. Một học sinh đã quay clip rồi tung lên mạng, do đó nhiều người biết. 

Lâu nay, hiện tượng thầy giáo đánh hoặc mắng nhiếc, sỉ nhục học trò – một hành động sai trái cả về đạo lý và pháp lý – gần như địa phương nào, chẳng nhiều thì ít cũng có. Điều đáng nói, việc xử lý sau đó chưa đủ sức răn đe cần thiết. Phản ứng ngược lại – trò đánh thầy – trong mươi năm gần đây cũng đã xảy ra, ít thôi nhưng không quá cá biệt. Hệ quả tiếp theo, chẳng hay ho gì là phản ứng thiếu bình tĩnh của cha mẹ những học sinh hư ấy.

Người dân mình giờ đây hình như chỉ xúc động trước những chuyện động trời: những vụ tham nhũng ngàn tỉ, những vụ bảo mẫu hành hạ dã man trẻ thơ, thậm chí đạp chết em bé 16 tháng tuổi chỉ vì bắt em nín nhưng vẫn khóc… Những vụ việc khác cũng rất tệ hại, nhưng quy mô nhỏ hơn thì hình như mọi người không băn khoăn, vương vấn gì cho lắm. Có thể do cuộc sống ngày càng khẩn trương, vất vả. Cũng có thể sống chung với cái xấu, cái ác nhiều mà con người cũng chai lì đi, vô cảm hơn.

Thế nhưng trước sự cố kể trên ở Bình Định, không ít người tỏ ra xúc động và lo lắng. Phản ứng tâm lý, tình cảm này rất đáng suy nghĩ.

Xúc động và lo lắng là phải. Vì xưa nay nghĩ đến trường học, ai cũng đặt niềm tin đó là nơi tiêu biểu của kỷ cương nền nếp; đâu đó không khí tinh thần có thể ô nhiễm nhưng nơi ấy phải “vô trùng”; chuyện bê bối trong quan hệ xã hội có thể xảy ra nơi này nơi khác nhưng quan hệ thầy trò phải luôn lành mạnh, tốt đẹp. Truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc làm người ta tin tưởng. Tương lai tươi sáng của con em mỗi gia đình cũng như của cả dân tộc làm người ta hết lòng kỳ vọng vào nhà trường.

Vậy mà giờ đây lòng tin “còn một chút này” đã bị rạn nứt và có nguy cơ gãy đổ.

Bình tâm mà xét, để xảy ra “sự cố” ở Trường Nguyễn Huệ có khá nhiều đối tượng phải liên đới chịu trách nhiệm. Thầy Trần Anh Tuấn – người đánh học sinh – đương nhiên đáng trách hơn cả. Trong một lúc mất bình tĩnh, thầy đã quên hết những nguyên tắc giáo dục, biện pháp sư phạm để cảm hóa học trò, kể cả trò hư.

Đáng trách không kém là ban giám hiệu nhà trường. Các vị đã biết nhược điểm của lớp học ấy, cũng như của thầy giáo trẻ mới vào nghề nhưng không có biện pháp xử lý. Nếu sớm chấn chỉnh nghiêm thì đâu đến nỗi.

Có thể nghĩ đến mối quan hệ chưa chặt chẽ giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Nếu các gia đình được thông báo sớm và kỹ về tình hình học hành, kỷ luật các em…, nhiều khả năng sẽ có sự phối hợp tốt hơn, khắc phục được tình trạng “khoán trắng” việc giáo dục con cái cho thầy cô. Và quả là rất buồn khi nghĩ đến thái độ của học sinh lớp 11A1 ấy. Mấy chục em đã phản ứng ra sao khi sự việc xảy ra trên bục giảng? Có ai can ngăn hành động của hai người bạn hung hãn và sai trái của mình không? Tuyệt nhiên không, ngoại trừ ai đó đã quay lại clip và tung lên mạng (!).

Có thể tin sự cố này sẽ được xử lý rốt ráo và rồi sẽ qua đi. Thế nhưng đến bao giờ “vết sẹo” này mới được xóa đi trong tâm khảm người thầy trẻ, cũng như trong hai học sinh ngỗ ngược kia? Và rộng ra, trong tâm khảm của nhiều thầy cô và học sinh lớp 11A1 ấy? Chắc phải lâu lắm.

Rõ ràng, sự cố nói trên là một tín hiệu báo động khẩn thiết về trình độ người thầy – trước hết là lòng yêu trẻ, là đạo đức nghề nghiệp; về chất lượng đào tạo học sinh – trước hết là nhân cách chứ chưa phải là trình độ văn hóa.

Nếu không thật chu đáo, kỹ lưỡng trong việc giáo dục các em hôm nay, từ mầm non, tiểu học trở lên, để mỗi đơn vị trường học “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” như lời căn dặn chí tình của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đất nước sẽ “lãnh đủ” trong một tương lai gần. Và đó sẽ là một thảm họa.

TRẦN HỮU TÁ