28/12/2024

Đà Lạt: tìm đất lập “làng thần kỳ”

Câu chuyện của một số người Nhật đi tìm đất ở Đà Lạt nhằm hợp tác lập “làng thần kỳ” – cách gọi về ngôi làng Karakumi ở Nhật, nơi biến đổi từ nghèo nhất trở thành giàu nhất nhờ nông nghiệp công nghệ cao.

 

Đà Lạt: tìm đất lập “làng thần kỳ”

Câu chuyện của một số người Nhật đi tìm đất ở Đà Lạt nhằm hợp tác lập “làng thần kỳ” – cách gọi về ngôi làng Karakumi ở Nhật, nơi biến đổi từ nghèo nhất trở thành giàu nhất nhờ nông nghiệp công nghệ cao.

 

Cuối tháng 11 này, hai nông dân Nhật Bản là Masahito Shinohara (34 tuổi) và Takaya Hanaoka (35 tuổi) đi cùng những chuyên gia nông nghiệp tại Lâm Đồng và Công ty sản xuất rau An Phú Đà Lạt đến những ruộng rau ở Đà Lạt để tìm cho ra nơi có thể áp dụng mô hình và công nghệ của “làng thần kỳ”.

“Làng thần kỳ” là cách người Nhật trân trọng gọi làng Karakumi (huyện Minamisaku, tỉnh Nagano) nằm ở phía tây Tokyo, Nhật Bản. Trước năm 1980, đó là một trong những làng nghèo nhất nước. Sau hơn 20 năm tập trung toàn lực cho nông nghiệp công nghệ cao áp dụng trên rau xà lách Mỹ, ngôi làng ấy trở thành giàu có hàng đầu tại Nhật với thu nhập trung bình 250.000 USD/hộ/năm dù chỉ sản xuất nông nghiệp được bốn tháng mỗi năm (từ tháng 6 đến tháng 10), thời gian còn lại không thể sản xuất do tuyết bao phủ, nhiệt độ có lúc xuống -20OC. Làng nằm ở độ cao tương tự Đà Lạt, 1.185m so với mực nước biển, toàn bộ diện tích 1.735ha đất nông nghiệp dành trồng rau xà lách Mỹ. Diện tích này chỉ bằng 1/4 diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Đà Lạt nhưng mỗi năm mang về cho làng số tiền 150 triệu USD. Ông Hironosi Tsuchiya, giám đốc đại diện Quỹ đầu tư HT Capital tại VN, cho rằng sự thần kỳ không phải ở số tiền đáng mơ ước mà số tiền đó được làm ra trên mảnh đất khô cằn bậc nhất nước Nhật.

Từ Karakumi đến Đà Lạt

 

Kênh truyền hình riêng

Shinohara cho biết làng Karakumi có một kênh truyền hình riêng, ngoài phát những câu chuyện nông nghiệp của làng thì phát những thông tin kinh tế, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp tại địa phương, những thông tin về thị trường được cập nhật hằng ngày. Anh nói nhờ kênh truyền hình này mà nông dân thống nhất được thời điểm thu hoạch rau tốt nhất. Kênh truyền hình này quan trọng với dân làng, nếu một ngày ngưng phát thông tin về thị trường, giá cả thì người dân sẽ rất lo lắng. Shinohara hỏi một nông dân Đà Lạt về việc họ nhận thông tin thị trường của địa phương như thế nào? Tần ngần giữa ruộng rau vừa thu hoạch xong, anh nông dân này im lặng và lắc đầu!

 

Khoảng đầu tháng 10 năm nay, ông Hironosi Tsuchiya đến Đà Lạt. Là người tự hào về làng Karakumi, ông hay liên tưởng về ngôi làng nông nghiệp kiểu mẫu của Nhật Bản khi trò chuyện với những doanh nghiệp sản xuất rau tại Đà Lạt. Khi về Nhật công tác, ông đến làng Karakumi và tìm những nông dân trẻ được xem là giỏi nhất của làng và gợi ý họ đến Đà Lạt hợp tác sản xuất rau xà lách Mỹ theo công nghệ của làng Karakumi, sau đó chuyển về Nhật bán cho hơn 500 siêu thị đồng thời xuất sang châu Âu. Hai nông dân trẻ, chủ của công ty sản xuất rau danh tiếng Lacue là Shinohara và Hanaoka đã nghe theo lời khuyên của ông có mặt tại Đà Lạt. Không giấu giếm lý do, cả hai nông dân cho biết họ đến Đà Lạt để tìm vùng đất có thể xây dựng mô hình sản xuất rau của làng Karakumi vì đất nông nghiệp của làng này đã hết.

