23/01/2025

LHQ thông qua nghị quyết quyền riêng tư trên Internet

Hôm 18-12, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết về quyền riêng tư của người sử dụng Internet với lời kêu gọi chấm dứt các hoạt động do thám điện tử.

 LHQ thông qua nghị quyết quyền riêng tư trên Internet

Hôm 18-12, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết về quyền riêng tư của người sử dụng Internet với lời kêu gọi chấm dứt các hoạt động do thám điện tử.

Nghị quyết, do Đức và Brazil soạn thảo, bày tỏ lo ngại các hoạt động do thám ở nước ngoài, thu thập thông tin cá nhân có thể đe dọa nhân quyền. Nghị quyết khẳng định các quyền con người, bao gồm quyền riêng tư cá nhân, cũng phải được bảo vệ khi trực tuyến, theo Reuters.

LHQ kêu gọi 193 thành viên có các biện pháp ngăn chặn và ngăn ngừa các vi phạm quyền riêng tư trên mạng. Theo đó, các nước cần xem xét điều chỉnh các quy định, chính sách về giám sát tuân thủ luật nhân quyền quốc tế. LHQ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có những cơ chế giám sát độc lập để đảm bảo sự minh bạch trong việc thu thập thông tin của chính phủ.

Nghị quyết này được đưa ra sau khi bê bối nghe lén của Mỹ bị nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden phanh phui gây chấn động toàn cầu. Nghị quyết không mang tính ràng buộc nhưng cũng có sức nặng nhất định. Mỹ và các đồng minh Anh, Úc, Canada, New Zealand đã thông qua nghị quyết sau khi diễn giải về vi phạm nhân quyền được điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ.

Cùng ngày tại Mỹ, Ủy ban đánh giá hoạt động tình báo Mỹ của Nhà Trắng cũng công bố một loạt đề xuất nhằm giới hạn các chương trình theo dõi của NSA, theo báo New York Times. Trong số 46 đề nghị do ủy ban này đưa ra, bao gồm cả việc kiểm tra kỹ lưỡng trên diện rộng hoạt động của NSA và yêu cầu cơ quan này ngừng hoạt động thu thập “siêu dữ liệu” điện thoại.

Theo ủy ban, việc thu thập thông tin có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và vi phạm tự do cá nhân. Do đó, các hoạt động tình báo cần dựa trên những chứng cứ xác đáng và tuân theo các chuẩn mực nhất định. Theo quy định, các đề xuất trên còn phải chờ được tổng thống và Quốc hội Mỹ thông qua trước khi chính thức trở thành luật. Tuy nhiên, thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney cho biết một số khuyến nghị cần nghiên cứu thêm và một số khác có thể sẽ bị bác bỏ.

TRẦN PHƯƠNG