24/01/2025

Nghề chăn trâu giữa lòng Hà Nội

Giữa lòng Hà Nội có những đàn trâu cả trăm con và người chăn trâu chỉ là kẻ làm thuê. “Mục đồng” thuê hiện đang là công việc nhàn hạ nhưng có mức lương khá tốt, là mơ ước của nhiều lao động chân tay từ tỉnh lẻ đến Hà Nội kiếm sống.

Nghề chăn trâu giữa lòng Hà Nội

Giữa lòng Hà Nội có những đàn trâu cả trăm con và người chăn trâu chỉ là kẻ làm thuê. “Mục đồng” thuê hiện đang là công việc nhàn hạ nhưng có mức lương khá tốt, là mơ ước của nhiều lao động chân tay từ tỉnh lẻ đến Hà Nội kiếm sống.

Trâu được chăn thả bên bãi cỏ ven sông Hồng –  Ảnh: H.D. 

Mấy tháng trước, ông Trần Văn An (49 tuổi) còn đứng chờ việc dài cổ ở các chợ lao động nơi vỉa hè, gầm cầu tại Hà Nội. Nhưng giờ đây gặp lại ông ở bãi cỏ xanh bên sông Hồng mọi chuyện đã khác.

Thất nghiệp vớ phải nghề hay

Nhắc đến những tháng ngày đã qua ở Hà Nội, ông An vẫn chưa hết xót xa, buồn chán. Rời mảnh đất Gia Viễn, Ninh Bình ra Hà Nội đã mấy năm nay, ông vẫn chưa thật sự kiếm được nghề nghiệp gì ra hồn. Ông nhớ lại: “Lúc đầu tôi cũng theo cánh anh em đi làm phu hồ, rồi công việc bập bõm nên tìm đến xin một chân đứng bán cây cảnh trên phố Trần Duy Hưng, Cầu Giấy. Nhưng rồi thời buổi khó khăn, người mua thì ít kẻ bán lại nhiều, làm ăn thua lỗ, nhà chủ cũng cắt luôn suất bán hàng của tôi”.

Thất nghiệp lại quay về thất nghiệp, ông An ra đứng chợ lao động vỉa hè mong kiếm vài việc làm thuê vặt. Nhưng cảnh vật vã đầu đường xó chợ, ngày chẳng kiếm nổi 100.000 đồng, ông An đâm ra chán và bắt đầu lang thang tìm việc. Vào một chiều hè ra đứng hóng mát trên cầu Vĩnh Tuy, nhìn xuống bãi bồi ven sông Hồng, ông thấy đàn trâu đông đúc đang gặm cỏ.

Cũng từ sự tò mò, lạ mắt muốn hỏi đàn trâu nhà ai nên ông An tìm tới nhà ông Nguyễn Văn Tiến. Nhớ lại khoảnh khắc đó, ông An kể: “Gặp ông Tiến chủ đàn trâu, chúng tôi cũng trò chuyện xã giao như hai người bạn vì tuổi tác cũng gần bằng nhau. Qua trò chuyện tôi biết được ông Tiến có thuê đến ba người chăn đàn trâu hơn 150 con của mình. Nhưng hiện một người đã nghỉ nên ông Tiến cũng đang có nhu cầu thuê thêm người chăn. Chẳng biết lương thưởng thế nào, nhưng cơ hội đã đến, tôi mạnh miệng ngỏ lời xin việc với ông ấy luôn”.

Thế là ông An được nhận làm ngay vì một lẽ rất đơn giản: ngày xưa ở quê ông cũng từng đi chăn trâu nhiều năm, lại với dáng vẻ thật thà cần mẫn nên được ông Tiến tin ngay từ cái gặp ban đầu. Thế là công việc “mục đồng” thuê đến với ông thật tình cờ. Là “mục đồng” lớn tuổi nhất trong số ba người làm thuê nên ông An được chủ giao chăn đàn trâu mẹ mới đẻ và một số nghé con.

 

Tâm sự “mục đồng”

“Mục đồng” An tâm sự: “Đây là nhóm trâu mới sinh sản, còn yếu nên không phải đi chăn xa, chỉ quanh quẩn gần khu chuồng. Chăn nhóm trâu này cũng rất nhàn, chỉ cần phải chú ý đến chúng một chút, có biểu hiện khác lạ gì thì báo cho chủ là xong”.

