Nhật Bản vui hay buồn?
Có một phóng viên Báo Thanh Niên lần đầu đến Nhật Bản đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đất nước này và nói rằng, nếu được đi nước ngoài, cô ấy chỉ muốn đến Nhật Bản mà thôi. Tại sao?
Có một phóng viên Báo Thanh Niên lần đầu đến Nhật Bản đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đất nước này và nói rằng, nếu được đi nước ngoài, cô ấy chỉ muốn đến Nhật Bản mà thôi. Tại sao?
Những chuyến bay đêm
Cuối tháng 10.2013, tôi có dịp lần thứ hai trở lại nước Nhật. Lần đầu vào tháng 6.2011, chỉ 3 tháng sau thảm họa động đất và sóng thần tàn phá bờ đông Nhật Bản cùng với sự cố nổ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Một không khí tang thương bao trùm khắp quần đảo Phù Tang. Vì sợ bị nhiễm phóng xạ và lo ngại những trận động đất tiếp theo, số du khách nước ngoài giảm hơn 60%, nhiều công ty lữ hành ở Việt Nam cũng đồng loạt hủy tour đến Nhật Bản. Chính vì vậy, khi đoàn nhà báo chúng tôi (theo lời mời của Công ty du lịch Vietravel) đáp chuyến bay của Vietnam Airlines sang Tokyo, chỉ có khoảng 50% số ghế có người ngồi, chuyến bay về từ Osaka cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Lúc ấy, khi máy bay bình ổn trên không trung, một số hành khách (trong đó có tôi) đã lặng lẽ xuống khoang cuối tìm những hàng ghế giữa rồi biến chúng thành… giường nằm ngủ ngon lành, chẳng thấy ai quấy rầy vì đó là những hàng ghế trống trơn.
Hơn 2 năm trước là vậy, còn hiện nay tình hình đã khác. Chúng tôi đáp chuyến bay khứ hồi của hãng Japan Airlines đã không còn một chỗ trống, kể cả khoang hạng nhất. Hỏi ra mới biết không chỉ riêng Japan Airlines, các chuyến bay của Vietnam Airlines hoặc All Nippon Airways (ANA) từ Việt Nam qua Nhật Bản và ngược lại cũng kín chỗ. Điều đó có nghĩa, Nhật Bản đối với người Việt và Việt Nam đối với người Nhật luôn có một “sức hút” về nhiều mặt.
|
Buồn nhưng là buồn… ngủ
Mỗi khi đi công tác nước ngoài về, đồng nghiệp ở Báo Thanh Niên thường hay hỏi tôi nơi đó vui hay buồn? Ra nước ngoài chắc là phải vui vì biết thêm nhiều điều mới mẻ, Nhật Bản cũng nằm trong số đó. Nói vậy chứ ở Nhật Bản cũng có chuyện buồn, nhưng không phải buồn bực, buồn vu vơ mà là… buồn ngủ. Nhật Bản đi trước Việt Nam 2 múi giờ nên đồng hồ sinh học của chúng ta biến đổi không đáng kể. Do vậy, chuyện buồn ngủ không phải do lệch múi giờ mà là bởi ngồi ô tô di chuyển trên các xa lộ. Trên xa lộ ở Nhật, xe chạy êm như ru, không ồn ào, không bị giật mình bởi tiếng còi xe chát chúa và cũng không bị “massage bất đắc dĩ” vì đường sá của họ chẳng có… ổ gà. Di chuyển bằng xe hơi ở VN, về đại thể, đố bạn ngủ được vì mặt đường đầy các loại ổ, mình mẩy ê ẩm do bị dằn xóc quá sức chịu đựng thì sao buồn ngủ được.
Để đánh giá một gia đình ăn ở có sạch sẽ, vệ sinh hay không, bạn hãy kiểm tra cái toilet của họ. Riêng về mặt này, người Nhật có thể tự hào vì đất nước họ có hệ thống nhà vệ sinh thuộc vào hàng hiện đại và sạch sẽ nhất thế giới, kể cả toilet công cộng. Ở Tokyo, đố bạn tìm thấy khách bộ hành hay tài xế vừa di chuyển vừa phì phèo thuốc lá, vì người ta chỉ dừng lại chỗ nào có gạt tàn thuốc công cộng mới hút. Người Nhật đặc biệt quan tâm đến sức khỏe con người. Đó là lý do giải thích vì sao nhiều người Nhật Bản sống thọ hơn so với phần còn lại của thế giới.
