23/01/2025

Ông dế mèn

Một cách vô tình hoặc hữu ý, hình ảnh của nhân vật Dế mèn (trong Dế mèn phiêu lưu ký) giống như hiện thân của tác giả – nhà văn Tô Hoài: nhiệt huyết, lý tưởng và khát khao.

 

Ông dế mèn

Một cách vô tình hoặc hữu ý, hình ảnh của nhân vật Dế mèn (trong Dế mèn phiêu lưu ký) giống như hiện thân của tác giả - nhà văn Tô Hoài: nhiệt huyết, lý tưởng và khát khao.

Ông dế mèn

Nhà văn Tô Hoài và vợ – Ảnh: Nguyễn Đình Toán 

Ông dế mèn1

Bìa sách Dế mèn phiêu lưu ký

“Biết ước mơ và hành động, Dế mèn của tôi chắc chắn là bạn chung thủy với thế hệ tuổi thơ của bạn”, Tô Hoài đã không quá lời khi tự nhìn nhận về sức sống của nhân vật Dế mèn. Cuộc hành trình của Dế mèn phiêu lưu ký không chỉ dừng lại ở thời trai trẻ của Tô Hoài mà tới nay đã kéo dài hơn nửa thế kỷ…

Viết như sống

 

 
 

Mỗi chữ phải là một hạt ngọc buông xuống những trang bản thảo, hạt ngọc mới nhất của mình tìm được, do phong cách văn  chương của mình mà có…

 
 
 

 

Tô Hoài viết Dế mèn phiêu lưu ký khi mới hơn hai mươi tuổi. Nhà văn đặt vào nhân vật Dế mèn những tâm tư và khát khao của một chàng trai trẻ là ông lúc đó: “Tôi buồn lắm, buồn tưởng chết được. Phần thì ăn năn tội lỗi. Phần thì ngao ngán đời mình. Cuộc đời đã nửa thời xuân mà chưa làm nổi điều gì có ích. Chỉ những nay lầm mai lỗi… Còn chi buồn bằng, tuổi thì trẻ, gân thì cứng, máu thì cuồn cuộn với trái tim và tấm lòng thiết tha mà đành sống theo khuôn khổ bằng phẳng: ngày hí húi bới đất làm tổ, đêm đi ăn uống và tụ tập chúng bạn nhảy múa dông dài. Tôi không muốn, cho đến lúc nhắm mắt vẫn phải ân hận chẳng biết đằng cuối cánh đồng mênh mông kia còn những gì lạ và cuộc đời ở đấy ra sao”. Dế mèn ước mơ được thoát khỏi cuộc sống đơn điệu, vô nghĩa, được khám phá thế giới rộng lớn, nhưng hơn hết là hướng đến cuộc sống mà ở đó con người yêu thương, hòa thuận, không có xung đột, chiến tranh. Cậu đi khắp mọi nơi kêu gọi mọi người cùng xây dựng một thế giới đại đồng “muôn loài cùng nhau kết làm anh em”. Nhìn một cách sâu xa,  Dế mèn phiêu lưu ký không chỉ là câu chuyện của loài vật mà còn là câu chuyện của loài người, về lý tưởng của những con người trẻ tuổi trong xã hội Việt Nam đương thời. Bởi ngay trong thời điểm tác phẩm ra đời, Tô Hoài và nhiều thanh niên yêu nước cũng đang khát khao thoát khỏi cuộc sống thực tại, tìm con đường đi mới cho đất nước mình.

Dế mèn phiêu lưu ký không phải là tác phẩm đầu tiên đưa Tô Hoài đến với nghề văn. Ông từng làm nhiều nghề như bán giày, dạy học, rồi trong một lần đi phủ hộ đê, ông viết truyện Nước lên, được đăng trên Hà Nội tân văn. Nghiệp văn chương đến với ông một cách giản dị. Tuy vậy cái tên Tô Hoài chỉ thực sự gây chú ý cho đến khi Dế mèn phiêu lưu ký ra mắt vào năm 1941. Tài năng cũng như phong cách văn chương của Tô Hoài đã bộc lộ rõ ràng. Ông quan sát thế giới thiên nhiên, loài vật và đời sống con người bằng đôi mắt tỉ mỉ và tinh tế. Ông tích lũy và nhặt nhạnh từ chính cuộc sống xung quanh. Tô Hoài từng nói: “Những sáng tác của tôi đều miêu tả tâm trạng tôi, gia đình tôi, làng tôi, mọi cái của mình quanh mình”. Bởi vậy, đọc văn Tô Hoài thấy giản dị, gần gũi, nhưng luôn sống động và trong đó ngồn ngộn cả kho tri thức cuộc sống.

