Sách là không gian tôi đối diện mình
Có một tác phẩm ám ảnh tôi đến bây giờ. Tôi đã đọc phải đến 10 lần, kể từ lần đầu năm 14 tuổi. Một bộ ba quyển, mỗi quyển dày xấp xỉ 5cm, mẹ tặng tôi dịp sinh nhật kèm câu nói: “Bớt xem lại. Hãy đọc đi!”.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Sách là không gian tôi đối diện mình
Ca sĩ Hà Anh Tuấn – Ảnh: T.T.D.
Thú thật, ở cái tuổi mới lớn toàn chơi với truyện tranh, tôi đã mong một món quà sinh nhật… mỏng và ít chữ hơn. Nhưng rồi cũng đọc, và dần ngấu nghiến. Tôi mê đến quên ăn ngủ, đọc một lèo tác phẩm kinh điển của tác giả Conan Doyle: Sherlock Holmes.
Tôi mê Sherlock Holmes
“Tôi ủng hộ việc giúp người trẻ nhìn nhận và sống thực tế, đứng dậy và đi. Phải đi để nhìn và thấy. Văn hóa đọc, theo tôi, nên khuyến khích người trẻ hai điều đó: sống thực tế, thoát khỏi vũng ao làng mà đi” |
Vượt khỏi tính giải trí, những câu chuyện trinh thám của Holmes gợi cho tôi sự tò mò cực điểm về văn hóa xứ Ăng-lê, đặc biệt là tính cách con người vùng đất ấy (mà sau này có dịp đến Anh, trực tiếp chứng kiến và tiếp xúc, tôi kiểm tra lại trí tưởng tượng của mình): lạnh lùng, kiêu căng, có chút ít khuynh hướng của cái ác – mẫu tính cách đặc trưng của giai cấp quý tộc Anh thể hiện rất rõ qua Holmes (dĩ nhiên, theo cảm nhận cá nhân của tôi). Đất nước lạnh lẽo phủ đặc sương mù đã sản sinh ra những con người cũng lạnh như nó, có tính cách ẩn sau lớp sương mù như nó. Rất khó đoán một người thật sự là ai.
Bằng ngòi bút thông minh, tác giả đã mở trước mắt tôi một xã hội hoàn toàn khác với cái thế giới màu hồng tôi biết trong truyện tranh, truyện cổ tích: một xã hội triền miên cuộc chiến giữa phe thiện và phe ác, và không phải lúc nào phe thiện cũng thắng.
Trong một con người, cụ thể như vị thám tử tôi hâm mộ – Holmes – cũng có những khía cạnh tôi nhìn nhận là ác. Tôi từng tưởng tượng: với trí thông minh của Holmes, nếu anh ta chọn đứng về phe ác thì thật nguy hiểm! May mắn sao, Homles chọn làm người lương thiện. Suy nghĩ ấy vỡ ra cho tôi một bài học: điều quan trọng không phải bạn bẩm sinh thế nào, mà bạn chọn là ai.
Sherlock Holmes ngày ấy đã nhấc người thiếu niên 14 tuổi sang một giai đoạn khác của đời người: bỏ qua những mơ mộng, bước chân vào cuộc sống thực tế. Holmes đã trang bị cho tôi những kỹ năng cần thiết để bắt đầu tuổi 15 – tuổi bước vào ngôi trường cấp III, manh mún có những suy nghĩ về cuộc sống, suy tính cho sự nghiệp.
Đến sau này, trong mỗi giai đoạn sống, đọc lại Sherlock Holmes, tôi đều phát hiện thêm cái gì đó mới. Quyển sách chúng ta đọc trong giai đoạn thiếu thời, tuổi 14-15, sẽ góp phần lớn định hình tính cách khi trưởng thành. Holmes đã thẩm thấu vào tôi bản lĩnh đương đầu với thử thách, sự tự tin, dấn thân, thắp trong tôi ngọn đuốc tôn thờ trí thông minh. Tôi tin rằng cuốn sách được đọc trong thời điểm chuyển giao giữa trẻ con và người lớn sẽ ảnh hưởng tâm trí và trở thành một phần tính cách, thậm chí nhân cách.
Đọc – không thể ép buộc
Người trẻ hôm nay đang được khuyến khích đọc nhiều. Nhưng đọc gì, cách khuyến đọc như thế nào mới quan trọng. Trước đây nghe đến chữ “đọc sách”, tôi thường đánh đồng với “đọc văn”. Dân ban A chúng tôi rất sợ việc đọc một tác phẩm văn học dài trong sách giáo khoa, học thuộc lòng các chi tiết để dẫn chứng vào bài kiểm tra! Chúng tôi quá ngán ngẩm việc đó. Đó là một áp lực quá nặng nề, không có gì vui hết! Hậu quả xảy ra khi một đứa trẻ bị bắt làm điều gì không thích là: một, nó khóc; hai, nó làm qua loa. Và nếu cho lựa chọn, không bao giờ nó chọn.
Thế nên đừng ép. Không bao giờ văn hóa được tạo ra bằng cách ép buộc. Văn hóa đọc cũng vậy. Phải làm sao người trẻ thấy họ có liên quan đến văn hóa đó, thích văn hóa đó, họ mới làm.
Tôi còn thấy việc đọc sách phụ thuộc rất nhiều vào không gian đọc. Ở nước ngoài, cụ thể ở Đức – nơi tôi trải qua những năm tháng sinh viên, giới trẻ thường đọc sách trong thư viện, công viên, khuôn viên trường học – những nơi rất yên tĩnh, đẹp. Trên bãi cỏ đầy nắng, nhâm nhi tách cà phê và đọc. Nhìn lại không gian sống hiện giờ của người trẻ VN: luôn thiếu một không gian đủ tĩnh để đọc sách.
Ngoài ra, khi môi trường sống thay đổi, người viết muốn tìm được người đọc cũng buộc phải thay đổi. Nếu các tác giả chỉ quanh quẩn những cảm xúc thường nhật sẽ không thu hút được người trẻ, vì họ rất cập nhật. Tôi để ý những đầu sách thuộc dạng best seller hiện nay thường đánh trúng mơ ước làm giàu hoặc dạy người trẻ những kỹ năng thực tế. Tôi ủng hộ việc giúp người trẻ nhìn nhận và sống thực tế, đứng dậy và đi. Phải đi để nhìn và thấy. Văn hóa đọc, theo tôi, nên khuyến khích người trẻ hai điều đó: sống thực tế, thoát khỏi vũng ao làng mà đi.
Nhiều người đọc sách để thể hiện, “chứng tỏ” với người xung quanh. Tôi không đồng ý. Đọc, trước hết cho mình cái đã! Sách và âm nhạc giống nhau ở chỗ: đó là không gian để đối diện chính mình. Khi tôi hát trước khán giả, thật ra, khán giả là đối tượng thứ hai. Bản thân tôi là đối tượng thứ nhất. Tôi phải hát hay cho chính tôi. Tôi phải thấy sung sướng khi hát bài hát, rồi khán giả mới thụ hưởng niềm vui đó.
Có một thời đọc sách là bàn cân phẩm giá. Ngày nay vẫn đúng. Nhưng phải là bàn cân của chính mình, sự đo lường không đến từ đánh giá của người ngoài. Trong trường hợp này, phẩm giá là khi bạn đọc sách và thấy hài lòng về mình.
HẢI THI