Tham vọng cải tổ quân đội Trung Quốc
Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ thông tin về việc thành lập các bộ tư lệnh tác chiến liên quân giữa lúc có nhiều đồn đoán về kế hoạch này.
Tham vọng cải tổ quân đội Trung Quốc
Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ thông tin về việc thành lập các bộ tư lệnh tác chiến liên quân giữa lúc có nhiều đồn đoán về kế hoạch này.
|
Bắc Kinh hôm qua chính thức bác bỏ thông tin cho rằng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ thiết lập cấu trúc quân đội mới, với mục tiêu tập trung các lực lượng chiến đấu theo từng bộ tư lệnh nhằm cải thiện khả năng phối hợp giữa các binh chủng.
Thực giả lẫn lộn
Vào tuần trước, tờ China Daily đưa tin quá trình cải tổ hệ thống chỉ huy của PLA đang theo đúng trình tự và quân đội đã tiến hành các chương trình thử nghiệm như kế hoạch. Tuy nhiên, đến hôm qua, tờ Nhân Dân nhật báo và Hoàn Cầu thời báo đồng loạt dẫn nguồn tin chính thức từ Bộ Quốc phòng phủ nhận hoàn toàn thông tin do tờ China Daily đã đưa. Dưới cặp mắt tinh tường của giới quan sát, sự mâu thuẫn trong việc đưa tin của giới truyền thông chính thống về vấn đề tái cơ cấu PLA chẳng qua lại là chiêu tung hoả mù thường được Trung Quốc áp dụng trong lĩnh vực quân sự. Bất chấp tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời các chuyên gia nhận xét việc thành lập bộ tư lệnh tác chiến liên quân là bước đi đúng đắn và theo đúng lộ trình, chỉ có điều bàn đến kế hoạch chi tiết vào lúc này là hơi sớm.
Theo hãng Reuters, vào tháng 11 năm ngoái, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân từng khẳng định Bắc Kinh sẽ tiến hành thành lập hệ thống bộ tư lệnh tác chiến liên quân “đặc sắc Trung Quốc”. Theo giới quan sát, dù đẩy mạnh nâng cấp vũ khí, khí tài, việc phối hợp tác chiến giữa các hệ thống quân khu rời rạc là một thách thức lớn với quân đội Trung Quốc. Trong quá khứ, các tư lệnh quân khu có quyền hạn rộng rãi với các lực lượng dưới quyền trong khi các binh chủng vẫn tương đối độc lập với nhau. Do vậy, việc tập trung hóa quyền kiểm soát để sử dụng hiệu quả các hệ thống vũ khí mới là rất khó khăn.
Phá bỏ cơ chế quân khu
Tờ Yomiuri Shimbun hồi đầu tháng đã dẫn nguồn thạo tin cho biết Bắc Kinh đang có ý định sáp nhập 7 quân khu thành 5 vùng tác chiến theo hướng tăng cường phạm vi quản lý đối với các vấn đề an ninh trong nước lẫn quốc tế. Mỗi vùng sẽ bao gồm các lực lượng lục quân, hải quân và không quân, cũng như đơn vị tên lửa chiến lược, cùng phối hợp triển khai và quản lý khu vực được phân chia. Đây là nỗ lực nhằm tái cơ cấu PLA từ một quân đội chỉ chuyên về phòng thủ thành các lực lượng thỏa mãn tham vọng mang tầm vóc quốc tế.
Theo hãng tư vấn tình báo Stratfor, trọng tâm của kế hoạch cải tổ là thành lập 3 vùng bao phủ Hoàng Hải, Hoa Đông và biển Đông, đảm nhiệm các sứ mệnh chiến lược hiện nằm rải rác ở các quân khu Tế Nam, Nam Kinh và Quảng Châu. Trong khi đó các tỉnh thành nằm sâu trong nội địa sẽ thuộc quyền kiểm soát của 2 bộ tư lệnh được sáp nhập từ các quân khu Bắc Kinh, Thẩm Dương, Thành Đô và Lan Châu.
Đây là bước đi thuộc chiến lược củng cố khả năng tác chiến và tăng cường tính chuyên nghiệp của quân đội mà Trung Quốc theo đuổi hơn một thập niên qua. Báo cáo mới nhất cho thấy PLA cũng sẽ thu nhỏ lại quân số, đặc biệt đối với các lực lượng bộ binh, từ 2,3 triệu người giảm xuống còn khoảng 2 triệu, đồng thời thành lập 3 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2020.
Theo giới quan sát, những thay đổi trên phù hợp với kế hoạch cải tổ quân sự đã được công bố trong Hội nghị lần 3 của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 vào tháng 11 năm ngoái. Nó cũng đồng nhất với tuyên bố mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc hình thành Ủy ban An ninh quốc gia nhằm tập trung quyền lực để triển khai các chiến lược an ninh đối nội lẫn đối ngoại.
Trung Quốc cảnh báo năng lực hạt nhân Nhật Bản
Tờ PLA Daily của quân đội Trung Quốc vào tuần trước đưa tin Bắc Kinh đang lo ngại trước những đồn đoán về việc Nhật Bản có thể chế tạo 2.000 đầu đạn hạt nhân từ 6 lò xử lý rác thải hạt nhân. Bài báo nhận định Nhật có thể chiết xuất 9 tấn plutonium ở mức sản xuất vũ khí từ các nhà máy. Tờ PLA Daily cũng viết rằng Tokyo có thể đã bí mật sản xuất từ 2 đến 5 vũ khí hạt nhân với sức nổ tương đương 500.000 đến 1 triệu tấn thuốc nổ TNT. Tuy nhiên, trang Want China Times dẫn lời một chuyên gia bày tỏ nghi ngờ về những số liệu của tờ PLA Daily, nói rằng cần phải có thêm nhiều bằng chứng về việc này, đặc biệt khi Nhật bị giám sát chặt chẽ về vấn đề hạt nhân ở cả trong nước và quốc tế. Một nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc nói với tờ PLA Daily rằng Bắc Kinh cần phải thay đổi chiến lược ở Đông Á một khi Nhật được xác nhận sở hữu vũ khí hạt nhân. Bắc Kinh cũng lo ngại Mỹ có thể cho phép Nhật phát triển vũ khí hạt nhân nhằm mục đích kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc ở Đông Á. Sơn Duân
|
Thuỵ Miên