Nguồn lực cho đời linh mục của tôi

Nhìn lại dòng đời đã qua của mình, tôi hết lòng tạ ơn Chúa, Mẹ Thánh Maria, các thần thánh, các hồn người đã khất và chân thành cám ơn những người thân yêu, các thân nhân, ân nhân đã không ngừng cầu nguyện và nâng đỡ tôi trong suốt 40 năm linh mục. Xin Chúa trả công bội hậu cho từng người.

 Nguồn lực cho đời linh mục của tôi

(Nhân dịp kỷ niệm 40 năm linh mục)

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Đời linh mục của tôi có lẽ bắt đầu được chuẩn bị từ ngày tôi bước chân vào Tiểu Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê năm 1959, khi lên 11 tuổi, học lớp Đệ Thất (lớp 6), ở Phước Lâm, Phước Tuy, Vũng Tàu.

Lúc đó gia đình tôi làm ăn thua lỗ nên phải cầm cố căn nhà đang ở để lấy số tiền 800 đồng. Cha mẹ tôi đã cho tôi 200 đồng để tôi mang theo cho cuộc hành trình xa nhà đầu tiên của đời mình. Tôi dùng tiền để mua sắm những thứ cần thiết như sách vở, giấy bút, muỗng đĩa… hết 50 đồng. Tiền còn lại tôi đã giấu rất kỹ trong chiếc gối đầu giường vì sợ vali mình bị cạy, nhưng không biết ai lấy mất. Đối với tôi lúc đó đây là số tiền rất lớn và rất quan trọng, nhưng nếu khai báo mình bị mất không biết có tìm được không, mà chắc chắn sẽ gây xáo trộn giữa các chủng sinh, nên tôi đành im lặng chịu đựng. Rất may là vào dịp Tết, cha Giám thị Tiểu Chủng viện – Phêrô Phạm Minh Công – có tổ chức một cuộc thi viết thư mừng xuân chúc tuổi Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi. Không biết “chó ngáp phải ruồi” thế nào mà lá thư tôi viết lại được chọn và tôi được thưởng 150 đồng, đúng với số tiền bị mất! Thế là Chúa đã cho tôi vượt qua được một thử thách đầu tiên của đời tu trì tiến đến chức linh mục sau này.

Những năm trung học, từ lớp Đệ Thất đến Đệ Nhất (lớp 6 đến lớp 12), trôi qua với nhiều cuộc chuyển đổi: từ Vũng Tàu (Đệ Thất) về Tiểu Chủng viện Phanxicô Xaviê ở đường Bùi Thị Xuân, quận 1, Sài Gòn; từ Bùi Thị Xuân sang cơ sở ở số 4 đường Hoàng Hoa Thám, Gia Định (thuộc quận Bình Thạnh bây giờ). Sau khi đỗ tú tài I, các tiểu chủng viện thuộc các giáo phận di cư của miền Bắc đều quy tụ các chủng sinh của mình vào một nơi duy nhất là Chủng viện Thánh Phaolô của Giáo phận Phát Diệm, toạ lạc tại đường Trương Tấn Bửu (nay là đường Trần Huy Liệu), quận Phú Nhuận. Tôi học ở đây trong năm cuối cùng của bậc trung học và năm 1966 thi đậu tú tài II, hạng Bình Thứ.

Trong năm 1965, Toà Thánh thiết lập Giáo phận Xuân Lộc, tách ra từ Tổng giáo phận Sài Gòn, Đức Giám mục tiên khởi Giuse Lê Văn Ấn đã đến chủng viện Phaolô để xin các chủng sinh đăng ký gia nhập giáo phận mới trong tinh thần truyền giáo. Hè năm 1966, tôi đã tình nguyện gia nhập giáo phận mới này, dù gia đình đang thuộc giáo phận Sài Gòn. Việc gia nhập giáo phận mới ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc đời linh mục của tôi sau này.

Tôi được   Đức cha Giuse Lê Văn Ấn chỉ định lên học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X, Đà Lạt, do các cha Dòng Tên điều hành. Đây là học viện trực thuộc Bộ Giáo dục Công giáo của Toà Thánh Vatican. Học viện này thu nhận các đại chủng sinh của các giáo phận miền Nam Việt Nam cũng như một số tu sĩ của các dòng tu trong và ngoài nước thuộc miền Đông Nam Á. Chủng sinh sẽ học chương trình 8 năm gồm: 4 năm triết học và 4 năm thần học, không kể 1 hoặc 2 năm đi giúp xứ sau 4 năm triết học, rồi mới chịu chức linh mục.

Các năm học diễn ra tương đối ổn định dù thời cuộc chính trị và quân sự lúc đó hết sức sôi động với cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 và cuộc chiếm đất dành dân sau Hiệp định Genève năm 1972 của Cộng sản miền Bắc. Từ năm 1966-1970, tôi học 4 năm triết ở Giáo hoàng Học viện và tốt nghiệp cử nhân triết học. Từ 1970-1971, tôi được sai đi phục vụ giáo xứ Vinh Trung, Bình Giã, do cha Phêrô Trần Đình Trọng làm chánh xứ. Đây là một miền đất nằm trong vùng trọng điểm của chiến trường Bình Giã. Từ 1971-1975, tôi trở về trường tiếp tục học các năm thần học và chuẩn bị chịu chức linh mục.

