Nỗi buồn thâm niên
Khi tâm sự về phụ cấp thâm niên, các nhà giáo đã không giấu được sự bùi ngùi và chua xót. Cả đời tận tụy với học sinh, cả đời tâm huyết với sự nghiệp trồng người mặc cho đồng lương quá thấp.
Nỗi buồn thâm niên
Rồi khi nghe Nhà nước thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên, họ đã khấp khởi mừng.
Xã hội hiểu rằng khoản phụ cấp này là một cách “chữa cháy” cho chế độ lương của cán bộ, giáo viên làm việc trong ngành giáo dục vốn đã quá lỗi thời và lạc hậu.
Thế nhưng họ đã một phen mừng hụt. Bởi nghị định số 54/2011 của Chính phủ (về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo) ghi: “Chế độ phụ cấp thâm niên quy định tại nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 1-5-2011”. Bởi vậy mới có chuyện cô giáo Đinh Thị Hoa ở Tiền Giang với thâm niên giảng dạy 36 năm nhưng chỉ được nhận phụ cấp thâm niên 1,2 triệu đồng (tháng 5-2011 cô bắt đầu được nhận phụ cấp thâm niên thì ngày 1-6-2011 cô nhận quyết định nghỉ hưu. Tính ra cô được nhận phụ cấp thâm niên tháng đầu tiên mà cũng là tháng cuối cùng trong cuộc đời dạy học).
Từ câu chuyện trên, dư luận đặt câu hỏi: còn bao nhiêu nhà giáo trên đất nước này phải chịu thiệt thòi như cô Hoa? Có bao nhiêu nhà giáo đã về hưu trước tháng 5-2011 đang sống trong gian khó nhưng không được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên? Thế là có quyết định 52/2013 (của Thủ tướng về chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu). Với quyết định đó, nhà giáo đã về hưu trước tháng 5-2011 cũng sẽ được nhận khoản tiền này.
Nhà giáo lại chờ đợi trong hi vọng. Nhưng niềm hi vọng của một bộ phận trong họ vụt tắt khi cơ quan bảo hiểm trả lời rằng: chỉ có giáo viên – những người trực tiếp đứng lớp mới được nhận (có nghĩa là cán bộ quản lý về hưu trước tháng 5-2011 không được nhận trợ cấp). Thế thì hàng loạt nhà giáo làm công việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chuyên viên, lãnh đạo sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT…không phải là người làm công tác giáo dục hay sao? Trong khi nghị định 54 có ghi: “…chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập” cơ mà. Hình như cơ quan bảo hiểm xã hội đang “thử thách” sự kiên nhẫn của nhà giáo? Mà đâu phải nhà giáo nào cũng được lên phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT hay ban giám hiệu nhà trường. Chỉ có những giáo viên giỏi, vững tay nghề, phải đi học các lớp bổ sung kiến thức… mới được đề bạt làm cán bộ quản lý. Chưa hết, nhiều giáo viên trường bán công ở TP.HCM cũng bị từ chối vì hai chữ “bán công” (trong khi đặc thù trường bán công ở TP.HCM chính là trường công lập, chỉ thay đổi cách quản lý và sử dụng về tài chính).
Bàn về phụ cấp thâm niên, nhiều lãnh đạo phòng GD-ĐT ở TP.HCM than thở rằng: tìm chuyên viên cho phòng bây giờ khó khăn quá. Đang từ giáo viên, khi về phòng GD-ĐT thu nhập của họ giảm xuống (do bị cắt các khoản phụ cấp, trợ cấp) nên không ai chịu về phòng. Thế nên hiện tại một số lãnh đạo phòng GD-ĐT quận 3, quận 6… phải kiêm luôn nhiều nhiệm vụ của chuyên viên vì không tìm được người.
Phụ cấp thâm niên dành cho nhà giáo phải được xem là khoản phụ cấp thâm niên nghề nghiệp như đúng nghĩa của nó. Tất cả những người đã và đang cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người phải được hưởng phụ cấp thâm niên nghề nghiệp như nhau. Đó là điều không phải chỉ những nhà giáo mà cả xã hội đang mong chờ.
HOÀNG HƯƠNG