Sinh viên “săn” hội thảo, hội nghị ở nước ngoài
Nhiều bạn trẻ đã “săn” được những chuyến đi nước ngoài tham gia các chương trình hội thảo, hội nghị, giao lưu văn hóa, tình nguyện viên… Không những được đi du lịch miễn phí, những chuyến đi ấy đã mang lại cho các bạn sinh viên cơ hội nâng cao năng lực bản thân, tìm hiểu văn hóa các nước cũng như mở rộng quan hệ với bạn bè trong khu vực và trên thế giới.
Sinh viên “săn” hội thảo, hội nghị ở nước ngoài
Tôn Nữ Tường Vy tại Chương trình tình nguyện viên ASEAN vì môi trường ở Malaysia tháng 8-2013- Ảnh: H.Bình
Đó là lịch trình năm 2013 của bạn Tôn Nữ Tường Vy – sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM.
Cũng như Vy, nhiều bạn trẻ khác đã “săn” được những chuyến đi nước ngoài tham gia các chương trình hội thảo, hội nghị, giao lưu văn hóa, tình nguyện viên… Không những được đi du lịch miễn phí, những chuyến đi ấy đã mang lại cho các bạn sinh viên cơ hội nâng cao năng lực bản thân, tìm hiểu văn hóa các nước cũng như mở rộng quan hệ với bạn bè trong khu vực và trên thế giới.
Một năm 6 lần xuất ngoại
Tôn Nữ Tường Vy vừa trở về từ Hội nghị sinh viên Nhật Bản – ASEAN (JENESYS 2.0) diễn ra tại Nhật từ ngày 7 đến 16-12. “Hội nghị bàn về sự tham gia của thanh niên trong các lĩnh vực giáo dục, môi trường, tình nguyện, văn hóa truyền thống và kinh doanh…” – Vy háo hức cho biết.
Vượt rào cản tiếng Anh Nhiều bạn trẻ muốn tham gia các chương trình tình nguyện quốc tế, hội thảo, hội nghị ở nước ngoài nhưng lại ngại gặp rào cản về tiếng Anh. Về điều này, Khánh Linh chia sẻ: ”Đúng là tiếng Anh tốt sẽ tạo lợi thế cho bạn. Tuy nhiên, tiếng Anh chỉ là một yếu tố quan trọng chứ không phải quyết định tất cả. Tiếng Anh của bạn có thể không cần quá xuất sắc, miễn là bạn biết giao tiếp, biết kết nối và làm việc nhóm với những sinh viên từ các nước khác. Sau mỗi chương trình như thế, vốn tiếng Anh của bạn cũng sẽ được tăng lên rõ rệt”. |
Năm 2013 quả là một năm “bội thu” của Vy khi bạn tham gia sáu chương trình hội thảo, hội nghị, làm tình nguyện viên quốc tế. Đó là các chương trình như hội thảo về xây dựng hòa bình thế giới (Thái Lan), Chương trình tình nguyện viên trẻ vì môi trường ASEAN; Bảo tồn chim di trú ở Vườn quốc gia Kuala Selangor (Malaysia), Hội nghị lãnh đạo tương lai ASEAN (Thái Lan – Malaysia), Vai trò của thanh niên trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN đến năm 2015 (Indonesia). Trước đó vào tháng 10-2011, Vy cũng được mời dự hội thảo Đổi mới giáo dục toàn cầu tại Qatar, Hành trình hòa bình Mekong qua ba nước Thái Lan, Lào và Myanmar tháng 7-2012.
Còn bạn Nguyễn Thanh Nguyệt Minh vừa tốt nghiệp khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng “bỏ túi” mình những chuyến đi quý giá. Minh kể: “Đầu năm 2012 mình được chọn tham gia học kỳ trên biển với sinh viên Mỹ. Khi ấy mình đã bay sang cảng Penang, Malaysia rồi đi tàu cùng các bạn về Việt Nam. Thời gian trên tàu mình giới thiệu về đất nước, con người, những điểm đến, món ăn không thể bỏ qua khi tới Việt Nam”.
