24/01/2025

Hãy đi đến cùng điều mình muốn

Cả một thời tuổi trẻ và mãi đến tận hôm nay, dù đã qua tuổi hưu lâu rồi nhưng bà vẫn miệt mài với nghiên cứu để tìm ra những sản phẩm sơn và chống thấm tối ưu nhất. Cả đời bà đều dành cho khoa học.

Hãy đi đến cùng điều mình muốn

Cả một thời tuổi trẻ và mãi đến tận hôm nay, dù đã qua tuổi hưu lâu rồi nhưng bà vẫn miệt mài với nghiên cứu để tìm ra những sản phẩm sơn và chống thấm tối ưu nhất. Cả đời bà đều dành cho khoa học.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoè trong phòng thí nghiệm với thiết bị thử độ bền và khả năng chịu lực của sơn - Ảnh: Q.L. 

Bà là PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, năm nay 68 tuổi. Bà là một trong những nhà khoa học nữ VN từng được nhận giải thưởng Kovalevskaia từ những năm 1990 nhờ những nghiên cứu khoa học xuất sắc.

Ôm con đi học

Cha mẹ bà vốn khá giả, mấy anh chị em của bà đều được ăn học đàng hoàng. Nhưng sau cải cách ruộng đất, cuộc sống trở nên vất vả hơn nhiều. 21 tuổi bà mới vào đại học với một nách ba con nhỏ, mỗi đứa cách nhau một tuổi. Cả lớp duy nhất cô sinh viên Nguyễn Thị Hòe ôm con đi học. Hình ảnh còn mãi trong ký ức của bà là đứa lớn nhất chạy chơi lon ton ngoài cửa lớp, đứa nhỏ hơn ngồi dưới gầm bàn và đứa út nằm ngủ ngon lành trên đùi khi mẹ lên giảng đường.

Rồi chiến tranh, trường phải di tản lên Lạng Sơn. Bốn mẹ con lại dắt díu nhau di tản để tiếp tục học hành trong khi bố được phân công công tác tại một tỉnh khác. Bạn bè thương tình đi chặt tre nứa dựng cho mấy mẹ con chiếc chòi lá để có chỗ chui ra chui vào và nuôi mấy con heo tăng gia sản xuất.

Vậy mà không chỉ hoàn thành việc học, bà còn ở lại chính ngôi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội giảng dạy sau khi tốt nghiệp năm 1971.

Cơ duyên với sơn nước

Bà nhớ mãi gian nhà được phân cho mấy mẹ con ở khi bà dạy tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhà cũ, thấm nước sàn trên. Mùa mưa không đủ thau hứng nước. Có đêm tấm bạt nilông phủ trên nóc mùng vì đọng nhiều nước mưa quá bị đứt dây, đổ xòa. Bốn mẹ con ướt sũng. “Phải tìm ra chất chống thấm” – bà nghĩ.

Sau giải phóng, chuyển vào ĐH Bách khoa TP.HCM công tác, bà tận dụng phòng thí nghiệm, xưởng của trường để nghiên cứu sơn. Những thùng sơn đầu tiên ra lò và được thị trường đón nhận, bán nhiều mà chẳng có lãi vì chỉ bán bằng giá thành vật tư.

Đi Mỹ nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 1992, bà mới phát hiện nước sơn bên ấy sáng bóng và đẹp hơn sản phẩm trong nước và của mình làm ra. Lúc ấy, người ta đã dùng sơn nước chứ không phải sơn dung môi như ở VN. Những sản phẩm mang theo, bà tranh thủ làm phân tích chất lượng trong phòng thí nghiệm tại Mỹ và cho những thông số rất tốt, đảm bảo độ bền, có khả năng chống nắng, độ co giãn tốt.

Trở về bà nghĩ đến cơ hội hợp tác nên tìm cách sang Mỹ lần thứ hai. Chỉ vỏn vẹn 500 đôla từ tiền bán chiếc xe Cub làm lộ phí, bà đi tìm đối tác trong lĩnh vực chống thấm. Hành lý 40kg phân nửa là mì gói. Không tiền, bà tiết kiệm chi phí tới mức ở đêm tại sân bay để bớt tiền khách sạn. Chuyến đi dài đến hai tháng trời.

Không có chuyến đi… liều mạng ấy có lẽ bà đã không có Tập đoàn Kova chuyên về sơn và chống thấm hôm nay. Bà chọn Singapore để xây dựng thương hiệu vì “Singapore là thị trường có yêu cầu cao, nếu vượt qua các tiêu chuẩn ở đây, sản phẩm sẽ tìm được chỗ đứng vững chắc”. Từ ngôi nhà Singapore, hôm nay sản phẩm của Kova đã có mặt ở sáu quốc gia.

Con người của khoa học

“Bao năm nay tôi làm việc 14 tiếng mỗi ngày mà vẫn thấy chưa đủ” – bà nói. Hầu như chỗ nào có trụ sở của tập đoàn là chỗ ấy sẽ có phòng thí nghiệm sơn và chống thấm. Những phòng ấy giờ đây còn có những mẫu sơn chống cháy trên sắt, trên vải, trên gỗ, trên bêtông. Tất cả đang trong quá trình thử nghiệm. “Dù đã đưa ra thị trường nhiều mẫu sơn chống cháy nhưng tôi vẫn muốn tìm ra loại có thể chịu được độ nóng cao hơn nữa” – bà nói.

Bà có thể ở phòng thí nghiệm suốt ngày, thậm chí nhiều đêm ngủ lại. Những tháng ngày chỉ biết đến phòng thí nghiệm ấy đã giúp bà tìm được cách chiết xuất từ vỏ trấu ra những hạt nano. Ấy là kết quả của gần chục năm bà tìm tòi trên rất nhiều chất liệu khác nhau và cuối cùng tìm thấy vỏ trấu, vốn nhiều vô kể tại nước ta. Sự khám phá ấy của bà đã giúp vỏ trấu chỉ được dùng làm chất đốt hoặc phân bón trước đây đã tăng giá trị lên nhiều lần. Chính những hạt nano này giúp bà sáng chế sơn nano đạt tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với các loại thường hiện có.

Đi từ con số 0 để có được như ngày hôm nay, bà bảo chính là chưa bao giờ bà biết bằng lòng với hiện tại mà lúc nào trong đầu bà cũng là câu hỏi “Tương lai là gì?”. “Tôi nghĩ rằng hiện tại chỉ là đà để đi tới. Mỗi bạn trẻ có đam mê thôi chưa đủ mà phải biết đi đến cùng điều mình muốn làm và hãy chấp nhận gian khổ chứ đừng vội nghĩ đến hưởng thụ. Dĩ nhiên phải có trí tuệ để biết xã hội đang cần gì chứ mãi đâm đầu vào mà không biết mình đang nghiên cứu gì thì rất lãng phí” – PGS.TS Nguyễn Thị Hòe khuyên các bạn trẻ.

QUỐC LINH