Bốc một vốc đất trên con đường dẫn xuống ruộng rau tại xã Lát (huyện Lạc Dương), Hanaoka bóp tơi rồi đưa lên mũi ngửi. Anh nở một nụ cười thích thú: “Khoảnh đất tốt nhất của làng tôi có lẽ là khoảnh đất xấu nhất tại Đà Lạt”. Giữa ruộng rau còn thoảng mùi phân làm từ xương cá, Hanaoka xin người nông dân một bắp xà lách, sau một hồi ngắm nghía không sót một góc nào của bắp xà lách, anh ăn một cách ngon lành trước sự ngạc nhiên của người làm vườn và các chuyên gia nông nghiệp. Hanaoka giải thích: “Tôi cảm nhận được chất lượng rau và mặt bằng chung về sản xuất bằng cách này”. Hanaoka khẳng định khi bắt tay với người Đà Lạt sản xuất, toàn bộ công nghệ và quy trình trồng rau đang áp dụng tại làng sẽ được chuyển giao. “Như cách bón phân hiện nay thì đất tốt cũng thành xấu, rau sạch cũng nhiễm bẩn và nguồn nước sẽ bị kém chất lượng”.

 

Chìa khóa “làng thần kỳ”

Đi hết ruộng rau này đến vườn ươm giống khác, hai nông dân thay nhau kể về làng Karakumi và cách cơ bản để dân làng tạo nên sự “thần kỳ” trong phát triển nông nghiệp và kinh tế. Khoảng năm 1965, người dân trong làng bắt đầu trồng xà lách Mỹ để bán cho người nước ngoài, chủ yếu là người Mỹ đang làm việc tại Nhật. Dù có khá hơn trồng lúa nhưng thực tế chỉ là kiếm sống qua ngày, không vượt qua được vị trí làng nghèo nhất nước. Nhưng đến năm 1980, người trong làng đã thay đổi. Vị trưởng làng hiện nay Tadahiko Fujiwara (sinh năm 1938) đã thể hiện vai trò thủ lĩnh của mình khi tổ chức cho nông dân chuyển sang trồng xà lách công nghệ cao. Shinohara bảo nông nghiệp công nghệ cao của làng cũng giống những nông trại loại tốt của Đà Lạt, nhưng điểm khác lớn nhất là người trong làng đồng loạt từ bỏ việc sản xuất theo cách cũ để áp dụng phương pháp sản xuất mới. Anh Shinohara cho rằng đó là thuận lợi đầu tiên để làng Karakumi đưa ra tiêu chuẩn an toàn cho rau do dân làng sản xuất và xây dựng thương hiệu.

Tiêu chuẩn rau an toàn mà làng Karakumi áp dụng không phải Global GAP hay những chứng nhận có giá trị toàn cầu khác, đơn giản là họ sản xuất ra sản phẩm tốt nhất có thể và đáp ứng cao hơn các quy định an toàn thực phẩm của Nhật. Shinohara bảo để dễ hiểu hơn, ông trưởng làng nói với nông dân một cách đơn giản: “Những gì bón được cho rau thì phải dùng được hoặc không gây hại cho con người”. Để đảm bảo uy tín của thương hiệu rau xà lách làng Karakumi, ông trưởng làng lo công tác duy trì trật tự vùng rau. Nếu nông dân nào làm sai những quy định sản xuất rau mà cả làng đã thống nhất thì người đó bị cấm sản xuất. Kỷ luật được thiết lập nghiêm ngặt, những quy định liên quan đến an toàn thực phẩm và chất lượng rau chỉ được đưa ra bàn thảo để siết chặt thêm, không có chuyện nới lỏng để dễ sản xuất. Theo Shinohara, bên cạnh công nghệ, tính kỷ luật trong sản xuất là chìa khóa quan trọng để sau mỗi vụ rau dân làng có 150 triệu USD.

