Bốn cột trụ để kết hợp thân tình với Chúa và hợp nhất với mọi người

Để có thể trở nên một dấu chỉ và một khí cụ kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người trên thế giới, là Kitô hữu, chúng ta phải xây dựng đời mình trên bốn «cột trụ»: đời sống đặt nền tảng trên đức tin của các Tông đồ, hiệp thông huynh đệ, Bí tích Thánh Thể và kinh nguyện.

 Bốn cột trụ để kết hợp thân tình với Chúa và hợp nhất với mọi người

Kinh Truyền Tin

Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật III TN, 23/1/2011

 Anh chị em thân mến!

Trong những ngày này, từ 18-25/1, đã diễn ra tuần lễ cầu cho các Kitô hữu được hợp nhất. Năm nay, chủ đề của tuần lễ này là một đoạn trong sách Công vụ Tông đồ tóm tắt trong một vài từ đời sống của cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi tại Giêrusalem: «Chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông huynh đệ, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng» (Cv 2,42). Thật hết sức ý nghĩa khi các Giáo Hội và các cộng đoàn Kitô giáo tại Giêrusalem nhóm họp trong tinh thần đại kết đã đưa ra chủ đề này. Chúng ta biết rằng anh chị em tại Thánh địa và Trung Đông đang phải đương đầu với biết bao thử thách. Như thế, việc họ phục vụ ngày càng trở nên quý giá hơn và được củng cố bởi một đời sống chứng tá mà trong một số trường hợp đã phải hy sinh cả mạng sống mình. Chính vì thế, trong khi chúng ta vui vẻ đón nhận những ý tưởng do các cộng đoàn đang sinh sống tại Giêrusalem đưa ra để suy tư, chúng ta quy tụ quanh họ và điều này trở nên một nhân tố hiệp thông sâu xa hơn nữa cho tất cả mọi người.

Ngày nay cũng thế, để có thể trở nên một dấu chỉ và một khí cụ kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người trên thế giới, là Kitô hữu, chúng ta phải xây dựng đời mình trên bốn «cột trụ»: một đời sống đặt nền tảng trên đức tin của các Tông đồ được chuyển trao qua truyền thống sống động của Giáo Hội, hiệp thông huynh đệ, Bí tích Thánh Thể và kinh nguyện. Chỉ bằng con đường này, khi kết hợp khăng khít với Đức Kitô, Giáo Hội mới có thể chu toàn sứ mệnh của mình một cách hữu hiệu, cho dù có những giới hạn và khiếm khuyết của các thành viên, cho dù có những chia rẽ mà Tông đồ Phaolô cũng đã phải đương đầu tại cộng đoàn Corintô, như ngài nhắc lại trong Bài đọc thứ hai Chúa Nhật hôm nay, thánh nhân nói: «Nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyến khích tất cả anh em hãy tâm đầu ý hợp; đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, trong tư tưởng và tình cảm» (1Cr 1,10). Thật thế, vị Tông đồ đã biết rằng những bất hoà và chia rẽ đã phát sinh trong cộng đoàn Kitô giáo tại Corintô; chính vì thế, ngài cương quyết nói thêm: «Như vậy, Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi sao?» (1Cr 1,13). Khi nói như thế, thánh Phaolô khẳng định mọi chia rẽ trong lòng Giáo Hội là một sự xúc phạm đến Đức Kitô; và đồng thời, chỉ có trong Người là vị Thủ lãnh độc nhất và là Chúa chúng ta, chúng ta mới có thể tái hợp nhất nhờ sức mạnh vô biên của ân sủng Chúa.

Do đó, lời kêu gọi trong bài Phúc Âm hôm nay luôn mang tính hiện đại: “Hãy thống hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17). Cam kết quay về với Đức Kitô một cách nghiêm chỉnh là con đường đưa Giáo Hội đến sự hợp nhất trọn vẹn và hữu hình, vào ngày giờ do Chúa quyết định. Những cuộc gặp gỡ đại kết trong những ngày vừa qua được nhân rộng khắp nơi trên toàn thế giới là một dấu chỉ nói lên sự hợp nhất này. Ở đây, tại Rôma này, không những có sự hiện diện của nhiều phái đoàn đại kết, mà ngày mai cũng sẽ bắt đầu khoá họp của Ban đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và những Giáo hội cổ Đông Phương. Và ngày hôm sau nữa, chúng ta sẽ kết thúc Tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất bằng cuộc cử hành long trọng giờ Kinh Chiều nhằm ngày lễ kính thánh Phaolô trở lại. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội, luôn đồng hành với chúng ta trên con đường này.