Ngoài môi trường sống sạch sẽ, trong lành, vấn đề ẩm thực cũng giúp cho tuổi thọ của người Nhật tăng cao. Những gì liên quan đến ăn uống đều được chính phủ kiểm soát chặt chẽ. Ngay cả các nhà hàng, quán ăn cũng tuân thủ nghiêm ngặt. Chủ nhà hàng không cho phép bạn mang thức ăn thừa đem về nhà, vì nếu lỡ bị trúng độc, họ sẽ bị liên lụy. Thức ăn thừa, cho dù chưa ai đụng đũa vào, cũng đều được ném hết vào thùng rác. Do vậy, cụm từ “ngộ độc thực phẩm” trở nên xa lạ trên đất Nhật. Giống như người Việt, trong bữa ăn của người Nhật cũng có rau xanh. Họ sản xuất rau như thế nào?
|
Nông dân trên 70 tuổi
Rời Tokyo náo nhiệt, chúng tôi có dịp đến tham quan một nông trại trồng rau ở tỉnh Chiba. Nông trại này rộng 15 ha, thuộc Công ty AEON Agri Create Co.,Ltd chuyên trồng bắp cải, củ cải và rau cải tươi. Ở Nhật có cả thảy 12 nông trại kiểu này với tổng diện tích 250 ha, chủ sở hữu là tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản AEON Mall. Mỗi nông trại chỉ trồng một vài loại rau phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng. Họ sản xuất theo một quy trình khép kín: trồng trọt – thu hoạch – đóng gói – bán sản phẩm và sản xuất quanh năm. Kể cả mùa đông giá lạnh, họ trồng rau trong nhà lồng có máy điều hòa nhiệt độ cho phù hợp với từng loại cây trồng. Những nhà lồng trồng rau kiểu này kín đến mức côn trùng khó mà lọt vào và do vậy, nhà nông tránh bị sâu bọ làm thất thu mùa màng, gây mầm bệnh, điều mà ở Việt Nam đã và đang là mối lo của nhà nông lẫn người tiêu dùng. Điều đáng kinh ngạc là trên cánh đồng 15 ha ấy, chỉ có 25 nông dân, đa số có tuổi đời… trên 70, trong khi máy móc can dự vào có 25% mà thôi (75% lao động bằng chân tay). Sau khi đóng gói, những sản phẩm rau tươi ấy sẽ được bày bán trong các Mall (khu phố buôn bán lớn) thuộc Tập đoàn AEON. Chỉ tính riêng bắp cải, phải cân nặng từ 1,5 kg trở lên mới được chấp nhận thu mua.
Làm nông kiểu như vậy liệu thu nhập được bao nhiêu? Câu trả lời là chỉ tính lao động trong 8 tiếng đồng hồ/ngày, thu nhập của họ quy ra tiền Việt khoảng 45 triệu đồng/tháng. Đến bao giờ nhà nông nước ta mới đạt được con số này? Cho dù thu nhập cũng không đến nỗi tệ, nhưng giới trẻ Nhật Bản phần lớn không thích làm nông dân, họ chỉ muốn “thi thố tài năng” ở các đô thị và dĩ nhiên, thu nhập sẽ cao hơn nhiều so với làm nông. Người Nhật xem điều đó là vấn nạn quốc gia vì “sự lão hóa” ngày càng trở nên trầm trọng, trong bối cảnh giới trẻ Nhật ngại lập gia đình và không muốn sinh con đẻ cái.
Trước khi ra khỏi nông trại, người ta làm vệ sinh tất cả các bánh xe tải để chắc chắn rằng chúng không làm vấy bẩn các xa lộ trong suốt hành trình. Ở các công trình cũng tuân thủ nghiêm ngặt quy định này. Trên các xa lộ ở Nhật Bản không hề có rác rưởi, bụi bặm là nhờ vậy.
Biết đến bao giờ?
Nếu có một quan chức Chính phủ Việt Nam nào đó tuyên bố nước ta sẽ bằng Nhật Bản hay Hàn Quốc thì sẽ có bạn đọc đặt ngay câu hỏi: Bao nhiêu năm mới đuổi kịp? Chắc cú sẽ không có ai trả lời đúng câu hỏi này. Vì sao? Vì nền kinh tế – xã hội của chúng ta có quá nhiều vấn đề cần mổ xẻ trong bối cảnh nhìn đâu cũng thấy “có vấn đề”, trong khi Nhật Bản hay Hàn Quốc chẳng bao giờ đứng lại để Việt Nam đuổi theo. Có nghĩa là, khi chúng ta đuổi kịp, họ cũng đồng thời tiến xa hơn, hiện đại hơn, hoàn chỉnh hơn trong cùng thời điểm. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có thể rút ngắn khoảng cách của mình với các nước văn minh trên thế giới, đó là hãy học và làm theo cách của họ đã từng làm.
Đoàn Xuân Hải