Từ ngày lên Hà Nội đến nay, ông An đã làm đủ nghề, nhưng chưa có nghề nào nhàn hạ như làm “mục đồng” thuê. Lịch làm việc của ông An hết sức đơn giản. Sáng 7g cho nhóm trâu mới sinh sản và một số nghé ra khỏi chuồng đi gặm cỏ xung quanh vườn nhãn thuộc quận Long Biên, Hà Nội. Đến 10g ông lùa đàn trâu về, buổi chiều 13g30 cho ra, 16g dắt trâu xuống sông tắm rồi lùa về chuồng. Công việc khá nhàn mà lương cũng không đến nỗi thấp, ông bảo thu nhập 4 triệu đồng, ăn ngủ do chủ trâu lo. Ông nhẩm tính nếu cộng cả phí ăn ngủ thì lương cũng hơn 5 triệu đồng/tháng. Thậm chí ông An còn tiết lộ: “Chủ cho nhóm “mục đồng” thuê chúng tôi uống cả bia lạnh buổi trưa, tiền ăn phở sáng, thỉnh thoảng xin phép về quê thăm nhà cũng được luôn…”.

Vất vả hơn ông An một chút, đó là công việc của hai “mục đồng” thuê Nguyễn Văn Anh (25 tuổi) và Nguyễn Văn Thưởng (28 tuổi). Anh và Thưởng được ông Tiến giao cho đàn trâu chăn xa với số lượng gần 150 con. Đàn trâu này Anh và Thưởng phải chăn khắp dọc triền đê sông Hồng từ cầu Long Biên đến cầu Thanh Trì. Quãng bờ sông này cũng gần 10km và tất nhiên cả hai “mục đồng” thuê phải đi bộ theo đàn trâu.

Nguyễn Văn Anh (quê ở huyện Đông Anh) mới làm cho ông Tiến một thời gian tâm sự: “Đàn trâu hai người chúng tôi chăn là rất nhiều, chúng thường phải đi ăn xa để có cỏ non và mới. Trâu ăn ở đâu là người luôn phải túc trực tại đó. Một khó khăn lớn cho bọn tôi là trong đàn trâu này có một số con rất dữ, có thể phá phách hoa màu, lều trại của người dân bất cứ lúc nào. Chính vì thế bọn tôi phải chăn làm sao cho chúng ăn no, tắm sạch mà không làm ảnh hưởng đến ai”.

Hiện nay một con trâu trưởng thành 3-5 tạ có giá 40-50 triệu đồng, thậm chí trâu trắng giá còn cao hơn. Nếu để mất một con trâu của chủ thì những “mục đồng” thuê như Anh và Thưởng coi như mất toi tiền lương cả năm. May thay, lâu nay họ chưa làm mất con nào.

Lịch chăn trâu của Anh và Thưởng như sau: sáng 6g, lùa đàn trâu ra khỏi chuồng, 9g sau khi chúng đã ăn no lại cho về, chiều 14g lùa ra và 17g rong trâu quay lại nơi ngủ. Hai “mục đồng” này được ông chủ trả mức 5 triệu đồng/tháng kèm theo cơm và chỗ ngủ miễn phí. Một điều thú vị mà Anh tâm sự cho chúng tôi biết ở khu vườn nhãn ven sông Hồng có rất nhiều đôi đến chụp ảnh cưới. Nhiều đôi rất hứng thú chụp ảnh chung với trâu, nhất là mấy chú trâu trắng đáng yêu.

Có vài lần Anh đã tắm sạch sẽ cho mấy chú trâu trắng và cho cô dâu, chú rể mượn để chụp ảnh cưới. Xong việc họ bồi dưỡng cho chàng “mục đồng” ít tiền công. Nói đến dịch vụ cho thuê trâu chụp ảnh cưới, “mục đồng” Anh cho biết chú Tiến chưa có ý định làm việc đó, nhưng việc cho mượn trâu để chụp ảnh thì chú ấy cho cậu toàn quyền quyết định.

