Lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam: Dám sống và dám chết cho sự thật

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong ngày mừng kính các Thánh Tử đạo Việt Nam hôm nay như mời gọi chúng ta dám sống và dám chết cho sự thật như các bậc tiền bối anh hùng.

 

Dám sống và dám chết cho sự thật

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong ngày mừng kính các Thánh Tử đạo Việt Nam hôm nay như mời gọi chúng ta dám sống và dám chết cho sự thật như các bậc tiền bối anh hùng. Chúa Giêsu nói: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha và thế gian đang ghét họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như Con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ ra khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai Con đến thế gian thì Con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, Con xin thánh hiến chính mình con để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,14-19).

1. Các bậc tiền bối là chứng nhân của sự thật

Nhìn vào đời sống của các vị anh hùng tiền bối, chúng ta thấy một điểm nổi bật. Đó là: các vị là chứng nhân của sự thật. Các vị đã tôn trọng sự thật và loan báo sự thật mới mẻ cho dân tộc Việt Nam. Đất nước VN từ hơn 2.000 năm qua chịu ảnh hưởng của Tam giáo Đông Phương: Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo. Vào thế kỷ 16-17, các giáo sĩ dòng Đa Minh, Phanxicô, Augustinô, nhất là Dòng Tên (1615-1665) đã truyền bá một giáo thuyết khác với Tam giáo Đông Phương về nhiều điểm. Vì thế, họ gặp sự chống đối mãnh liệt của các vua quan nhưng đó lại là những sự thật cơ bản được các dân tộc tiên tiến trên thế giới ngày nay đón nhận để làm nền tảng cho một xã hội ổn định và bền vững.

Sự thật đó là tất cả mọi người đều có giá trị cao quý như nhau vì đều là con cái Thiên Chúa; được tự do bình đẳng trước pháp luật chứ không phải vua có toàn quyền sinh sát trong tay; hôn nhân một vợ một chồng thay vì đa thê; nam nữ bình đẳng thay vì trọng nam khinh nữ. Nhờ các vị thừa sai người nước ngoài dạy cho tổ tiên chúng ta những kiến thức về khoa học, vệ sinh, nên người Công giáo thời đó sống khoẻ mạnh, thông minh, xinh đẹp, thuỷ chung, gia đình hạnh phúc. Nhờ chữ viết mới do các vị phát minh, tổ tiên chúng ta dễ dàng truyền dạy cho nhau những kiến thức để xây dựng một nền văn hoá mới trong cộng đồng.

Các vị tiền bối chúng ta, dù đã bị bách hại, bị đối xử tàn tệ bởi nhà nước quân chủ chuyên chế, nhưng họ vẫn được dân chúng đón nhận qua những giá trị của nền văn hoá. Bằng chứng là xã hội VN dần dần thay đổi theo hướng dân chủ, bình đẳng nam nữ, gia đình một vợ một chồng, mở mang khoa học, nhất là đón nhận chữ quốc ngữ. Chúng ta biết rằng, chỉ sau 200 năm sau khi cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) in 3 cuốn sách đầu tiên là Từ điển Việt-Bồ-La, Phép Giảng Tám Ngày Văn phạm Tiếng Annam vào năm 1651, năm 1865 cộng đồng xã hội Việt Nam đã đón nhận tờ báo tiếng Việt đầu tiên gọi là Gia Định báo tại thành Gia Định (tức là TP.HCM ngày nay).

Dù bị đối xử tàn tệ như vậy nhưng người Công giáo không kết án ai, không có những hành động bạo loạn, , không liên kết với người Pháp phản bội dân tộc. Thật ra, với 600.000 tín hữu vào thế kỷ 19, người Công giáo dư sức liên kết với thực dân Pháp mua vũ khí, tàu chiến chống lại triều đình nhà Nguyễn để tìm tự do, hạnh phúc và tự trị cho cộng đồng của mình. Nhưng, tổ tiên chúng ta đã không làm thế.

Nếu chỉ một vài giáo sĩ thừa sai nước ngoài, trong số 200 người đang truyền giáo tại Việt Nam lúc đó, đã có một vài hành động can thiệp với quân đội Pháp hay với chính phủ Pháp để cứu giúp những người bị bách hại dã man, thì hành động của những người này chỉ nhân danh quyền sống của con người mà sau này hiến chương Liên Hiệp Quốc và tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948) đã quy định rõ ràng. Chính các nhà Nho như cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, Lương Văn Can là những người đã khởi xướng phong trào Đông Du sang Nhật Bản và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, nhận thức được những giá trị cao quý của người Công giáo nên đã hô hào dân chúng hãy sống những giá trị của người Công giáo. Chính các cụ, có thể nói, đã cứu người Công giáo khỏi hoạ diệt vong do các sĩ phu trong phong trào Văn Thân khởi xướng trong các năm 1867-1868; 1873-1874 và 1883-1885.

