23/01/2025

Niềm tin

“Chúng ta thấy rằng ở đâu đó đã có sự khủng hoảng niềm tin trong thế hệ trẻ” – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu trước Quốc hội và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm và bất ổn xã hội.

 

Niềm tin

 

“Chúng ta thấy rằng ở đâu đó đã có sự khủng hoảng niềm tin trong thế hệ trẻ” – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu trước Quốc hội (ngày 7-11) và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm và bất ổn xã hội. Ông Quyền cho biết mình nhận ra điều này từ đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Chúng ta thấy rằng người dân VN, thế hệ trẻ VN khát khao với niềm tin, khát khao với thần tượng, khát khao với biểu tượng như thế nào. Người ta sẵn sàng xếp hàng để tôn thờ niềm tin, thần tượng, biểu tượng đó” – ông Quyền nói thêm.
Từ đầu kỳ họp Quốc hội, hai chữ “niềm tin” đã nhiều lần xuất hiện ở nghị trường, trong các phiên làm việc chính thức và cả bên hành lang. Trọn ngày 8-11, khi Quốc hội giám sát lĩnh vực bảo hiểm y tế, hai chữ “niềm tin” càng trở nên day dứt. “Những hạn chế về chuyên môn, tình trạng chậm cải thiện về y đức, thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm và cách ứng xử của một số cán bộ, nhân viên y tế tại một số bệnh viện công, đặc biệt một số vụ việc nghiêm trọng xảy ra gần đây đã làm giảm sút lòng tin của người bệnh, gia tăng bức xúc trong dư luận xã hội” – Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đánh giá.
Tin sao được và làm sao tránh khỏi khủng hoảng khi “cử tri nói rằng đi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế thì bị chích đau hơn nếu không có tiền” (Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn), “khi y đức không còn thì còn nói gì đến chữa bệnh” (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến bình luận trên Tuổi Trẻ về vụ trung tâm thẩm mỹ Cát Tường)…?
“Giảm sút lòng tin” đâu chỉ diễn ra trong lĩnh vực y tế. Một nền giáo dục với chất lượng thấp đã khiến bao nhiêu bậc phụ huynh phải ráng kiếm tiền cho con em đi nước ngoài học – tình trạng mà không ít người đã chua xót gọi là “tị nạn giáo dục”. Một nền kinh tế trồi sụt với những chính sách dễ bị thay đổi khiến nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội phải làm sao đó “để doanh nghiệp có niềm tin vào thị trường” (đại biểu Trần Du Lịch). Và còn bức xúc hơn nữa, “trước biểu hiện của lợi ích nhóm, trước tình trạng tham nhũng không được đấu tranh một cách có hiệu quả là mất niềm tin trong dân” (đại biểu Nguyễn Bắc Việt)…
Đúng như ông Bắc Việt nói, kinh tế khủng hoảng thì sẽ vượt qua được nếu niềm tin vẫn còn, nhưng nếu để mất niềm tin là mất hết! “Tôi cho rằng các thế hệ cha anh ngày nay hãy nhìn lại mình để làm những tấm gương cho thế hệ sau, đó là điều hết sức quan trọng. Phải trở thành tấm gương cho những thế hệ sau nhìn vào người ta tin và noi theo” – ông Nguyễn Đình Quyền đề nghị.
LÊ KIÊN