Việc thụ phong linh mục của tôi không được suôn sẻ như các bạn đồng lớp vì một chuyện bất ngờ: ba tôi lúc đó là thầu khoán kiến trúc xây dựng Làng Thương phế Binh Thủ Đức nên có nhờ một số người coi các kho chứa vật liệu xây dựng. Một bà mẹ có hai người con là thương phế binh biết gia đình tôi có người sắp chịu chức linh mục, đã viết thư cho đức giám mục giáo phận, bấy giờ là Đức cha Đa Minh Nguyễn Văn Lãng, tố cáo gia đình chuyện này chuyện nọ. Sau này tôi mới biết chỉ vì bà muốn tôi gọi bà là “Bà cố” và gia đình tôi phải may cho bà một bộ áo gấm để đi dự lễ phong chức của tôi, nhưng ba tôi lại quên, không đáp ứng yêu cầu của bà. Sau khi gia đình giải thích cho bà hiểu rằng những lời tố cáo vu vơ ấy sẽ làm tôi không thể chịu chức, bà cũng không thể dự lễ như mong muốn… bà đã lên toà giám mục rút lại đơn và xin lỗi Đức cha. Khi tôi nhận được tin cho phép chịu chức thì không còn đủ thời giờ để chuẩn bị thiệp báo tin cho mọi người. Tuy nhiên, tôi nhận ra đây cũng lại là một sự can thiệp diệu kỳ của Thiên Chúa trong cuộc đời linh mục của mình.

Ngày 21/12/1974, tôi đã được Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình phong chức linh mục tại Nhà thờ Chính toà Sài Gòn cùng với một cha bạn là Giuse Đinh Hữu Huynh (+)và hai cha Dòng Tên là Gioan Baotixita Nguyễn Ngọc Tiến S.J. và bác sĩ Giuse Cổ Tấn Hưng S.J.. Tôi đã dâng lễ tạ ơn đầu tiên tại Giáo xứ Vinh Sơn, đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 tháng 2), quận 10, vì gia đình thuộc giáo xứ này từ vài năm qua. Sau ít ngày mừng lễ, tôi trở lại trường tiếp tục học năm cuối của chương trình thần học.

Anh em linh mục lớp chúng tôi hiểu rằng cuộc đời linh mục của mình sẽ trải qua nhiều thăng trầm vì phải chiến đấu xông pha như “người trai thời loạn”. Lúc này tình hình chiến cuộc rất căng thẳng, quân đội Cộng sản miền Bắc đã chiếm nhiều khu vực ở cao nguyên và miền Trung Việt Nam (VN). Và người ta nói đến một cuộc rút quân đội Mỹ ra khỏi VN và miền Bắc có nhiều lợi thế trong cuộc chiến tranh giải phóng toàn diện VN.

Đầu năm 1975, chúng tôi học hành trong sự khắc khoải lo âu vì tin tức chiến sự hằng ngày cho thấy người Mỹ thật sự muốn rút khỏi cuộc chiến tranh này. Đầu tháng 3 năm 1975, những chiếc xe Molotova của quân đội Cộng sản miền Bắc đã xuất hiện trong những trận địa miền Cao Nguyên như Đà Lạt. Thành phố Đà Lạt được lệnh di tản. Tối ngày 19/3/1975, cha Viện trưởng San Diego S.J. gọi riêng tôi vào phòng ngài và nói với tôi: “Ngày mai trong khi chúng tôi cử hành lễ Thánh Giuse và phong chức phó tế cho một số chủng sinh, xin cha ra ngoài phố tìm cho chúng tôi mấy chiếc xe hàng để chở tất cả các giáo sư và sinh viên xuống Phan Thiết. Còn cha sẽ ở lại học viện để giúp đỡ các Cha San Pedro S.J., người Cuba, cha Khral, thầy Hero người Hungary vì nếu Cộng sản chiếm Đà Lạt, có người ở lại thì Học viện sẽ an toàn hơn”.

Tôi đã vâng lệnh ngài nhưng các xe khách, xe tải của Đà Lạt đã tìm đường về Sài Gòn từ nhiều ngày trước. Tìm mãi tôi mới kiếm được một chiết xe tải và một chiếc xe be chở gỗ bằng lòng chở chúng tôi đi Phan Thiết. Thế là, các cha giáo sư, các người cao tuổi, ốm yếu được nhét đầy trong xe tải chở hàng. Còn các thầy trẻ, khoẻ bám vào chiếc xe be. Học viện cũng còn một chiếc xe Volkswagen 15 chỗ. Cả 3 xe rời Đà Lạt chở theo hơn 200 người theo ngả Phan Rang-Phan Rí-Phan Thiết vì đường bộ đi từ Đà Lạt xuống Sài Gòn đã bị cắt đứt từ hai tháng trước.

Đêm đó, ngủ lại trong toà nhà học viện vắng lặng, tôi hiểu hơn về sứ mạng linh mục dấn thân của mình. Tuy nhiên, sáng sớm hôm sau, lệnh của cha viện trưởng lại yêu cầu các cha học viên Việt Nam phải tìm mọi cách đi xuống Phan Thiết, chỉ để lại mấy linh mục nước ngoài. Ngày 22/3/1975, năm anh em chúng tôi, trong đó có 3 thầy Dòng Tên, rời Đà Lạt bằng 3 chiếc xe gắn máy tìm được trong nhà xe của Học viện. Tôi lái chiếc Honda yếu nhất, mang theo bình xăng dự trữ. Đến gần đỉnh đèo Ngoạn Mục ngăn cách Đà Lạt với Phan Rang, chúng tôi thấy đoàn xe dài mấy cây số đang cố gắng vượt qua đèo trong cuộc tháo chạy hỗn loạn. Do có một số xe hết xăng, chết máy dọc đường, nên cả đoàn xe chạy rất chậm. May mắn chúng tôi đi xe máy len lỏi giữa các bờ vực nên vượt qua được.

