23/01/2025

Vụ “cướp bia”, không thể đổ cho dân trí thấp

Cả trăm người lao vào đám đông hỗn loạn lấy đi bằng được những thùng bia của người tài xế gặp nạn. Tại sao văn hóa VN vốn nổi trội tinh thần “lá lành đùm lá rách” lại xuất hiện cảnh tượng lạ như vậy?

 

Vụ “cướp bia”, không thể đổ cho dân trí thấp

16/12/2013 23:50 (GMT + 7)
 
 

Cả trăm người lao vào đám đông hỗn loạn lấy đi bằng được những thùng bia của người tài xế gặp nạn. Tại sao văn hóa VN vốn nổi trội tinh thần “lá lành đùm lá rách” lại xuất hiện cảnh tượng lạ như vậy?

PGS.TSKH Lương Đình Hải, viện trưởng Viện Nghiên cứu con người – Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN, chia sẻ:

– Nói về hiện tượng người dân lao ra “cướp bia”, có người đổ do đạo đức xuống cấp, có người lại khẳng định vì dân trí thấp. Nhưng dân trí hiện nay không thể thấp hơn 30-40 năm trước. Những hành động tàn độc cá biệt làm sao có thể do dân trí thấp khi việc ném xác bệnh nhân lại xảy ra bởi hành vi của một vị bác sĩ đang làm nghiên cứu sinh, người chém cả vợ đang mang thai là một kỹ sư tin học…

* Nhiều người cho rằng hành động “cướp bia” là hậu quả của tâm lý đám đông, một thứ tâm lý nếu không có sự can thiệp kịp thời sẽ ngăn trở sự phát triển xã hội…

 

“Ở thời đại ngày nay, các sự kiện nhanh chóng lan tỏa bằng clip, bằng mạng xã hội. Do đó, cả hiện tượng xấu và tốt đều sẵn sàng trở thành “quả bom” nếu cơ quan chức năng, chính quyền không có phản ứng kịp thời và chính xác”

PGS.TSKH Lương Đình Hải

 

– Hành vi đồng loạt xô vào hiện trường một chiếc xe tải chở bia bị lật để vơ lấy vơ để từng thùng bia, chai bia khó có thể giải thích gì hơn rằng đó là “tâm lý đám đông”. Đó là thứ tâm lý mà gần như do vô thức tác động, họ xử sự không bằng khả năng suy nghĩ, mà chỉ hành động bằng sự xâu chuỗi hình ảnh trước mắt, bị cuốn vào những ứng xử dễ thấy xung quanh, dễ xảy đến tình trạng từ nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại, ngớ ngẩn nhất.

Sau vụ cướp bia ở Biên Hòa, người ta chứng kiến vụ tai nạn tương tự khi một xe tải chở sữa bị lật giữa đường ở Quảng Ninh, nhưng cách hành xử của người dân hoàn toàn khác. Không ai chạy ra để bê sữa về nhà cả. Có người nói vì không ai “đầu têu” nên không thành phản ứng dây chuyền đám đông. Nhưng không thể phủ nhận chính truyền thông, cộng đồng mạng với tất cả sự phẫn nộ và lên án mạnh mẽ đối với vụ “cướp bia” đã góp phần ngăn chặn những hành động tương tự.

Tất nhiên, đấy chỉ là phán xét trên quan niệm lý thuyết, còn thực tế không dễ giải nghĩa đến tận cùng. Một bà mẹ trên đường đón con nhân lúc hỗn loạn cũng vội vã chạy vào bê mấy thùng bia. Trên đường về nhà, người mẹ đó đã vô cùng xấu hổ khi cô con gái nhỏ hỏi: “Nhà mình có ai uống bia đâu mà mẹ làm thế?”. Có lẽ không ít người giống như bà mẹ ấy, không thể lý giải vì sao mình có hành động kỳ quặc như vậy. Xem clip thì thấy cũng có người cản nhưng lại bị dọa đánh. Cả người tài xế van xin cũng chẳng ăn thua. Đám đông hỗn loạn đã lấn át hết những ngăn cản có phần yếu thế của một vài cá nhân còn tỉnh táo. Phải có cách khơi dòng của những ứng xử số ít trong tình huống cụ thể này được đẩy mạnh hơn nữa. Những chế tài cần thiết phải đặt ra để mỗi người phải ý thức hơn về trách nhiệm trong hành xử của mình. Chỉ vì lỗi “vào hùa” trong vô thức mà nhiều người dân đang nơm nớp lo bị truy tố vì tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản” hẳn là cảnh tỉnh cho nhiều người.

