Những cánh tay chìa ra vô tận
Trong khi mọi sự chú ý của giới truyền thông đều nhắm vào Tacloban, Philippines, nơi có hàng ngàn người thiệt mạng do bão Haiyan, rất nhiều vùng bị tàn phá khác đến giờ vẫn bị lãng quên. Nỗ lực cứu trợ của chính quyền Manila vẫn chưa chạm đến họ.
Tường trình từ Philippines: Những cánh tay chìa ra vô tận
Cung đường đến gần khu miền bắc của Cebu ám ảnh chúng tôi bởi hình ảnh những đứa trẻ xếp hàng dài chìa tay xin lương thực. Những cánh tay khắc khoải, ánh mắt trong veo, buồn bã, mệt mỏi vì chờ đợi.
Tuyệt vọng tìm miếng ăn
Hàng ngàn đứa trẻ vật vờ đứng bên lề đường suốt hàng chục kilômet, những cánh tay khẳng khiu giơ những tấm biển bằng gỗ vụn, mảnh tôn, giấy cactông nguệch ngoạc: “Help me” (Giúp tôi) và “We need food” (Chúng tôi cần thực phẩm). 30km dài từ Borbon tới Tabogon là cảnh những hàng người dài đứng chìa tay, phía sau là những khung nhà gỗ trơ trụi.
Có nơi cảm tưởng như cả làng cùng đứng đường chìa tay. Những thiếu phụ trẻ mang thai tay bế con, những người già tóc bạc trắng, gương mặt sạm nỗi đau cũng ra đứng chìa tay. Nơi trú thân của họ giờ chỉ còn là những đống gạch vụn, đà dầm bị vặn gãy toác, mái tôn nằm vương vãi khắp mặt đất. Đặc biệt, “nồi cơm manh áo” của người dân là các đồng chuối bạt ngàn như mới hứng trận bom. Thân cây bị bão đánh gãy ngang chảy nhựa như tứa máu khắp cánh đồng…
Đó là những hình ảnh thắt lòng chúng tôi phải chứng kiến trên đường từ thành phố Cebu về nơi tâm bão hủy diệt ở thành phố Bogo cách đó hơn 100km. Cung đường đẹp với cảnh núi non trùng điệp và biển trời giờ là khung cảnh của đói khổ buồn đau. Khách qua đường dù vững lòng đến đâu cũng khó kìm được nước mắt trước những hàng tay tưởng như vô tận đang chìa ra này. Bogo và miền bắc của Cebu là nơi bị phá hủy đến 80-90% nhà cửa bởi cơn bão Haiyan.
Mỗi khi xe chậm bánh dừng lại là hàng người dân vội vã lao đến khều khào vào cửa kính. Họ trông đợi được cho bất cứ thứ gì, từ túi gạo, gói bánh nhỏ đến chai nước khách uống dở. Người bạn dẫn đường nhắc chúng tôi khóa cửa xe lại. Một cảm giác tội lỗi nhưng cảnh tượng hỗn loạn cướp bóc ở Tacloban khiến ai cũng phải cảnh giác.
Ở một góc đường, chúng tôi lặng nhìn cảnh chiếc xe tải cứu trợ ghi dòng chữ “chính quyền Cebu” như lọt thỏm giữa cả ngàn người vây quanh, trông đợi. Nhân viên cứu trợ không giấu được nỗi buồn trên mặt. Những thứ họ đem đến quá ít ỏi so với số người đói khát đang cần. Hầu hết người dân đang tuyệt vọng tìm miếng ăn sinh tồn.
Đói khát và bệnh tật
Nhà thi đấu của thành phố Bogo, bắc Cebu vẫn là nơi dân biết đến mỗi khi mưa bão. Sân thi đấu với 10.000 chỗ ngồi với mái che vững chãi là nơi trú ẩn suốt gần 20 năm nay của thành phố nhỏ với 71.000 dân này mỗi khi bão lớn. “Đó là nơi an toàn nhất. Mái nhà xanh của chúng tôi – Carlo Fernandez Logata, viên chức phụ trách hành chính của thành phố, nói – Đó là nơi trú ẩn mỗi khi có chuyện”.
Nhưng với bão Haiyan thì nhà thi đấu Don Celestino Martinez không còn an toàn nữa. Toàn bộ mái của nhà thi đấu bị bóc sạch ngay khi bão ập vào. Các mảng kính của nhà thi đấu bị gió thổi bay. Phần sân thi đấu từng được các gia đình sử dụng để trú những ngày mưa bão giờ ngập nước. Hành lang của sân Don Celestino Martinez giờ đang được trưng dụng trở thành nhà tạm của 64 gia đình. Mỗi gia đình ngăn vách bằng vài tấm bìa cactông xếp vội.
Nhiều người dân ướt lạnh và đói khát sau bão đã đổ bệnh. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là ông cụ già nua đang ngồi bóp chân cho bà vợ bệnh nằm liệt dưới sàn. Bao gạo bà gối đầu chẳng còn hạt nào, các gói bánh và chai nước cứu trợ cũng đã hết. Ông cụ tên Samoa thều thào kể mình và vợ đã 75 tuổi rồi, nhà bị bão đánh sập, chẳng còn gì để ăn. Nỗi lo lớn nhất của ông hiện nay là người vợ chắc không qua khỏi. “Bà ấy đã bệnh cả năm rồi, bị bão lạnh lại càng bệnh nặng thêm. Giờ thì bà ấy còn không thể ngồi dậy nổi nữa!”.
Ở góc bên, nhiều đứa trẻ cũng đang lay lắt nằm một mình chờ cha mẹ đi tìm miếng ăn. Chúng tôi không kìm được nước mắt nhìn cô bé gầy gò đang nằm co ro trong cơn sốt. Kế bên là một em nhỏ cũng đang ngằn ngặt khóc trên sàn bìa cactông. Đói khát. Mấy người lớn đang ngồi quanh bé có lẽ là cha mẹ, nhưng chúng tôi không thể nhìn thấy một thứ gì có thể bỏ vào miệng được.
Thiên tai thịnh nộ làm người lớn khổ, trẻ em lại càng khổ đau hơn. Rất nhiều trẻ đang vật vạ, lay lắt trong trung tâm thể thao mà chưa về nhà được, vì làm gì còn nhà để về. Sự hiếu động, hồn nhiên của trẻ thơ đã nhường chỗ cho sự lờ đờ đói khát, bệnh tật. Một nhân viên an ninh buồn bã nói nếu tình trạng này không sớm khắc phục, chắc các em sẽ kiệt sức và có thể không qua khỏi!
“Khoảng 80% nhà cửa ở đây bị phá hủy hết – thị trưởng thành phố Bogo, ông Celestine E. Martinez Jr., nói về ảnh hưởng của bão Haiyan – Cho đến giờ chính quyền trung ương vẫn chưa đưa được hàng cứu trợ đến đây. Đồ cứu trợ ở đây là của những nhà hảo tâm” – ông vừa nói, vừa chỉ vào khu lều đang cấp phát lương thực cho dân ở giữa sân đấu.
THANH TUẤN – QUỐC VIỆT (từ Bogo)