Đường qua Thành phố Phan Rang-Phan Rí thật vắng lặng vì nhiều gia đình sợ Cộng sản đã bỏ chạy vào Sài Gòn. Dân còn ở lại phấp phỏng chờ đợi quân đội miền Bắc. Cuối ngày chúng tôi cũng đến được Phan Thiết, nhập chung với đoàn các cha, các thầy của Học viện đang tạm trú tại Giáo xứ Phan Thiết chờ thuê thuyền vượt biển đi về Vũng Tàu. Chiều ngày 23/3/1975, chúng tôi rời Phan Thiết và cập bến Vũng Tàu vào khoảng 9 giờ sáng ngày 24/3/1975, sau đó đi xe khách về Sài Gòn. Các cha giáo sư nhờ tôi thuê một toà nhà góc đường Cống Quỳnh-Bùi Thị Xuân, quận 1, để tạm trú trong thời gian chờ tìm được nơi ở rộng rãi, tiện nghi hơn. Sài Gòn lúc này đầy những người tị nạn chiến tranh đổ về. Những chiếc tàu và xà lan cập bến Vũng Tàu mỗi ngày chở theo những người từ Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, trong đó có cả những người chết.

Ngày 25/3/1975, tôi xin vào làm việc ở tổ chức Caritas Việt Nam do Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, lúc đó làm chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và mới được Toà Thánh Vatican bổ nhiệm làm Tổng giám mục Phó Tổng Giáo phận Sài Gòn và linh mục Phêrô Trương Trãi làm Giám đốc Caritas Việt Nam. Nhiệm vụ hằng ngày của tôi là điều phối tổ chức cứu trợ cho hơn 500.000 người tị nạn cắm lều ở dọc theo các xứ Hố Nai, Biên Hoà. Chúng tôi lo gạo sấy, thuốc men, nước uống và những nhu yếu phẩm cần thiết hằng ngày cho họ.

Chính nhiệm vụ lo cho những người nghèo khổ này đã thúc đẩy tôi ở lại VN, khi toàn bộ gia đình tôi rời Việt Nam sang định cư ở Hoa Kỳ vào ngày 28/4/1975. Sáng hôm đó, khi tôi đang lo phát các túi gạo sấy cho người tị nạn thì ba tôi gọi tôi về để đi cùng với gia đình vào Phi trường Tân Sơn Nhất vì gia đình có người anh họ của ba làm chủ hãng tàu bảo lãnh sang Mỹ. Khi tất cả gia đình ở trên xe buýt, tôi bắt tay từ giã gia đình và xin được ở lại lo cho những người nghèo khổ. Tôi hiểu rằng nếu tôi đi cùng gia đình, các em tôi sẽ bớt vất vả vì tôi có thể nói tạm tiếng Anh để lo cho gia đình trong những ngày đầu định cư trên đất Mỹ, tôi cũng có thể học tiếp để có bằng cấp cao hơn như nhiều bạn linh mục khác đến định cư ở Mỹ. Nhưng trong giờ phút phải chọn lựa căng thẳng đó, Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy và tôi luôn an tâm về sự chọn lựa của mình, dù cha mẹ và tôi đều biết rằng ở lại Việt Nam tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn..

Sau khi gia đình ra nước ngoài, căn nhà của cha mẹ ở đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ) biến thành một cơ sở của Caritas Việt Nam để lo cho những người nghèo khổ, nhất là những người muốn sinh sống ở các vùng kinh tế mới. Hàng trăm ngàn người ở các nơi đổ về Sài Gòn để tìm an bình trước đó nay muốn trở về quê hương, cũng như có nhiều người Sài Gòn muốn tìm vùng quê để sống yên ổn vì cho rằng ít ai để ý đến lý lịch hay quá khứ của mình. Chúng tôi giúp cho họ những đồ dùng cần thiết như gạo, mì, bát đũa, nồi, xoong, bộ đồ thợ mộc như cưa, đục, bào, dao, búa, kìm, kéo, và cả bộ tôngđơ hớt tóc cho các gia đình theo từng nhóm nhỏ để họ có thể sinh sống trong thời gian lập nghiệp ban đầu ở vùng sâu, vùng xa.

Sau biến cố 30/4/1975, các cha giáo sư và các chủng sinh của Giáo hoàng Học viện trở lại Đà Lạt ngay đầu tháng 5 và bắt đầu thích ứng với hoàn cảnh mới của đất nước. Sân bóng đá, bóng chuyền và các mảnh đất quanh viện được cày xới để trồng rau, nuôi thỏ trong tinh thần của nền kinh tế tự túc. Các sinh viên ra sức học hành thật nhanh, hy vọng có thể xong sớm các chương trình triết học, thần học hầu đáp ứng tình trạng thiếu linh mục trong tương lai.

Vào khoảng tháng 7 năm 1975, cha Viện trưởng Diego gọi tôi lên Đà Lạt, giao nhiệm vụ làm phụ tá Viện Trưởng cùng với một vài cha bạn khác như cha Tôma Nguyễn Văn Thượng, chuẩn bị bàn giao cho các cha VN điều hành trong trường hợp các giáo sư nước ngoài không thể ở lại VN. Các ngài dự trù sẽ có giai đoạn chuyển tiếp khoảng 4 năm như đã xảy ra ở Thượng Hải khi Trung Cộng chiếm được chính quyền. Chúng tôi được đào tạo gấp rút để thay thế các giáo sư nước ngoài trong các bộ môn. Tuy nhiên, vượt ra ngoài sự dự liệu, toàn bộ giáo sư và nhân viên nước ngoài của Học viện Giáo hoàng Piô X bị trục xuất ngày 30/8/1975 và tất cả phải rời khỏi VN ngày 2/9/1975.

Vì thế, từ tháng 9 năm 1975 tôi lại trở về Sài Gòn âm thầm làm việc trong lĩnh vực bác ái xã hội để cứu giúp những người khốn khó, tật nguyền trong tư cách là Phó Giám đốc Caritas Việt Nam. Chúng tôi lo cho đồng bào nghèo khổ, những người khuyết tật, mồ côi, những người phải về vùng kinh tế mới, đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là sau vụ đổi tiền đầu tiên ở miền Nam vào ngày 22/9/1975. Người dân chỉ có 12 giờ để đổi và đổi tối đa được 200 đồng tiền mới, theo quy địnhcứ 500 đồng cũ đổi 1 đồng mới. Tiền cũ dư ra kể như vô dụng. Lần đổi tiền thứ II vào ngày 3-5-1978 để thống nhất tiền tệ trong cả nước càng gây khó khăn hơn cho các toà giám mục, giáo xứ, chủng viện, dòng tu và các cơ sở tôn giáo hơn vì mỗi hộ có 2 người trở lên chỉ được đổi tối đa là 200 đồng tiền mới.

