12/01/2025

Đi xe đạp ở trung tâm thành phố

Tổ chức đi xe đạp công cộng tại các thành phố lớn là một chủ trương đúng. Tuy nhiên để triển khai trên thực tế còn nhiều việc phải làm.

 

Đi xe đạp ở trung tâm thành phố

Tổ chức đi xe đạp công cộng tại các thành phố lớn là một chủ trương đúng (xem bài trên Thanh Niên ngày 5.2). Tuy nhiên để triển khai trên thực tế còn nhiều việc phải làm.

Xe đạp công cộng để sẵn tại trung tâm TP.Melbourne (Úc) - Ảnh: Thanh Tùng
Xe đạp công cộng để sẵn tại trung tâm TP.Melbourne (Úc) – Ảnh: Thanh Tùng

Bị chèn ép, khó tìm chỗ gửi

Năm 2007, vì thấy công việc hằng ngày ít vận động cơ thể, nên anh H. (làm việc tại Q.1, TP.HCM) mua một chiếc xe đạp để ở cơ quan đi lại. Hằng ngày, anh đến cơ quan bằng xe máy, rồi di chuyển bằng xe đạp đến những đơn vị khác ở các quận lân cận để giao dịch, làm việc. “Ở trung tâm TP đi lại bằng xe đạp rất tiện, không chậm hơn xe gắn máy là bao. Nhiều lúc buổi chiều tan tầm, các ngã tư kẹt xe đông đúc có thể “bê” chiếc xe đạp lách qua đám đông, rồi đi tiếp. Công việc của mình gần như ít vận động, nên đạp xe giúp cơ thể hoạt động”, H. nói.

Tuy nhiên, theo anh H., có nhiều yếu tố khiến việc đi lại bằng xe đạp ở các TP lớn trong nước rất khó khăn. Nhiều người đi xe đạp được một thời gian thì “rơi rụng” không tiếp tục đi nữa. Bởi, ở khu vực trung tâm TP.HCM, tìm nơi gửi xe đạp rất khó khăn. “Nhiều điểm giữ xe, khi thấy mình trờ xe đạp tới, họ phất tay bảo đi chỗ khác do không muốn giữ xe đạp, ít tiền. Rất nhiều bãi giữ xe không hề in phiếu giữ xe đạp. Chưa nói, các con đường ở TP không hề có phần đường dành cho người đi xe đạp như ở các nước. Người đi xe đạp thường bị xe ô tô, xe máy lấn át, chèn ép rất nguy hiểm”, anh H. nói.

Một số yếu tố khác như môi trường ô nhiễm, bụi bặm, nóng bức cũng khiến nhiều người ngại đi làm bằng xe đạp. “Đó là chưa nói nhiều người coi trọng bề ngoài, xem thường người đi xe đạp, cứ nghĩ người đi xe đạp không có điều kiện, nên khi vào các hàng quán, cửa hiệu, người đi xe đạp thường bị ngó lơ, không được chào mời, tiếp đón!” – anh H. chia sẻ thêm những “kinh nghiệm” sau nhiều năm thử đi xe đạp.

Phát triển xe đạp công cộng

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu 5 TP lớn Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ phải xây dựng, phê duyệt và triển khai đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm TP. Xem đây như một trong những giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân tại các TP này.

Trong những chuyến công tác ở nước ngoài, chúng tôi ghi nhận tại những TP lớn của các nước, việc đi lại bằng xe đạp rất phổ biến nhằm giảm tình trạng ô nhiễm khói xe, tiếng ồn và ùn tắc giao thông. Người đi xe đạp tại các nước được tạo điều kiện thuận lợi. Chẳng hạn, trên các vỉa hè ở trung tâm TP người ta có gắn sẵn những thanh inox để người đi xe đạp tự móc khóa vào đó, khóa xe lại khi cần vào các điểm mua sắm, tham quan; vừa nhanh, tiện, lại khỏi tốn tiền gửi. Thậm chí ở nhiều TP, vào buổi tối rất nhiều xe đạp được khóa để trên các vỉa hè công cộng mà không cần mang vào nhà nhưng không sợ mất; các trục đường trung tâm TP, có phần dành riêng cho người đi xe đạp được sơn vẽ rất rõ ràng; có trung tâm TP còn để sẵn rất nhiều xe đạp công cộng trên vỉa hè, ai cần sử dụng thì bỏ tiền xu vào máy tự động (hoặc đăng ký sử dụng năm) để lấy xe đi, xong để lại khu vực công cộng nơi đến.

Tại khu trung tâm TP.Melbourne (Úc), người ta dễ dàng nhận ra từng hàng xe đạp công cộng với màu xanh nổi bật, rất đẹp, được để thẳng tắp, gọn gàng. Ai có nhu cầu, cứ cho đồng xu vào để lấy xe vi vu đây đó trong trung tâm TP. Phần lớn các con đường ở Úc, không chỉ ở trung tâm mà ngay cả ở ngoại ô cũng đều có phần đường dành riêng cho người đi xe đạp (có bảng hiệu và vạch sơn rõ ràng). Ở các điểm công cộng đều được bố trí nơi để xe đạp cho người dùng. Tương tự, ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh, TP.Thiên Tân, Thẩm Quyến (Trung Quốc) cũng vậy, những vòng cung bằng sắt, hay inox gọn gàng được chôn dưới lề đường để người đi xe đạp tự khóa xe; và luôn có phần đường dành cho người đi xe đạp. Do vậy, lượng người sử dụng xe đạp (chưa tính xe đạp điện) ở trung tâm Bắc Kinh, Thiên Tân, Quảng Châu (Trung Quốc) rất đông, từ học sinh, những người đi làm, đến các anh trật tự đô thị… Tại trung tâm Seoul (Hàn Quốc) cũng thiết kế những thanh khóa xe đạp tương tự…

 

Mô hình xe đạp công cộng ở Thái Lan

Khuyến khích người dân đi xe đạp là một trong những giải pháp được chính quyền Bangkok, Thái Lan đặc biệt quan tâm. Hằng năm Bangkok tổ chức chương trình ngày đi xe đạp nhằm khuyến khích sử dụng xe đạp cá nhân trong dân chúng.

Tại khu vực trung tâm Bangkok, nhiều trạm xe đạp công cộng được dựng lên để phục vụ hành khách không có phương tiện giao thông cá nhân. Tại những trạm này, người dân có thể sử dụng xe đạp để di chuyển khắp thành phố. Sau khi xong việc, họ đem đến trả ở bất kỳ trạm nào. Hành khách có thể tự lấy và trả xe mà không cần nhân viên phục vụ nhờ hệ thống tự động tại các trạm.

Để sử dụng dịch vụ công này, người dân chỉ cần đăng ký với cơ quan quản lý dịch vụ có bố trí nhân viên ở các trạm xe đạp công cộng và đóng một khoản phí khá thấp (300 baht tương đương 210.000 đồng) cho một năm. Chính quyền cũng phân lộ giới ưu tiên dành cho xe đạp trên đường.

Minh Quang 
(Văn phòng Bangkok)

 

Thanh Tùng