* Có ý kiến cho rằng nếu đổ người dân vô ý thức là có phần phiến diện khi hành vi hùa theo đám đông còn xuất hiện xấu xí ở ngay những người có địa vị, như đã xảy ra tại lễ hội đền Trần…

– Như tôi nói ở trên, tâm lý đám đông hay bất kể hành vi xấu xí nào ở xã hội không thể đổ cho dân trí thấp. Tâm lý xã hội đang bị rung lắc dữ dội và có thể hình dung rất nhiều người đang mất phương hướng. Người ta lao vào nơi một tài xế đang đau khổ van xin để cướp trắng những thùng bia bị rơi xuống đường là chuyện hiển nhiên ai cũng nhìn thấy và lên án. Nhưng cũng có những kiểu hôi của không được tường thuật qua clip như cách nhiều vị thản nhiên đút túi của công, thản nhiên tiêu tiền ngân sách nhà nước, dùng của công, tiền công, xe công cho việc riêng…

Không có một cách hành xử theo hệ thống, tâm thế xã hội sẽ khó thoát ra được tình trạng bất ổn, khủng hoảng. Sau vụ việc “cướp bia” cá biệt, một thời gian sau lãng quên đi rồi rất có thể lại có những vụ việc đau lòng về cách hành xử giữa người với người trong tư duy đám đông hỗn loạn.

* Phải chăng xã hội đang thiếu hình mẫu hay luật pháp chưa nghiêm, thưa ông?

– Sự thiệt thòi của những người sống ở thời đại ngày nay là thiếu mẫu hình lý tưởng. Bây giờ hỏi ai là “mẫu hình” cho nông dân hay cho công nhân, ai là mẫu hình lý tưởng của trí thức đều thật khó có câu trả lời. Mới đây, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN có tổ chức hội thảo “Đi tìm mẫu hình người nông dân thời đại mới”, nhưng không thấy hình ảnh người nông dân cụ thể nào, chỉ đưa ra mẫu số chung: nông dân là tầng lớp đông đảo nhất, làm việc vất vả nhất và nghèo nhất. Sẽ có người cho rằng tư duy mẫu hình là tư duy cổ điển, nhưng thiếu đi những mẫu hình cần thiết sẽ khó có những điều chỉnh, định hướng phù hợp cho hành vi.

 

 

Tài xế bị cướp bia trả toàn bộ tiền cho nhà hảo tâm

Ngày 16-12, tài xế Hồ Kim Hậu – nạn nhân trong vụ bị cướp bia ở Đồng Nai – đã đến một ngân hàng tại TP.HCM xin trích sao kê khoản tiền của các nhà hảo tâm gửi đến anh giúp đỡ sau khi biết anh đối mặt cảnh bồi thường số bia bị cướp. Tổng số tiền sao kê từ các tổ chức, cá nhân giúp đỡ anh gần 230 triệu đồng. Anh Hậu nói: “Số tiền này của những người hảo tâm giúp đỡ để tôi bồi thường bia nhưng nay đã được công ty miễn nên tôi xin trả lại”.

Theo anh Hậu, qua kiểm tra số tiền gửi vào tài khoản của anh cao nhất là 10 triệu, thấp nhất là 200.000 đồng. Anh đã đề nghị ngân hàng nơi anh mở tài khoản chuyển trả lại số tiền đã gửi đến anh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Hậu nói: “Tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi luôn trân trọng mồ hôi của tôi thì lý do gì mà mình giữ lại từng đồng tiền của các chú, các bác và những em sinh viên đã chắt chiu để cứu giúp tôi khi gặp tình cảnh éo le”.H.MI

 

NGỌC HÀ thực hiện