Những thời điểm khó khăn như thế càng làm tôi hiểu hơn sứ mạng làm mục tử của mình dù tôi chẳng có một đàn chiên riêng biệt nào. Ngày 2/9/1976, theo đề nghị của Uỷ ban Quân quản thành phố HCM và sau 3 lần thương thảo với ông Nguyễn Đình Đầu, Linh mục Trương Trãi và tôi lên bàn giao Caritas Việt Nam cho Toà Tổng Giám mục Sài Gòn và tạm ngưng hoạt động của Caritas Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng âm thầm thực hiện nhiều chương trình cứu trợ, giúp đỡ các giám mục giáo phận vượt qua cơn khó khăn trong những năm sau đó. Miền Nam nhiều gạo nhưng người dân phải ngửa tay xin những ký bo bo về ăn độn với khoai, sắn (mì). Chúng tôi cộng tác với Đức cha Alexis Phạm Văn Lộc trong chương trình “đổi gùi củi lấy gạo” cho đồng bào thiểu số đói khổ trong hàng chục năm. Không biết có ai còn nhớ đến để cầu nguyện cho người đã khuất?

Trong năm 1976, cha Trương Trãi và tôi đi thăm Đức cha Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận 2 lần khi người bị quản thúc tại Cây Vông, Nha Trang, để tường trình những công việc bác ái xã hội. Sau đó ngài bị di chuyển ra Bắc và chúng tôi không còn gặp ngài nữa mà phải tự mình tổ chức các hoạt động bác ái này. Kỷ niệm đáng nhớ là một hôm có người trao cho tôi bức thư của ngài viết vội trên mảnh giấy tam giác xé ra từ một chiếc phong bì: “Sơn thân mến, Cha sắp rời Hà Nội để sang bên Toà Thánh. Bất cứ khi nào con có dịp ra khỏi nước, con hãy liên lạc với Đức Khâm Sứ Toà Thánh tại Thái Lan. Ngài là bạn thân của cha. Ngài sẽ lo liệu cho con sang Rôma gặp cha. Chúc con an lành. Cha.”. Tuy nhiên cho đến khi ngài qua đời, năm 2002, hai cha con vẫn chưa gặp lại nhau, chỉ nhớ nhau qua lời cầu nguyện. Trước khi chết, ngài vẫn nhớ đến đồng bào nghèo khổ, bệnh tật ở Việt Nam và gửi Đức ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả cho tôi 104.000 đôla Mỹ để tôi chuyển đến Caritas Việt Nam lo cho những người bị phong cùi. Cuộc đời linh mục của Đức cha cũng là một gương mẫu thúc đẩy tôi bước theo Chúa Giêsu trong sự âm thầm, chịu đựng, hy sinh.Trong thời gian này, tôi dâng lễ hằng ngày tại Nhà thờ Vinh Sơn đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 tháng 2). Ban ngày, tôi  làm việc thêm trong Nhà In Nguyễn Bá Tòng ở số 63 Bùi Thị Xuân, quận 1, trong tư cách vừa là thành viên hội đồng quản trị thay chỗ cho linh mục Đaminh Nguyễn Thanh Bình bỏ đi nước ngoài, vừa là công nhân điều khiển dàn máy sắp chữ cơ khí tự động bằng phim Monophoto. Đây là hệ thống sắp chữ hiện đại duy nhất ở VN vào thời điểm đó.

Đêm 12/2/1976, rạng sáng ngày 13/2/1976, lực lượng an ninh TP.HCM tấn công Nhà thờ Vinh Sơn, thu giữ các thiết bị phát thanh và máy in tiền giả được cho là của nhóm phản động. Có người bị bắn chết trong nhà thờ. Cha xứ Nguyễn Quang Minh đã bị bắt giữ và chết trong tù. Chiều hôm đó, tôi đến dòng Đaminh Tam Hiệp dâng lễ an táng cho một nữ tu, nên không dâng lễ tại nhà thờ Vinh Sơn như thường lệ. Sự kiện này lại nhắc nhở tôi về sự an bài và quan phòng của Chúa trong đời linh mục của mình. Do nhà thờ bị chính quyền đóng cửa để điều tra nên từ đó đến nay tôi đến dâng lễ cho các chị Dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương ở 362 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Trong thánh lễ kết hợp với Chúa Giêsu tôi tìm được nguồn lực vô tận cho đời linh mục của mình.

Sau mấy tháng niêm phong, chính quyền đã cho phép Toà Tổng Giám mục được mở cửa lại nhà thờ Vinh Sơn. Linh mục quản hạt Phú Thọ giao cho tôi nhiệm vụ dâng lễ hằng ngày cho giáo dân tại nhà thờ vì trụ sở làm việc của tôi ở trong giáo xứ. Nhờ sự giúp đỡ tài chính của Đức ông Biellachzesky, đại diện Khâm sứ Toà Thánh tại Việt Nam, và một vài ân nhân, tôi đã sửa chữa lại cung thánh bị bắn phá đổ nát, làm mới nhà chầu. Từ tháng 6 năm 1976 trở đi, sinh hoạt phụng vụ ở giáo xứ rất trang nghiêm và thu hút nhiều tín hữu giáo dân từ các nơi đến tham dự, nhất là trong các thánh lễ Chúa Nhật, dù giáo xứ Vinh Sơn lúc đó chỉ có khoảng một vài trăm gia đình.

