19/01/2025

Cái cân không có tội

Cái cân là công cụ đo lường trọng lượng. Hàng hoá nặng bao nhiêu thì cân xác định bấy nhiêu. Nhẽ ra chỉ đơn giản thế thôi nhưng sự gian manh tham lam của con người đã biến cân thành thứ công cụ đồng loã cho hành vi lừa đảo.

 

Cái cân không có tội

Hàng loạt vụ cân gian bán lận, sửa cân để móc túi khách hàng, đổ nước vào bình gas cho đủ trọng lượng nhằm đánh lừa người tiêu dùng… vừa được Thanh Niên phanh phui đã nói lên một thực trạng rất đáng lo ngại trong buôn bán kinh doanh hiện nay: gian thương, thiếu đạo đức.

Cái cân là công cụ đo lường trọng lượng. Hàng hoá nặng bao nhiêu thì cân xác định bấy nhiêu. Nhẽ ra chỉ đơn giản thế thôi nhưng sự gian manh tham lam của con người đã biến cân thành thứ công cụ đồng loã cho hành vi lừa đảo. Bản chất của cân là công bằng. Chả thế mà hình ảnh biểu tượng cho thần công lý là chiếc cân. Đó là sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị, và cao hơn nữa là lẽ phải, công lý, phân biệt thiện ác rõ ràng. Hoạt động thương mại tuy không lấy cân làm biểu tượng nhưng chiếc cân tồn tại trong rất nhiều mặt, vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng cho khách hàng, vừa chứng minh uy tín của chủ hàng.

Truyện xưa có tích nói về cái cân, nhưng thực chất là về con người. Kể rằng vợ chồng nhà nọ buôn bán gian dối, chế ra cái cân thủy ngân, dù mua hay bán thì cách nào họ cũng lợi, ngày ngày chiếm đoạt của cải nhân gian, giàu có tiền muôn bạc vạn. Nhưng gian dối chẳng thoát khỏi lưới trời, đồng tiền bất chính cuối cùng lại đội nón ra đi, đến khi hối thì chả kịp.

Chiếc cân không có lỗi. Lỗi là ở những người sử dụng nó, làm nó nghiêng lệch, lợi dụng tính nghiêm minh công bằng của nó để lừa đảo, thực hiện điều bất nhân bất nghĩa. Họ móc túi người tiêu dùng kín đáo mà trắng trợn. Biết bình gas chứa 12 kg theo quy định và người tiêu dùng dễ tin vào quy định ấy, kẻ gian thương trộn nước với gas cho đủ ký. Cố ý đi “độ” cân, chỉnh sửa lại cho sai lệch, ăn bớt (thực chất là ăn cướp, chiếm đoạt) từng trăm gam hàng của người mua. Và mở rộng ra, những hành vi cắm đinh hoặc bơm aga vào đầu tôm, bơm nước vào thịt bò thịt heo, nhét sỏi vào bụng con gà con vịt… trước khi đem cân đem bán, tất cả những loại hành vi cố ý ấy chỉ có thể nói gọn bằng cụm từ: vô đạo đức, gian dối, lừa đảo.

Càng gần tết, giao thương càng nhộn nhịp, không thể hình dung sự gian lận sẽ như thế nào nhưng chắc chắn sẽ tăng hơn so với ngày thường. Xã hội văn minh không chấp nhận những trò bẩn thỉu buôn gian bán lận. Cùng với báo chí, mỗi người cần góp một tay, một tiếng nói để lôi những kẻ gian dối ra ánh sáng. Để chiếc cân được làm đúng nhiệm vụ nghiêm minh của nó. Để người tiêu dùng khi đứng trước chiếc cân khỏi phải lăn tăn việc mình có bị lừa dối hay không.

Nguyễn Thông