16/01/2025

Mỹ theo sát tàu sân bay Trung Quốc

Mỹ đã huy động lực lượng hùng hậu theo dõi sát sao tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong chuyến tập trận ở biển Đông.

 

Mỹ theo sát tàu sân bay Trung Quốc

Mỹ đã huy động lực lượng hùng hậu theo dõi sát sao tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong chuyến tập trận ở biển Đông.

 

Mỹ theo sát tàu sân bay Trung Quốc
Ảnh tàu sân bay Liêu Ninh và nhóm tàu hộ tống trên biển Đông do Trung Quốc công bố ngày 1.1 – Ảnh: chinamil.com.cn


Tàu sân bay Liêu Ninh, được hộ tống bởi 4 tàu chiến và 1 tàu hậu cần, đã trở về căn cứ trên đảo Hải Nam ngày 1.1, sau 37 ngày vận hành thử nghiệm trên biển Đông. Tân Hoa xã mô tả đây là chuyến huấn luyện thành công, đạt được mục tiêu thử nghiệm hệ thống chiến đấu và luyện tập đội hình tác chiến.  

 

Giám sát đặc biệt

Theo tiết lộ của trang quân sự Strategy Page, Mỹ đã huy động một lực lượng đồ sộ gồm các chiến đấu cơ, vệ tinh và các tàu ngầm để theo dõi nhất cử nhất động của tàu Liêu Ninh trong chuyến thử nghiệm vừa qua. Trang tin tức này nhận xét đợt thử nghiệm của tàu Liêu Ninh thu hút sự quan tâm đặc biệt của hải quân Mỹ bởi đây là lần đầu tiên tàu sân bay Trung Quốc vận hành như một lực lượng tác chiến ngoài biển khơi. Theo đó, những thông tin liên quan đến tàu Liêu Ninh cũng như cách thức vận hành máy bay và tương tác với các tàu hộ tống hết sức đáng giá đối với hải quân Mỹ. “Trong thời gian thử nghiệm có một số ngày thời tiết xấu và cách tàu Trung Quốc vận hành trong điều kiện không thuận lợi sẽ hé lộ hiệu quả của nhóm tác chiến tàu Liêu Ninh trong chiến đấu”, Strategy Page viết.

Ngoài ra, hải quân Mỹ cũng huy động cả tàu nổi để theo dõi “nhất cử nhất động” của nhóm tác chiến tàu Liêu Ninh. Từ đó, dẫn đến sự cố đáng chú ý ngày 5.12.2013 khi một tàu hộ tống của tàu Liêu Ninh suýt va chạm với tuần dương mang tên lửa USS Cowpens của Mỹ trong hải phận quốc tế trên biển Đông. Theo tuần san quốc phòng Jane’s Defense Weekly, tàu USS Cowpens được Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ giao nhiệm vụ theo dõi các hoạt động trên mặt biển của tàu Liêu Ninh. Dù một số thông tin có thể được thu thập thông qua những bộ cảm biến từ xa, nhưng khoảng cách theo dõi tối ưu là trong phạm vi nhìn thấy bằng mắt thường. Lúc suýt xảy ra va chạm với tàu hộ tống Trung Quốc, tàu USS Cowpens đang “ngắm” Liêu Ninh từ khoảng cách 40 km.

Trang tin quân sự Strategy Page cho biết Mỹ từng gặp phải kiểu khiêu khích này vào thời chiến tranh lạnh và trong hơn một thập niên qua, Trung Quốc không ít lần cản trở máy bay và tàu chiến thu thập thông tin tình báo của Mỹ. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc không khiến Mỹ phải lùi bước.  

Bắt chước Mỹ

Theo Strategy Page, tàu Liêu Ninh được hộ tống bằng những tàu chiến hiện đại nhất của Trung Quốc nhưng cách bố trí đội hình lại tương tự những gì Mỹ đã làm trong hơn 60 năm qua. Cụ thể, nhóm “tháp tùng” tàu Liêu Ninh bao gồm 2 tàu khu trục lớp Type 051C có trọng tải 7.100 tấn phù hợp với nhiệm vụ phòng không. Mỗi chiếc chở theo 48 tên lửa phòng không S-300 với tầm bắn 150 km, cùng 8 tên lửa đối hạm C-803 với tầm bắn 300 km, một khẩu pháo 100 mm, 2 pháo tự động chống tên lửa 30 mm, 6 ống phóng ngư lôi và 1 máy bay trực thăng. Tàu có thủy thủ đoàn 290 người và có thể đạt tốc độ tối đa 48 km/giờ. Hai tàu hộ tống lớp 054A là những tàu có trọng tải 4.300 tấn với tốc độ tối đa 49 km/giờ. Thủy thủ đoàn 165 người làm nhiệm vụ điều khiển 1 khẩu pháo 76 mm, 2 pháo tự động chống tên lửa 30 mm, 8 tên lửa đối hạm C-803, 6 ngư lôi chống ngầm, 12 rốc két chống ngầm 240 mm, 32 ổ phóng đứng chứa tên lửa phòng không và chống ngầm, cùng 1 máy bay trực thăng. Các tàu này đều sử dụng hệ thống radar, định vị thủy âm và thiết bị điện tử do Trung Quốc sản xuất.

Hiện nay, một nhóm tàu sân bay của Mỹ bao gồm 3-4 tàu khu trục lớn, 1-2 tàu hộ tống, 1 tàu ngầm hạt nhân (SSN) và 1 tàu hậu cần. Theo Strategy Page, các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc còn ít và chưa tốt nên chưa được thêm vào đội hình của Liêu Ninh lần này. Riêng về tàu hậu cần, Trung Quốc sử dụng tàu loại 903 mới được đóng năm 2004. Chiếc tàu trọng tải 23.000 tấn này khá giống tàu hậu cần T-AKE mà Mỹ đang sử dụng dù có kích cỡ nhỏ hơn (tàu T-AKE nặng tới 40.000 tấn).

Ngoài hoạt động theo dõi tàu Liêu Ninh của Trung Quốc, Mỹ lần đầu tiên thừa nhận đã điều USS Freedom, tàu tác chiến cận bờ (LCS) đầu tiên của hải quân nước này, làm nhiệm vụ tuần tra “ở những khu vực Mỹ có quyền lợi” trên biển Đông. Theo Jane’s Defence Weekly, tiết lộ trên được đưa ra 2 tuần sau khi tàu USS Freedom hoàn tất đợt triển khai đầu tiên đến tây Thái Bình Dương trong 10 tháng. Trong thời gian làm nhiệm vụ ở biển Đông, tàu USS Freedom đã tiến hành hoạt động theo dõi mặt biển cũng như trên không để thu thập thông tin tàu bè qua lại khu vực. Tàu USS Freedom vừa trở lại cảng nhà ở San Diego, thuộc bang California và được thay bằng tàu USS Forth Worth trong sứ mệnh đồn trú mới kéo dài 16 tháng ở Singapore.

Trùng Quang