Ngày 24/12/1976, tôi nhận được công văn khẩn của UBND quận 10 thông báo rằng: “Bắt đầu từ ngày 25/12/1976, tôi không được phép dâng thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Vinh Sơn”. Thông báo không cho biết lý do tại sao tôi lại bị cấm dâng lễ ở đó. Đêm Giáng Sinh năm đó, tôi dâng lễ với niềm vui pha lẫn nỗi buồn, vì biết rằng cuộc đời linh mục của mình lại có những khó khăn mới. Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình biết vậy nên bảo tôi: “Mỗi sáng Chúa Nhật, con lên Toà Giám mục dâng lễ trong ngôi nhà nguyện cổ của cha”. Tôi vâng lệnh ngài, nhưng chỉ dâng được 4 tuần thì lại có công văn nhắc nhở: “Linh mục Nguyễn Ngọc Sơn không được phép dâng lễ tại Toà Tổng Giám mục”. Đức Tổng Phaolô lại sai tôi đi dâng lễ ở nhà thờ Bắc Hà, đường Lý Thái Tổ, quận 10 vào lúc 4g30 sáng. Ngài nói: “Con dâng lễ sớm, ít người tham dự thì họ không để ý đến con đâu”. Nhưng sự việc cũng chỉ kéo dài được 4 tuần, lại có một công văn nhắc nhở: “Linh mục Nguyễn Ngọc Sơn không được phép dâng lễ tại Nhà thờ Bắc Hà”.

Một số anh em linh mục ngạc nhiên, không biết tôi “mắc tội” gì mà chính quyền không cho dâng lễ. Có người đoán là vì tôi làm việc ở Caritas Việt Nam với Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã bị bắt vào tháng 8 năm 1975; hoặc là vì người ta không muốn tôi biến Giáo xứ Vinh Sơn thành một biểu tượng nhắc nhở về “Vụ án chống phá cách mạng”; hoặc nghi ngờ tôi là nhân viên CIA để lại do cả gia đình tôi ra nước ngoài, hay do chính quyền quận 10 muốn chiếm căn nhà của cha mẹ tôi ở số 804 Điện Biên Phủ, nên không muốn tôi có mặt ở đó… Tất cả chỉ là những lời phỏng đoán, nhưng từ đó anh em linh mục không dám mời tôi dâng thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ của họ vì sợ bị chính quyền để ý theo dõi. Vì thế, qua sự an bài của Chúa, cuộc đời linh mục của tôi lại bước sang một bước ngoặt mới.

Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình thấy tôi gặp nhiều khó khăn liền bảo tôi: “Con cứ an tâm dâng lễ ở trong tu viện và đi làm công nhân để tìm hiểu đời sống người lao động vì trong chế độ này, hai giai cấp công nhân và nông dân rất được tôn trọng”. Tôi đã vâng lệnh ngài đến làm việc tại Nhà In Nguyễn Bá Tòng như một công nhân thực thụ, nhất là từ khi nhà in này được Toà Tổng Giám mục giao cho Sở Văn hoá và Thông tin TP.HCM quản lý từ tháng 6/1978 và được đổi tên thành Nhà máy In Tổng Hợp TP.HCM.

Do các nhà cửa và tài sản của cha mẹ tôi bị chính quyền quản lý với lý do chủ nhà vượt biên ra nước ngoài, nên tôi xin chuyển hộ khẩu lên số 1B Tôn Thất Tùng, quận 1, để ở chung với linh mục Giuse Ngô Đức Thắng và các nữ tu dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương và để làm việc trong Nhà Máy cho gần. Cha Thắng lo phần hình ảnh, còn tôi lo phần sắp chữ trong khâu chế bản. Đây là một nhà in với nhiều máy móc hiện đại và toàn bộ công nhân và nhân viên cũ được sử dụng. Tôi trở thành công nhân của một công ty quốc doanh và thi tay nghề xác định bậc lương khởi đầu là 5/7. Sau 18 năm làm việc chính thức trong ngành in với nhiều nghiên cứu, phát minh, tôi trở thành thợ giỏi bậc 7/7 rồi dần dần thành chuyên viên ngành in bậc 6/8.

Năm 1976, tôi đã cùng với 10 chủng sinh của Giáo hoàng Học viện Piô X sửa chữa lại bản dịch các văn kiện của Công đồng Vatican II của Học viện, đưa thêm các phần mới như các sứ điệp Công đồng, trích dẫn Thánh Kinh và nhất là dịch thêm phần Mục lục Phân tích Chủ đề dài hơn 400 trang. Nhờ làm việc trong nhà in nên sau khi sắp chữ dàn trang thành phim trên hệ thống sắp chữ Monophoto, tôi đã cho chụp thành các bản Microphim và nhờ người bạn vượt biên đem sang Hoa Kỳ in thành sách để phục vụ đồng bào Công giáo Việt Nam ở nước ngoài. Linh mục Đa Minh Nguyễn Thanh Bình ở Texas, Hoa Kỳ, đã in bản dịch Công đồng này thành 2 cuốn, dày 1.372 trang, khổ 12x18cm. Sách này đã được Đức Hồng y G.M. Trịnh Văn Căn mang vài chục cuốn về Việt Nam và có tặng cho tôi 2 bộ. Năm 2012, Uỷ ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã sửa đổi ít nhiều bản dịch này và xuất bản để nhận làm bản văn chính thức của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Như thế, công lao của các cha giáo sư và sinh viên thuộc Giáo hoàng Học Viện Piô X đã được đón nhận. Trong sự quan phòng của Chúa, đời linh mục của tôi sẽ gắn bó với sách vở và báo chí như những phương tiện để truyền bá Tin Mừng.