Thử việc vẫn có lương

Với “mục đồng” thuê Bùi Văn Linh, quê ở Hòa Bình, hiện đang chăn đàn trâu 60 con tại phường Yên Nghĩa, Hà Đông thì đây là công việc quá tốt cho cậu. Sinh năm 1991, Linh đến Hà Nội một năm trước và được ông chủ đàn trâu có tên Nguyễn Đình Thiện thuê về làm ngay.

Anh Thiện, chủ trâu ở đây, cho biết do cách chăn của Linh còn kém nên anh phải trực tiếp đi chăn trâu cùng Linh để kèm cặp. Địa bàn chăn của Linh là các khu dự án chung cư, biệt thự bỏ hoang, cỏ mọc um tùm thuộc phường Yên Nghĩa. Các dự án này có đường nên Linh đi cả xe máy để chăn trâu. Anh Thiện nói: “Mình thuê Linh với mức lương 3 triệu đồng/tháng kèm ăn ngủ miễn phí suốt một năm qua. Tuy có lương hẳn hoi nhưng thật sự cậu ấy vẫn chỉ như đang thử việc mà thôi vì mọi thứ mình vẫn phải tự tay lo liệu. Mình cũng rất mong cậu ấy quản được đàn trâu thì lương sẽ khá hơn”.

Chăn trâu không khó, không vất vả nhưng cũng cần phải biết cách. Thiện lấy ví dụ hiện nay đang cuối thu đầu đông, thời tiết lạnh lại có nhiều ruồi, đàn trâu thường lười đi ăn, chỉ muốn nằm một chỗ. Nếu người chăn cứ mặc kệ thì trâu bị đói sẽ gầy, thậm chí ốm chết. Trâu phải được lùa đi ăn cho đủ số lượng cỏ, rồi tắm rửa mát mẻ trước khi về chuồng, như thế mới nhanh béo, nhanh được bán lấy thịt.

Năm nay mới 27 tuổi, nhưng Thiện đã có kinh nghiệm 11 năm nuôi trâu. Từ con số 0 với hai bàn tay trắng, giờ đây Thiện đã có đàn trâu 2-3 tỉ đồng. Là một tỉ phú đi lên từ nghề “mục đồng”, Thiện cũng muốn giúp một vài người có công ăn việc làm với thu nhập khá. Cũng chính vì thế Thiện mới thuê Linh, một chàng trai dân tộc Mường tốt bụng mới chân ướt chân ráo đến Hà Nội tìm việc.

Mới 22 tuổi và chưa có kinh nghiệm chăn trâu nhưng sau một năm được ông chủ Thiện dìu dắt, Linh đã có thể tự đảm đương một phần công việc của đàn trâu. Linh nói: “ Đàn trâu nhà anh Thiện có 60 con, nhưng chúng ăn rất nhiều cỏ nên tôi luôn phải tìm khu cỏ non mới để trâu ăn no”.

Có thể nói “mục đồng” thuê là một nghề rất mới lạ mang hồn quê nhưng lại đang manh nha ở chính trong lòng thủ đô Hà Nội. Chúng tôi đã đi qua một số quận như Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Hà Đông, huyện Hoài Đức… đều thấy những đàn trâu số lượng lớn và nhiều “mục đồng” thuê đang kiếm sống với thu nhập đủ ăn. Loại lao động này đang phát triển ngày một nhiều hơn.

 

 

Hiện nay các khu đô thị bỏ hoang, dự án dang dở ở các quận huyện tại Hà Nội ngày càng nhiều. Các khu này cỏ mọc um tùm nên một số người đã nghĩ ra nghề nuôi trâu để kiếm lời. Nhu cầu thuê mục đồng cũng xuất hiện từ đó. Nhưng để làm được công việc này trên địa bàn Hà Nội, các ông chủ thường yêu cầu người làm những điều sau:

– Thật thà và cần cù, kiên nhẫn, đặc biệt là óc quan sát, phát hiện vấn đề nhanh vì cả ngày phải để mắt tới đàn trâu.

– Có kỹ năng chăn trâu ở quê sẽ là một ưu tiên.

– Biết đường Hà Nội, đặc biệt là địa bàn chăn trâu.

– Có kỹ năng xử lý tình huống khi trâu qua đường và biết giải quyết nếu trâu vào vườn hoa màu hay sân bãi nhà người khác…

 

 

HẢI DƯƠNG - NGUYỄN HƯỜNG