Giới luật mới của Đức Kitô

Trong phụng vụ Chúa Nhật hôm nay, chúng ta tiếp tục đọc «Bài giảng trên núi» của Đức Giêsu bao gồm các chương 5, 6 và 7 của Tin Mừng theo Thánh Matthêu. Sau các «Mối phúc», là chương trình sống của Đức Giêsu, Người công bố giới luật mới của Người

 Giới luật mới của Đức Kitô

Kinh Truyền Tin

Quảng trườngThánh Phêrô
Chúa Nhật VI TN, 13/2/2011

Anh chị em thân mến!

Trong phụng vụ Chúa Nhật hôm nay, chúng ta tiếp tục đọc «Bài giảng trên núi» của Đức Giêsu bao gồm các chương 5, 6 và 7 của Tin Mừng theo Thánh Matthêu. Sau các «Mối phúc», là chương trình sống của Đức Giêsu, Người công bố giới luật mới của Người, công bố Torah của Người như những người anh em Do Thái của Người vẫn thường gọi như thế. Quả thật, khi Đấng Thiên Sai đến, Người cũng sẽ mạc khải một cách dứt khoát lề luật, và đó cũng chính là điều Đức Giêsu đã tuyên bố: «Anh em chớ tưởng rằng tôi đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: tôi không đến huỷ bỏ nhưng để làm cho trọn». Và khi ngỏ lời với các môn sinh của mình, Người còn nói thêm: «Nếu anh em không công chính hơn những ký lục và biệt phái, thì anh sẽ không vào được Nước Trời đâu» (Mt 5,17.20). Nhưng đâu là sự «viên mãn» của lề luật Đức Kitô, và sự công chính «lớn hơn» này, sự công chính mà Người đòi hỏi chúng ta hệ tại điểm nào?

Đức Giêsu cắt nghĩa sự viên mãn của lề luật qua một loạt những phản đề giữa những luật cũ và cách thức mới mẻ Người dùng để đào sâu lề luật. Mỗi lần như thế Người đều bắt đầu bằng câu: «Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng…», và sau đó, Người khẳng định: «Còn tôi, tôi nói với anh em rằng…». Chẳng hạn: «Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: Ngươi chớ giết người; ai giết người sẽ bị đưa ra toà. Còn tôi, tôi nói với anh em: Ai nổi giận với anh em mình, thì người ấy đã phải trả lẽ trước toà» (Mt 5,21-22). Và Người nói như thế có đến sáu lần. Cách nói này gây một ấn tượng mạnh trên đám đông, họ cảm thấy sợ hãi vì câu nói «Còn tôi, tôi nói với anh em», câu nói này tương đương với việc đòi lại quyền hành hiện nay của Thiên Chúa là nguồn mạch của Lề luật. Nét mới mẻ của Đức Giêsu chủ yếu nằm trong sự kiện Người «chu toàn» các giới răn vì tình yêu Thiên Chúa, nhờ sức mạnh của Thánh Thần đang cư ngụ trong Người. Và nhờ tin vào Đức Kitô, chúng ta có thể mở rộng lòng đón nhận hành động của Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta có khả năng sống tình yêu Thiên Chúa. Chính vì thế, mỗi giới răn có giá trị thật sự, khi ta xem nó như một nhu cầu tình yêu, và tất cả mọi giới răn đều quy về một giới răn duy nhất: ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng và hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi. «Như thế, bác ái là lề luật trọn hảo», Thánh Phaolô đã viết như thế (Rm 13,10). Đứng trước sự đòi hỏi này, như trong trường hợp đáng buồn của 4 trẻ em Roma bị thiệt mạng trong tuần vừa qua, ở ngoại vi thành phố Rôma, khi lán trại của các em bị thiêu rụi, bắt buộc chúng ta phải tự hỏi liệu một xã hội mang tính liên đới và huynh đệ hơn, gắn kết với nhau hơn trong tình yêu, nghĩa là mang tính Kitô giáo hơn, thì đã có thể tránh được một biến cố bi thảm như thế. Và câu hỏi này vẫn có giá trị cho mọi trường hợp đau buồn khác, được mọi người biết đến nhiều hay ít, đang xảy ra hàng ngày như cơm bữa trong các phố chợ và trong mọi quốc gia của chúng ta.

Các bạn thân mến, có lẽ đây chẳng phải là việc tình cờ mà bài giảng vĩ đại đầu tiên của Đức Giêsu được gọi là «Bài giảng trên núi»! Môsê lên núi Sinai để lãnh nhận lề luật của Thiên Chúa và mang về cho dân Chúa chọn. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã từ Trời xuống để đưa chúng ta về Trời, về điểm cao xa của Thiên Chúa, trên con đường tình yêu. Và còn hơn thế nữa, Người chính là con đường này: chúng ta chẳng cần làm điều gì khác ngoài việc đi theo Người, để thi hành Thánh ý Thiên Chúa và đi vào trong Vương quốc của Người, trong sự sống đời đời. Một tạo vật duy nhất đã lên đến đỉnh cao của ngọn núi, đó là Đức Trinh Nữ Maria. Nhờ kết hợp với Đức Giêsu, sự công chính của Mẹ đã nên trọn hảo: chính vì thế, chúng ta kêu cầu Mẹ là Speculum iustitiae [Gương công chính]. Chúng ta hãy dâng mình cho Mẹ, xin Mẹ giúp chúng ta trung thành đi theo lề luật của Đức Kitô.