2. Chúng nhân cho những sự thật ngày nay

Nhìn vào đời sống của các vị tiền bối anh hùng, chúng ta biết rằng các ngài đã trải qua biết bao nhiêu thử thách để làm chứng cho sự thật, bảo vệ sự thật mà bây giờ cả xã hội Việt Nam chúng ta đang theo. Là con cháu các ngài, chúng ta tự hỏi: mình có cần tiếp tục phát huy công trình của các ngài để nhận định được sự thật và công bố sự thật mới mẻ của Tin Mừng mà Chúa Giêsu muốn chúng ta loan báo không?

Có thể nói rằng người Công giáo VN ngày nay hình như đang ngủ quên trong chiến thắng sau khi các bậc tiền bối đã giới thiệu những giá trị dân chủ, bình đẳng, hôn nhân một vợ một chồng, khoa học kỹ thuật, chữ quốc ngữ…cho đồng bào. Là con cháu, chúng ta hãnh diện với những giá trị ấy, nhưng chúng ta lại không phát huy được những giá trị đó và giới thiệu những giá trị mới của Tin Mừng, thí dụ như các giá trị của 8 mối phúc, của tình huynh đệ, lòng khoan dung…

Chúng ta có thể nói dân tộc VN đang rơi vào những tình trạng hết sức khó khăn, nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến hoạ diệt vong. Nhìn vào xã hội VN, chúng ta thấy có sự suy đồi về đạo đức hết sức nghiêm trọng: nhiều hành động mất nhân tính như cha giết con, vợ đốt chồng, anh em giết hại lẫn nhau chỉ vì mảnh đất, chiếc xe đạp hay người ta giết hại nhau chỉ vì một vài con chó… Vậy người Công giáo chúng ta nói lên được sự thật về giá trị của con người như thế nào? Hay chúng ta cũng buôn gian bán dối, bán hàng độc hại, với những nông sản, thực phẩm đầy thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… để làm hại sức khoẻ con người? Giá trị cao quý của sự sống mà Chúa Giêsu đã chết và sống lại vì chúng ta, chúng ta có dám chấp nhận những thiệt thòi, thậm chí tủi nhục như Chúa để bảo vệ nó hay không?

Nhìn vào nền kinh tế VN hiện nay, chúng ta thấy đồng tiền mất giá liên tục, mỗi người chúng ta đều cảm thấy những khó khăn trong đời sống hằng ngày. Vậy chúng ta làm được gì để vực dậy nền kinh tế? Một vài số liệu cho thấy tính đến tháng 9/2013, VN có 650.000 doanh nghiệp, năm 2011 có 53.972 doanh nghiệp giải thể và ngưng hoạt động; năm 2012 có khoảng 55.000 doanh nghiệp, chín tháng đầu năm 2013 có 42.459 doanh nghiệp phải giải thể (x. theo baodautu.vn ngày 26/9/2013). Các doanh nghiệp sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại khiến chúng ta khi mua bún, mì, con tôm, con cá, cứ lo sợ không biết có chất gì nguy hiểm trong đó không. Vậy người Công giáo chúng ta có dám bắt chước những vị tiền bối để sản xuất những hàng tốt, hàng đẹp, hàng lành, hàng sạch và dán nhãn hiệu: người Công giáo chỉ bán những hàng tốt?!

Hồi xưa, cha ông chúng ta bị cấm học hành, làm việc nhưng các vị luôn truyền nghề, dạy chữ cho nhau. Vậy ngày nay chúng ta có khuyến khích con em mình, hay chính bản thân mình, phải học thật giỏi, làm việc thật tốt, với tất cả tinh thần và trách nhiệm của người con Chúa để làm chứng cho sự thật là chính Chúa Giêsu?

Lời kết

Hôm nay nhìn vào các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta hãy xin các vị cho chúng ta có một lòng can đảm để dám sống, dám chấp nhận những thiệt thòi và có thể dám chết để làm chứng cho sự thật của Chúa Giêsu. Chỉ sự thật này mới có thể cứu dân tộc ta thoát khỏi hoạ diệt vong, giúp cho dân tộc ổn định và phát triển bền vững.