Hanaoka bảo cách bảo quản rau của người làng Karakumi có khác với cách của người Đà Lạt: “Cây rau được thu hoạch ở nhiệt độ nào thì sẽ được bảo quản ở nhiệt độ đó cho đến khi về tay người dùng”. Nếu ở Đà Lạt thu hoạch rau chủ yếu vào ban ngày, thì người làng Karakumi thu hoạch rau vào khoảng 2g-6g sáng. Đó là thời điểm nhiệt độ ngoài trời khoảng 2-4OC. Ngay sau thu hoạch, rau được đưa vào xe đông lạnh đã chỉnh nhiệt độ tương tự, không để rau bị nắng chiếu gây giảm chất lượng.

Ruộng rau của lao động trẻ

Nhìn ruộng rau ở Đà Lạt toàn những người trung niên làm việc, Hanaoka thắc mắc. Rồi anh kể câu chuyện của đất nước mình khi được giải thích rằng đa số người trẻ tại Đà Lạt được gia đình khuyến khích rời bỏ nông nghiệp để tìm một con đường mới cho mình tại những vùng đất khác. Tại nhiều làng quê khác của Nhật Bản, nhiều bạn trẻ cũng rời làng đến các trung tâm kinh tế ngay khi có cơ hội để kiếm sống và tìm cơ hội phát triển. Riêng thanh niên làng Karakumi thì quay về làng khi ở độ tuổi sung sức nhất sau khi đã đi học về nông nghiệp và kinh tế. Họ quay về và làm việc như những nông dân thực thụ, dậy từ 1g sáng và làm việc cho đến 19g.

Theo Hanaoka, sự xuất hiện của những người trẻ đã khiến nông nghiệp luôn mới mẻ, công nghệ trồng trọt mới nhất luôn được áp dụng đầu tiên tại làng. Bản thân anh Hanaoka là thế hệ làm nông nghiệp thứ năm trong gia đình. Anh đã từ bỏ nhiều lời mời làm việc cho các công ty tài chính để làm nông nghiệp. Hanaoka bảo: “Chúng tôi được dạy để tìm cách khiến đất cằn phải sinh lợi ngày càng nhiều bằng cái nghề gia đình đã tự hào”. Anh cho biết anh quan tâm những thông tin về giới trẻ VN thất nghiệp tại các thành thị nhưng vẫn bám trụ. Anh nói: “Có lẽ họ không thấy cơ hội ở làng quê, đó cũng là câu chuyện của một số khu vực ở đất nước tôi khi niềm vui sản xuất nông nghiệp không có trong họ”.

Tại làng Karakumi, có một quy định chung mà dân làng phải tuân thủ dù đụng chạm đến chuyện riêng của mỗi gia đình: khi nông dân có con cái đã hoàn thành xong việc học theo ý nguyện và các nghĩa vụ công dân khác thì cha mẹ giao lại quyền điều hành nông trại cho con, để con mình được phát triển nông trại theo ý thích. Với trưởng làng, đây là nguyên tắc để tạo cơ hội cho người trẻ. Anh Hanaoka cho biết đây là điểm mấu chốt khiến người trẻ quay lại làng làm việc và cũng là lý do khiến làng nông nghiệp sôi động, những ý tưởng mới phát triển nông nghiệp được áp dụng tại làng. Như Hanaoka, năm 25 tuổi anh được gia đình giao cho nông trại khoảng 2ha. Đến nay sau 10 năm, anh đã phát triển nông trại thành một công ty lớn liên kết nhiều nông dân, mỗi năm cung cấp cho thị trường nội địa 1.500 tấn xà lách Mỹ.

MAI VINH

 

 

Dự án sản xuất rau xà lách theo chuẩn Nhật tại Đà Lạt

Thông qua sự kết nối của Quỹ đầu tư HT Capital tại VN, công ty sản xuất nông sản Lacue đã đến Đà Lạt phối hợp với Công ty An Phú Đà Lạt để lập dự án sản xuất rau xà lách Mỹ theo tiêu chuẩn của Nhật Bản nhằm xuất khẩu trực tiếp sang các nước châu Âu và châu Á. Công ty Lacue sẽ sang Đà Lạt để chuyển giao và giám sát quy trình sản xuất. Dự án sẽ được triển khai vào năm 2014. Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Dự án sẽ có tác động phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt, thúc đẩy sản xuất rau theo tiêu chuẩn quốc tế“.