Trong suốt 18 năm, từ 1978-1996, mỗi ngày, sau thánh lễ ban sáng, tôi làm việc chung với các anh chị em khác trong tổ sắp chữ máy Monophoto từ 7g30 sáng đến 16g30 chiều, buổi trưa được nghỉ từ 11g30-12g30. Chính trong môi trường lao động này, tôi học lại bài học vâng phục, yêu thương của Chúa Giêsu dưới mái nhà Nazareth. Mỗi ngày tôi trải qua 8 giờ vàng ngọc với những tiếng gõ nhẹ trên bàn phím của các máy đánh chữ Keyboard, với những tiếng va đập inh ỏi của 3 máy chụp Filmsetter, với những hoá chất rửa phim độc hại, với cả những yếu đuối, bất toàn của con người khi kèn cựa, tranh giành, xung đột với nhau vì danh hiệu “công nhân tiên tiến”, “chiến sĩ thi đua”, hoặc vì ít tiền thưởng mỗi kỳ lễ Tết. Sau cùng, tôi hiểu rằng tất cả đều đã qua đi chỉ còn đọng lại những gì tích cực, yêu thương.

Khi làm tổ trưởng tổ sản xuất tổ Monophoto, từ 1982, tôi phải điều hành các công nhân trong tổ để cho họ có đủ công việc, đủ tiền lương, nhiều khi phải sửa chữa máy hỏng, dù không chuyên môn về cơ khí, nhiều lúc phải nặn óc nghiên cứu phụ tùng thay thế, vì hoàn cảnh lúc đó không cho phép nhập khẩu thiết bị sửa chữa, nhất là nghiên cứu làm mới những khuôn matrix để có những font chữ Việt Nam mới dùng trong ngành sắp chữ máy. 18 năm làm việc trôi qua nhanh chóng, rèn luyện đời linh mục của tôi trong việc đối nhân xử thế, hoà nhập vào đời sống của tầng lớp lao động để cảm thông và loan báo Tin Mừng cho họ.

Trong thời gian này, nhờ hiểu biết về in ấn, tôi có thể giúp nhiều việc cho Giáo hội Công giáo Việt Nam. Nhân dịp đi nghỉ ở Đà Lạt 1988, tôi lập dự án đề nghị với Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm thành lập Uỷ ban Phụng vụ thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN). Đức cha hỏi tôi: “Con có thể nối kết 2 nhóm linh mục làm thành Uỷ ban và hỗ trợ tài chính cho Uỷ ban làm việc?”. Tôi hiểu đây cũng là sứ mạng của người mục tử nên xin Chúa và Chúa đã giúp đỡ chúng tôi. Ủy ban đã được HĐGMVN thành lập ngay cuối năm đó. Uỷ ban bắt đầu dịch cuốn Sách Lễ Rôma trong vòng hơn 1 năm, nhưng khi có chuyện kiện cáo về tác quyền của 1 người anh em thì hầu như tất cả đều nản lòng, bỏ dở công trình vào năm 1990. Nhờ làm việc trong ngành in nên tôi tiếp tục sửa chữa để hoàn thành bản dịch với  thầy Giuse Nguyễn Tất Trung, dòng Đa Minh, (đã chịu chức linh mục năm 1997), rồi sắp chữ bản thảo, photo và làm thử  cuốn Sách Lễ Rôma và Phụng vụ Các Giờ Kinh thành 2 cuốn sách giống như thật để Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình trình cho HĐGMVN trong khoá họp thường niên năm 1991. Năm 1992, hai cuốn sách này được chính thức xuất bản và là niềm vui cho tất cả những ai dùng chúng.

Từ đó tôi cũng bắt đầu lo công tác văn hoá cho Toà Tổng Giám mục TP.HCM. Chúng tôi soạn và dịch khá nhiều sách cho trẻ em như Chúa Nói với Trẻ em (1994), các truyện tranh như Mẹ Maria (1994), Thánh Phaolô Thành Tácxô (1996), Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1996), sách cho các bạn trẻ như Con Người Mới trong Gia Đình Thiên Chúa (1994), Lắng Nghe Tiếng Gọi từ Gia Đình Nazareth (1994), hoặc cho các tu sĩ như Người Mục Tử Cộng đồng Hướng về Tương Lai (1996), Thống Nhất Đời Sống Trong Chúa Giêsu Kitô (1997). Cùng với mấy cha bạn chúng tôi lo tập Bài Giảng Chúa Nhật do Toà Tổng Giám Mục TP.HCM phát hành để giúp anh em linh mục trong việc phục vụ Lời Chúa. Chính trong khi học hỏi Lời Chúa, tôi tìm được sức mạnh và rất nhiều ơn thiêng cho đời linh mục của mình.

Để đáp lại lời kêu gọi của Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình, nhân dịp mừng thọ 70 tuổi của ngài, khi ngài kéo riêng cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm và tôi mà nói: “Các con phải làm gì cho giới trẻ đi chứ!”, tôi đã thực hiện cuốn Sứ điệp Loài hoa vào năm 1993. Các bạn trẻ đã nồng nhiệt đón nhận: 35.000 cuốn bán hết trong vòng 2 tháng đầu năm 1994. Nhưng khi Đức Tổng Phaolô 3 lần viết đơn xin tái bản cuốn sách, thì Sở Văn hoá Thông tin TP.HCM  đều từ chối và cho đó là một cuốn sách phản động. Có lẽ là vì một đoạn văn ngắn viết về Hoa Bất tử, dù trong toàn bộ cuốn sách tôi đã không dùng từ Chúa một lần nào? Sau này, do sự can thiệp của ông Trần Quốc Hương, sau khi ông được Chúa chữa lành, cuốn sách đã được tái bản vào năm 1997 và đến nay đã vượt quá 150.000 ấn bản. Bài học Sứ điệp loài hoa dạy tôi cách loan báo Tin Mừng trong thời đại hôm nay là cần phải biết gắn bó với Chúa Giêsu và thở được Thần Khí của Người để mỗi anh em linh mục chúng tôi trở thành những chứng nhân sống động của Người.