Sau chuyến đi ấy, Minh cũng tham gia chương trình trao đổi sinh viên trong bốn tháng tại Singapore. Rồi bạn đến Nhật dự Diễn đàn sinh viên vì môi trường, Diễn đàn sáng kiến lãnh đạo trẻ tài năng tại Thái Lan, Dự án tình nguyện cộng đồng SEAL Net ở Indonesia… Cùng lớp với Minh, bạn Huỳnh Thị Khánh Linh bảo mình “chưa đi được nhiều lắm” nhưng cũng đã hai lần đến Nhật, một lần đến Hong Kong qua các chương trình hội thảo, hội nghị.
Hay bạn Trần Ngọc Thịnh, sinh viên năm thứ ba khoa văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng bảo bạn học hỏi được nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo qua các chương trình đã tham dự như giao lưu văn nghệ, ẩm thực ở Hàn Quốc (năm 2012), Liên hoan văn nghệ Thái Lan (2013) và Diễn đàn thanh niên Đông Nam Á ở Malaysia…
Cần đầu tư cho bản thân từ trước
Để được tham gia các chương trình hội thảo, hội nghị quốc tế, Nguyệt Minh và Khánh Linh cho biết hai bạn phải đầu tư cho bản thân từ trước. “Nghĩa là phải tham gia các chương trình tình nguyện, hoạt động xã hội, những chương trình nhỏ ở trường để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực bản thân, trình độ tiếng Anh – Nguyệt Minh chia sẻ – Chính những hoạt động này sẽ làm phong phú thêm cho hồ sơ của mình. Đây cũng là yếu tố “đinh” để ban tổ chức chọn đại biểu tham gia chương trình của họ”.
Bên cạnh đó, Khánh Linh bảo trước khi tham gia chương trình, bạn phải tìm hiểu thật kỹ để làm hồ sơ cho phù hợp. Linh kể: “Không phải cứ thích đến nước nào, thấy chương trình ở nước đó hay là nộp hồ sơ ngay mà phải tìm hiểu cặn kẽ. Chẳng hạn chương trình đó bàn về môi trường, phải chứng minh cho ban tổ chức thấy mình sẵn sàng xắn tay áo lên đi… nhặt rác. Quan trọng là mình chứng minh cho người khác thấy mình làm được gì, học hỏi và đóng góp được gì qua chương trình đó. Cũng cần chú ý là khi vào phỏng vấn chọn ứng viên, người phỏng vấn đã nắm kỹ hồ sơ của bạn rồi nên không cần quá nhiều lời về điều này. Hãy cứ trò chuyện thoải mái, đưa ra ý kiến, quan điểm của mình…”.
Tương tự, bạn Trần Ngọc Thịnh cũng cho rằng các chương trình hội thảo hội nghị quốc tế thường ưu tiên những bạn có thành tích học tập tốt, tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ. Trước khi tham gia các chương trình này, Thịnh thủ sẵn “mấy tài lẻ” như hát tiếng Anh, hát ca khúc dân gian Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế. “Những hoạt động này làm hồ sơ của mình nổi bật lên – Thịnh nói – Trước khi quyết định tham gia chương trình, mình cũng phải tìm hiểu đất nước sẽ đến, kiến thức về cộng đồng ASEAN và thể hiện điều đó với ban tổ chức”.
Đã tham gia chín chương trình ở bảy nước, Tôn Nữ Tường Vy chia sẻ để có nhiều kênh thông tin, bạn thường “ghé thăm” trang thông tin của Trung ương Đoàn, đại sứ quán các nước bạn quan tâm và cả thông tin từ người thân, thầy cô, bạn bè, lãnh đạo các câu lạc bộ đội nhóm.
HÀ BÌNH