Quyền tự do cư trú
Hộ khẩu là một trong những phương thức quản lý dân cư, tuy so với rất nhiều cách quản lý bây giờ thì đó là phương thức rất lạc hậu. Hiện trên thế giới chỉ có 3 nước áp dụng quản lý dân cư theo cách này (Việt Nam, Triều Tiên và Trung Quốc).
Quyền tự do cư trú
Hộ khẩu là một trong những phương thức quản lý dân cư, tuy so với rất nhiều cách quản lý bây giờ thì đó là phương thức rất lạc hậu. Hiện trên thế giới chỉ có 3 nước áp dụng quản lý dân cư theo cách này (Việt Nam, Triều Tiên và Trung Quốc).
Nhưng lạc hậu chưa phải là khuyết điểm lớn nhất mà điều đáng bàn là chúng ta đang dùng phương thức quản lý cũ kỹ này để hạn chế quyền nhân thân của công dân. Hiến pháp và bộ luật Dân sự quy định công dân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú và làm việc. Nhưng hộ khẩu và sự phân biệt đối xử giữa những người có hộ khẩu và chưa có hộ khẩu đang giống như cánh cửa hẹp cản trở người dân thực hiện quyền này.
Những người cư trú diện KT3 ở các thành phố lớn khổ trăm bề, từ việc khai sinh, xin học cho con, khám chữa bệnh đến xin cấp chứng minh thư, hộ chiếu, giấy phép xây dựng… Mà việc đăng ký hộ khẩu thường trú thì mới được hé mở một chút theo luật Cư trú năm 2006, lại đang bị siết lại theo luật sửa đổi năm 2013. Trong khi, trên thực tế mục tiêu hạn chế di dân về các đô thị lớn của việc “siết” điều kiện đăng ký thường trú hoàn toàn không đạt được. Bất chấp các điều kiện nhập khẩu khắt khe của luật Cư trú, luật Thủ đô, theo báo cáo của ngành công an, dân số Hà Nội vẫn tăng cơ học khoảng 5 vạn người mỗi năm; có những xã cận khu công nghiệp, nhân khẩu thường trú chỉ 2.000, nhưng nhân khẩu nhập cư lên tới gần 40.000 người. Số người ngoại tỉnh về Hà Nội mua nhà cư trú ổn định nhưng chưa đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu lên tới hàng trăm ngàn người và còn tiếp tục tăng.
Người ta sinh sống ở đâu thì cũng phải đi làm, đi học, đi bệnh viện ở đó, thế là sinh ra chạy chọt, xin xỏ. Hành vi “chạy chọt”, ngụy tạo các hợp đồng lao động, hợp đồng thuê mượn nhà để đăng ký hộ khẩu là hành vi bất hợp pháp nhưng chưa chắc đã bất hợp lý. Bởi vì pháp luật trong trường hợp này đã được sử dụng để hạn chế nhu cầu chứ không phải để điều chỉnh hành vi.
Tháng 6.2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án về đơn giản hóa thủ tục hành chính và các cơ sở dữ liệu quản lý dân cư 2013 – 2020, với mục tiêu hiện đại hóa công tác quản lý dân cư. Các loại giấy tờ quản lý dân cư như giấy khai sinh, hộ khẩu, hộ tịch, chứng minh thư… được mã hóa trong một loại giấy tờ, gọi là thẻ công dân. Đây là bước đầu tiên quan trọng để có thể thay đổi phương thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử. Nhưng nếu như không thay đổi bản chất: sự phân biệt đối xử giữa người có hộ khẩu và chưa có hộ khẩu trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội thì coi như vấn đề xung đột giữa pháp luật và cuộc sống vẫn chưa được giải quyết. Cần phải đặt trọng tâm của cải cách này vào việc quản lý dân cư theo địa chỉ cư trú thay vì theo hộ khẩu.
Trong điều kiện ở Việt Nam, việc kiềm chế làn sóng di dân ra các thành phố lớn vẫn có thể cần đặt ra. Nhưng phải bằng các công cụ thuế, phí để hoàn toàn trao quyền quyết định chọn cư trú ở thành phố hay về quê cho công dân, không nên và không thể sử dụng các biện pháp cấm cản hay hạn chế nhu cầu như đang làm.
An Nguyên