Cũng từ môi trường văn hoá này, Chúa lại cho tôi thâm nhập vào một lĩnh vực mới: giáo dục thế hệ trẻ. Nhờ những nghiên cứu phát minh của tôi trong ngành sắp chữ máy và sắp chữ điện tử, tôi được mời tham gia sáng lập khoa Kỹ thuật In của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, trụ sở của trường ở đường Võ Văn Ngân, Thủ Đức. Suốt 16 năm dạy tại đây, chúng tôi đã đào tạo hàng ngàn sinh viên trở thành kỹ sư ngành in phục vụ cho ngành in ấn của Việt Nam. Trong mối quan hệ ngành nghề, tôi cũng được mời dạy 3 năm ở Khoa Mỹ thuật Công nghiệp tại Đại học Kiến Trúc TP.HCM và 2 năm tại Khoa Ngữ văn Báo chí thuộc Đại học Tổng Hợp TP.HCM. Những năm tháng dạy dỗ và nghiên cứu đó giúp cho cuộc đời linh mục của tôi có cơ hội hoà nhập thêm với giới trẻ trí thức để cảm nhận họ đang đói khát những giá trị tinh thần mà người mục tử chúng tôi có sứ mạng phải cung cấp cho mọi người.

Do tình trạng thiếu linh mục, nhất là nơi các giáo phận miền Bắc, đời linh mục của tôi từ năm 1992 đến 2008 còn tập trung cho việc âm thầm đào tạo các chủng sinh, tu sĩ về các môn triết học, thần học cho các giáo phận như Vinh, Phát Diệm và nhất là Bùi Chu. Từ năm 1996 trở đi, khi không còn làm công nhân của Liên Hiệp Khoa học Sản xuất In, gọi tắt là LIKSIN, tôi có nhiều giờ nghiên cứu và dạy học hơn. Ngoài những giờ dạy ở các đại học, tôi dành thời giờ giảng tĩnh tâm và đào tạo thường huấn cho nhiều dòng tu nam nữ. Chính khi giúp các anh chị em đó, tôi thấy cuộc đời linh mục của mình được nuôi dưỡng bằng những xác tín về Chúa Giêsu. Dần dần tôi nhận ra rằng cần phải tìm hiểu sâu xa và nghiên cứu kỹ lưỡng môn Kitô học, nhất là làm sao giải được những vấn nạn con người thời nay đặt ra về Người để có một niềm xác tín trọn vẹn vào Đức Giêsu Kitô cho chính đời linh mục của mình.

Để giúp tôi có thể làm chứng nhân cho Chúa Giêsu, Người đã ban cho tôi một số những cảm nghiệm về lời đầy quyền năng của Người trong việc chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tác động đến vạn vật, làm cho bánh cá hoá nhiều, nhất là loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khó, an ủi những tâm hồn đau khổ. Đồng thời Người cũng ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần để tôi có thể chịu đựng những gian nan, thử thách, nghi kỵ, ghen tức, bất công của người khác gây cho mình trong cuộc đời linh mục, để cho tôi thật sự cùng chịu đóng đinh với Người trên thập giá đời mình.

Từ tháng 10/1998 đến 2007, HĐGMVN chọn tôi làm thư ký cho Giáo tỉnh TP.HCM, đời linh mục của tôi lại bắt đầu một giai đoạn mới với nhiều hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau đòi hỏi tôi luôn phải cố gắng nhiều hơn, khiêm tốn hơn và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô hơn.

Tôi bắt đầu làm Bản tin Hiệp thông của HĐGMVN để thông báo, tin tức, hoạt động của Hội đồng cho mọi người, nhiều lần đi ra nước ngoài để công tác, soạn cuốn Niên giám Giáo hội Công giáo năm 2004 và 2005, dịch chung với cha Phêrô Đặng Xuân Thành (+) và xuất bản cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, lập trang web cho HĐGMVN và các uỷ ban của HĐGMVN, lo các việc bác ái xã hội như tổ chức các khoá cai nghiện ma tuý, giúp những người nhiễm HIV, các người nghèo khổ, bệnh tật…

Tôi mơ ước có nhiều bạn bè cùng bước theo Chúa Giêsu trên con đường sự thật và sự sống để loan báo Tin Mừng Nước Trời trong tinh thần nghèo khó của những người hành khất giống như Đức Giêsu Kitô. Tôi nhớ đến hình ảnh những đệ tử Cái Bang trong những truyện võ lâm Trung Quốc ngày ngày đi ăn xin nhưng thông thạo võ nghệ để hành hiệp giang hồ, diệt gian trừ bạo và cứu giúp những người nghèo khổ. Tôi ước mong có nhiều tín hữu VN biết sử dụng thành thạo lưỡi gươm Lời Chúa để “hàng ma phục linh”, với tinh thần đơn sơ nghèo khó như các anh chị em dòng Phanxicô, Đa Minh thời trước, dám trở thành những hành khất của Bang chủ Giêsu để đi ăn xin tình yêu và chia sẻ tình yêu thiên Chúa, nên đã viết tập Hành Khất Kitô năm 2005 như một trò chơi lớn để giới thiệu với mọi người.

Trong thời gian làm Thư ký Thường trực của HĐGMVN, năm 2002 tôi được HĐGMVN đề nghị làm Tổng Thư ký của Uỷ ban Bác ái Xã hội, rồi làm Giám đốc Caritas Việt Nam từ 2008-2010; Tổng Thư ký Uỷ ban Truyền thông Xã hội 2009-2010; Tổng Thư ký Uỷ ban Công lý và Hoà bình từ đầu năm 2011 đến tháng 3/2012. Trong nhiệm vụ khai sinh và thiết lập cơ chế cho các uỷ ban mới mẻ này, tôi càng cảm nhận được ơn Chúa nâng đỡ và giúp sức cho tôi hoàn thành sứ mạng linh mục của mình vì Đức Giêsu Kitô là tất cả nguồn lực của đời tôi. Tôi đã diễn tả niềm xác tín này trong cuốn Cẩm Nang Tân Phúc Âm Hoá để chia sẻ kinh nghiệm của đời mình.