Đi để viết

 

 
 

Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại quê nội Thanh Oai, Hà Đông (Hà Nội), lớn lên tại quê ngoại thị trấn Nghĩa Đô, Từ Liêm (Hà Nội). Ngoài Tô Hoài, ông còn lấy nhiều bút danh khác như: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa, Phạm Hòa. Nhà văn Tô Hoài từng là phóng viên, chủ nhiệm Báo Cứu quốc Việt Bắc, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội…

 

Ông đã xuất bản khoảng 160 tác phẩm phong phú về thể loại.  Các giải thưởng tiêu biểu của ông: Giải nhất tiểu thuyết với tác phẩm Truyện Tây Bắc của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1956, giải A với tiểu thuyết Quê nhà giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội 1970, giải thưởng của Hội Nhà văn Á – Phi 1970 với tiểu thuyết Miền Tây, giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2010. Ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật đợt 1 năm 1996.

 

 

Tô Hoài đã viết Chuyện cũ Hà Nội và tâm sự rằng: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mọi chuyện chính yếu của đời tôi đều xảy ra nơi này và tôi viết bằng hồi ức về Hà Nội xưa cũ. Chuyện cũ Hà Nội tôi viết từ năm lên mười tới lúc già”. Dù với Tô Hoài tác phẩm chỉ là tập hồi ký, nhưng với độc giả những câu chuyện trong đó giống như những trang sử của Hà Nội được ghi chép với con mắt của một nhà văn một cách cẩn thận. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc khi đọc cuốn Chuyện cũ Hà Nội đã nhìn nhận: “Nhà văn ngoài tài văn chương phải có vốn liếng kiến thức về cuộc đời, có năng lực quan sát và kỹ thuật phân tích, để trên cơ sở đó trình bày được những điều cần nói từ những sự vật, sự việc, con người. Tô Hoài đã làm được như vậy”. Mọi người vẫn nghĩ Tô Hoài gắn bó với Hà Nội nhiều nhất, nhưng trong lòng ông còn dành nhiều nhớ thương cho mảnh đất khác. Năm 1952, Tô Hoài tham dự chiến dịch giải phóng Tây Bắc. Từ đây ông gắn bó với con người và mảnh đất này. Tô Hoài từng tâm sự: “Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi”. Tây Bắc và rộng hơn là vùng cao đã trở thành mảng đề tài sáng tác lớn và được ông đeo đuổi bền bỉ, trong đó nổi bật có tác phẩm Truyện Tây Bắc (1956). Dù vậy, với Tô Hoài Truyện Tây Bắc vẫn là chưa đủ với tình yêu của ông dành cho mảnh đất này: “Truyện chưa bộc lộ hết nhiệt tình của tôi đối với phần đất nước thân yêu ấy, nó vẫn thua những thiết tha của lòng tôi mà lúc này tôi còn thèm được thể hiện lại hoàn hảo hơn”.

Từ Hà Nội tới Tây Bắc, nhân sinh quan của nhà văn đã thay đổi, ông thoát khỏi những hình tượng nhân vật, câu chuyện quẩn quanh để tìm đến những chiều sâu tư tưởng mới. Đi và viết đã gắn liền với cuộc đời Tô Hoài. Ông nhặt nhạnh nhiều điều mới từ mỗi chuyến đi, bởi vậy tưởng như ông chưa bao giờ “cạn nguồn” viết. Giới văn nể phục sức viết dẻo dai và phong phú của Tô Hoài, từ truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, tiểu thuyết, ghi chép, đến hồi ký… Tô Hoài nhận mình viết khỏe nhưng lại thật thà: “Tôi vào nghề văn có trong ngoài ba năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945 mà tôi viết như chạy thi được năm truyện dài, truyện vừa, ba tập truyện ngắn, còn truyện thiếu nhi như Dế mèn thì mấy chục truyện, cái in, cái chưa in, vương vãi lung tung tôi không nhớ hết. Cũng chẳng có gì lạ. Viết để kiếm miếng sống lúc ấy tất phải cuốc khỏe như vậy đấy”. Nói là vậy nhưng Tô Hoài không phải là người coi nghiệp viết là dễ dãi, ngược lại ông rất trau chuốt: “Mỗi chữ phải là một hạt ngọc buông xuống những trang bản thảo, hạt ngọc mới nhất của mình tìm được, do phong cách văn chương của mình mà có…”.

Cái bền bỉ, dẻo dai đeo đuổi nghiệp viết của Tô Hoài mấy người có được, và để lại một Dế mèn như thế có lẽ chỉ có mình ông. 

Ngọc An