Hàn Quốc tăng cường sức mạnh quân sự
Hàn Quốc nỗ lực tăng cường năng lực quân sự nhằm ứng phó tình hình tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và Nhật Bản đang căng thẳng.
Hàn Quốc nỗ lực tăng cường năng lực quân sự nhằm ứng phó tình hình tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và Nhật Bản đang căng thẳng.
|
Hàn Quốc đang vướng vào các cuộc tranh chấp với cả hai “ông lớn” láng giềng, liên quan đến các nhóm đảo Dokdo/Takeshima và Ieodo/Tô Nham Tiêu. Hồi tuần trước, Seoul và Bắc Kinh cùng kịch liệt phản đối việc Tokyo tung ra 2 đoạn phim tuyên truyền về chủ quyền đối với 2 nhóm đảo Dokdo/Takeshima và Senkaku/Điếu Ngư. Đến ngày 25.10, Nhật phản đối việc Hàn Quốc tiến hành tập trận bảo vệ Dokdo/Takeshima với 5 tàu chiến, một tàu tuần tra và nhiều chiến đấu cơ F-15K thực hiện bài huấn luyện ứng phó lực lượng nước ngoài “xâm nhập phi pháp”.
Sau đó, có tin Hàn Quốc và Trung Quốc đang tính tới tăng cường hợp tác để ứng phó các động thái của Nhật. Tuy nhiên, quan hệ giữa 2 nước cũng không hẳn hoàn toàn “sóng yên biển lặng” khi tranh chấp Ieodo/Tô Nham Tiêu vẫn chưa được giải quyết và ngư dân Trung Quốc thường xuyên bị cáo buộc hoạt động trái phép trong vùng biển Hàn Quốc, dẫn đến nhiều vụ đụng độ chết người, theo Yonhap. Trong bối cảnh này, Hàn Quốc đang ra sức củng cố năng lực hải quân và không quân.
Phát triển tàu sân bay
Theo trang tin Defense News, hải quân Hàn Quốc đang nhắm đến triển khai đội tàu sân bay hạng nhẹ vào năm 2036, có thể bao gồm 3 giai đoạn.
Trước hết, nước này sẽ trang bị cho tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Dokdo một hệ thống hỗ trợ chiến đấu cơ cất/hạ cánh trên đường băng ngắn hay cất cánh theo phương thẳng đứng. Tàu này có thể được triển khai trước năm 2019 với các chiến đấu cơ cất cánh theo phương thẳng đứng mua từ Mỹ, Anh và Tây Ban Nha.
Tiếp đó, hải quân Hàn Quốc có thể đóng một tàu tấn công đổ bộ tương tự chiếc Juan Carlos của Tây Ban Nha trước năm 2019. Sau cùng, Seoul dự định sẽ đóng 2 tàu sân bay hạng nhẹ 30.000 tấn trong giai đoạn 2028 – 2036, với những tính năng tương tự tàu Cavour của Ý, vốn có thể mang 30 chiến đấu cơ. “Chúng ta cần những năng lực tối thiểu để đối phó với đe dọa tiềm tàng từ các nước láng giềng”, Defense News dẫn lời nghị sĩ Chung Hee-soo, thành viên Ủy ban Quốc phòng của quốc hội.
|
Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực hoàn thiện đội tác chiến tàu sân bay xoay quanh chiếc Liêu Ninh và dự kiến đóng thêm 3 tàu nữa, còn Nhật vừa trình làng tàu khu trục chở trực thăng Izumo được đánh giá là vượt trội hơn nhiều tàu sân bay “thứ thiệt”.
Ngoài ra, hải quân Hàn Quốc hồi giữa tháng cũng công bố ý định biên chế thêm 3 tàu khu trục lớp Sejong Đại đế với độ choán nước 7.600 tấn, mang hệ thống phòng thủ đạn đạo Aegis tối tân, vào năm 2023, đồng thời đặt mục tiêu phát triển 6 tàu khu trục thế hệ mới sau năm 2023, theo Defense News.
Về tàu ngầm, dự kiến Seoul sẽ sớm triển khai 6 tàu ngầm Type 214 với độ choán nước 1.800 tấn và 9 tàu ngầm tấn công hạng nặng 3.000 tấn KSS-III. Các tàu này sẽ được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng có thể bắn tên lửa hành trình tầm xa 1.500 km.
Cũng còn phải kể đến chương trình FFX đóng hàng chục tàu hộ tống mới với hệ thống cảm biến tối tân cùng một loạt vũ khí khác nhau để thay thế các hạm đội lớp Ulsan và Pohang hiện đã già cỗi. Các tàu hộ tống FFX với độ choán nước 2.300 – 3.000 tấn sẽ được chế tạo trong 2 giai đoạn, với tổng cộng 24 chiếc, được vận hành vào năm 2026. Các loại vũ khí trên đều có đặc tính gọn nhẹ và cơ động, phù hợp nhu cầu chiến lược và phạm vi hoạt động của hải quân Hàn Quốc.
Cuộc đua tàng hình
Ngoài tàu chiến, 3 quốc gia Đông Bắc Á cũng đang trong cuộc chạy đua nâng cao năng lực tàng hình lẫn chống tàng hình cho chiến đấu cơ và tàu chiến. Theo Yonhap, tại Triển lãm công nghệ quốc phòng và hải quân quốc tế ở Seoul hồi tuần trước, Giám đốc Trung tâm công nghệ tàng hình thuộc Đại học Hàng hải và đại dương Hàn Quốc giới thiệu một loại sơn có khả năng hấp thụ sóng radar, bền và rẻ hơn so với những tấm hấp thụ tín hiệu radar được làm bằng hợp kim.
“Loại sơn tàng hình này có thể hấp thụ 99% tín hiệu khiến hệ thống radar không thể phát hiện tàu chiến hoặc chiến đấu cơ, qua đó tăng cường khả năng sống sót trước các cuộc tấn công bằng tên lửa”, ông Kim nhấn mạnh. Theo giới chức trung tâm, loại sơn này sẽ được ứng dụng trước hết cho các khí tài của lực lượng hải quân Hàn Quốc.
Trong khi đó, cũng theo Yonhap, Trung Quốc đang thử nghiệm các chiến đấu cơ tàng hình J-20 và J-31 cũng như công nghệ radar phát hiện tín hiệu từ chiến đấu cơ tàng hình của đối phương. Nhật cũng không chậm chân với kế hoạch phát triển radar phát hiện và theo dõi chiến đấu cơ tàng hình, đồng thời đặt mua 40 chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35 của Mỹ, nước đang đứng đầu thế giới về công nghệ này.
Trùng Quang