Trong 40 năm sống đời linh mục, tôi đã tiếp xúc với nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp khác nhau trong cộng đồng xã hội giống như chàng thanh niên Lệnh Hồ Xung trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của nhà văn Kim Dung. Tôi đã gặp những bậc chức sắc cao cấp của các tôn giáo cũng như các tín đồ thấp kém nhất, những cấp lãnh đạo chính quyền Tư bản và Cộng sản cũng như người dân thường, những đại gia có bạc tỷ cũng như người không đồng xu dính túi, những bà bề trên tu sĩ đạo mạo cũng như các tu sĩ đơn thành cấp dưới, những cô thiếu nữ xinh đẹp ngỏ lời yêu thương mình cũng như những phụ nữ điên loạn vì tình yêu không được đáp đền khi chữa trị tâm lý cho họ. Tôi đã thăm nhiều nước, đến chơi nhiều miền, tham dự hàng chục hội nghị quốc tế, ăn bữa ăn lạnh lẽo nhất trong đời với nữ tổng thống Philippines cũng như chia cho nhau nửa khúc bành mì đầy tình thương nồng ấm với các bạn nghiện ma tuý, nhiễm HIV ở giữa rừng cây gần Sóc Bombo, tỉnh Bình Phước. Tôi đã cảm nhận được những điều tốt đẹp, trong sáng, cao quý, thánh thiện cũng như những thủ đoạn xấu xa, gian dối, hèn hạ, tội lỗi của con người để thấy “chính tà khó biết, thiện ác khó lường”. Tuy nhiên với tình yêu và Thần Khí của Đức Giêsu Kitô tôi vẫn an tâm bước vào chốn giang hồ với nụ cười và niềm vui của Phúc Âm để đón nhận, yêu thương mọi người thay vì cười nhạo họ.

Tôi đã từng bị phản đối vì những tư tưởng mới lạ và những nhận xét về sự thật làm mất lòng người, bị theo dõi vì những hoạt động không đẹp lòng các người quyền thế, bị quấy rầy vì những ghen tuông của các phụ nữ, bị bôi nhọ vì những tranh chấp, bị bầm dập vì những cú đánh lén sau lưng của bạn bè, bị tiêu diệt vì dám chống đối những bất công. Có những lúc tôi muốn buông xuôi tất cả. Nhưng gương sáng của những bậc tiền bối anh hùng, của Đức Thánh Cha (ĐTC) Gioan Phaolô II, của nhiều anh chị em linh mục, tu sĩ, giáo dân trong những vùng sâu, vùng xa, đang miệt mài làm việc, chịu đựng gian khổ, lại thúc đẩy tôi tiếp tục bước đi trên con đường sự thật và sự sống. Tôi cảm thấy an ủi và được khích lệ rất nhiều vì ĐTC Phanxicô, trong Tông huấn Niềm vui Phúc Âm – mới công bố ngày 24/11/2013 – nhắc nhở chúng tôi rằng: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cung cấp cho tất cả mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh: tôi muốn có một Giáo Hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Giáo Hội bị bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn của riêng mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục…” (số 49).

Nhiệm vụ người mục tử luôn thúc đẩy tôi – ngay từ khi chịu chức linh mục cho đến hôm nay – là lo cho những con chiên lạc đàn, những người yếu đuối, bệnh tật, nghèo khổ, bất hạnh. Vào tháng 8/2001, tôi gặp Bác sĩ Trương Thìn (+), Viện trưởng Viện Y học Dân tộc TP.HCM, và Chúa đã chữa cho ông khỏi bệnh như một dấu hiệu mời gọi tôi dấn thân cho các bệnh nhân đủ loại, nhất là người nghiện ngập và những người bất an về mặt tinh thần trong xã hội VN hiện nay.

Năm 2011, tôi tham gia vào Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi TP.HCM. Với cương vị là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Xã hội-Y tế, tôi cố gắng làm một chút gì đó cho 54.000 người khuyết tật và 13.000 trẻ mồ côi khuyết tật hiện nay của TP.HCM. Ước vọng của tôi là được gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu cùng với các anh chị em Kitô hữu khác như những chứng nhân sống động của Chúa Kitô Phục Sinh để có thể giúp đỡ, chữa lành cho 6,7 triệu người khuyết tật về thể lý và hơn 10 triệu người hiện đang khiếm khuyết về mặt tinh thần ở Việt Nam.

Nhìn lại dòng đời đã qua của mình, tôi hết lòng tạ ơn Chúa, Mẹ Thánh Maria, các thần thánh, các hồn người đã khất và chân thành cám ơn những người thân yêu, các thân nhân, ân nhân đã không ngừng cầu nguyện và nâng đỡ tôi trong suốt 40 năm linh mục. Xin Chúa trả công bội hậu cho từng người. Tôi đặc biệt cám ơn quý cha giáo sư, quý cha bạn và anh chị em tu sĩ đã dạy dỗ, đào tạo và cộng tác với tôi trong sứ mạng linh mục. Sau 40 năm linh mục với nhiều lầm lỗi, khuyết điểm, tôi lại càng cảm nhận được tình yêu thương của Chúa và mọi người đối với tôi. Tôi mong ước với ơn Chúa và sự giúp đỡ của mọi người, tôi sẽ sống từng giây phút còn lại của đời mình một cách ý thức và hiệu quả hơn cho xứng đáng với tình yêu thương ấy.

Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho tôi và kết hợp mật thiết với nguồn lực vô biên là Chúa Giêsu để trở thành hình ảnh sống động của Người Mục Tử nhân lành. Xin Người chúc lành cho tất cả chúng ta.

TP.HCM, ngày 11/2/2014