15/01/2025

Con số chỉ là bề nổi

Bất chấp những yếu tố gây bất ổn nhất trong nền kinh tế như lạm phát, lãi suất, tỷ giá… đã được giải quyết, số lượng doanh nghiệp chết vẫn tăng đều trong những năm qua. Nếu năm 2011 có 53.000 doanh nghiệp phá sản thì năm 2012 là 54.000 và kết thúc năm 2013, con số này đã tăng lên gần 61.000 doanh nghiệp.

 

Con số chỉ là bề nổi

Bất chấp những yếu tố gây bất ổn nhất trong nền kinh tế như lạm phát, lãi suất, tỷ giá… đã được giải quyết, số lượng doanh nghiệp chết vẫn tăng đều trong những năm qua. Nếu năm 2011 có 53.000 doanh nghiệp phá sản thì năm 2012 là 54.000 và kết thúc năm 2013, con số này đã tăng lên gần 61.000 doanh nghiệp.

Nhưng những con số này vẫn chưa phản ánh hết thực trạng đáng lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp (DN) hiện nay.

Đằng sau 61.000 DN phá sản, còn hàng loạt công ty vẫn đang ngập trong khó khăn. Nếu ban đầu chỉ là các công ty nhỏ, yếu “không vượt qua được cuộc thanh lọc” mà nhiều vị lãnh đạo cho rằng “cần thiết” của thị trường thì nay, cả các DN lớn, những thương hiệu hàng đầu ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cũng lâm nguy. Nếu ban đầu chỉ là những DN đầu tư tay trái, lao vào chứng khoán – bất động sản và bị “dính chùm” khi thị trường tài chính lao dốc, thì đến giờ khó khăn đã kéo cả những công ty thuần túy sản xuất vào vòng kiệt quệ. Nếu nông nghiệp được coi là cứu tinh cho nền kinh tế khi khủng hoảng xảy ra, thì giờ đây những mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhất đều đối mặt thách thức lớn cả ở thị trường nội địa lẫn quốc tế… Hầu hết các doanh nhân đều thừa nhận rằng, họ chưa bao giờ khó khăn như hiện nay.

Nếu chỉ nhìn vào các con số, mọi cái vẫn khá ổn. Xuất khẩu vẫn tăng gần 16% so với năm trước đó với kim ngạch 132,2 tỉ USD. Thậm chí, nền kinh tế đã có năm thứ 2 xuất siêu liên tiếp. Chỉ có điều, trong các thành tích này không có bóng dáng của DN trong nước. Tại thị trường nội địa, hàng loạt dự án tốt đã phải sang tay cho các ông chủ nước ngoài với giá rẻ; không ít xí nghiệp, nhà xưởng của ta xây xong nhưng vì kẹt tiền, thiếu vốn cũng đành “ngậm ngùi” nhượng lại để lấy tiền xoay xở. Nhiều doanh nhân lão luyện phải cay đắng thú nhận, thành tích của họ giờ đây là tìm được đối tác để “bán mình”, sang lại cổ phần, sang lại công ty. Vậy đấy.

Lãi suất đã hạ, tỷ giá ổn định, lạm phát ở ngưỡng an toàn… nếu chỉ nhìn vào các con số, mọi cái rõ ràng đều đang tốt lên. Nhưng DN nội vẫn đang quay cuồng trong bế tắc đầu ra và bất lực trước đầu vào tăng giá.

Khó khăn của khối nội mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại. Vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài đã tăng mạnh trong năm qua. Hàng hóa xuất xứ ngoại từ cao cấp, trung cấp đến thấp cấp cũng tràn ngập thị trường thay thế cho những hàng hóa cùng chủng loại trong nước bị mất đi cùng với số lượng DN phá sản, ngưng sản xuất. Vì vậy, chắc chắn chúng ta sẽ không thiếu nước rửa chén, dầu gội đầu… ngay cả khi không còn DN nội nào sản xuất mặt hàng này. Chúng ta có thể cũng sẽ tiếp tục giữ vững thành tích xuất khẩu ngay cả khi không còn DN nội nào đủ sức trực tiếp bán hàng cho các nước…

Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào thực trạng phía sau các con số để có giải pháp phù hợp hỗ trợ các DN nội địa, nếu không, cả nền kinh tế sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động của các DN ngoại.

Nguyên Khanh