Mỹ – Việt ký thỏa thuận về hợp tác hạt nhân
Thỏa thuận về hợp tác hạt nhân dân sự giữa Việt Nam và Mỹ được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ký tắt sáng qua, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hai bên.
Mỹ – Việt ký thỏa thuận về hợp tác hạt nhân
Theo thỏa thuận này (thỏa thuận 123), Việt Nam có thể mua công nghệ và nhiên liệu từ Mỹ cho việc phát triển hạt nhân vì hòa bình. Thỏa thuận đồng thời mở khả năng cho các tập đoàn Mỹ có thể nhảy vào đầu tư trong lĩnh vực còn non trẻ tại Việt Nam.
Theo TTXVN, tại cuộc gặp sau đó với ông John Kerry, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc ông cùng Bộ trưởng Phạm Bình Minh ký tắt thỏa thuận. Theo Thủ tướng, đây là bước đi quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý cho Việt Nam tiếp cận công nghệ cao của Mỹ về năng lượng hạt nhân, thúc đẩy hợp tác giữa hai bên về năng lượng hạt nhân dân sự. Thủ tướng đồng thời hoan nghênh các kết quả đạt được trong đàm phán Hiệp định TPP, trong đó có việc tái khẳng định quyết tâm kết thúc đàm phán trong năm 2013.
Cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ
Ngoại trưởng Kerry thì nhấn mạnh: “Thỏa thuận sẽ tạo ra vô số cơ hội cho doanh nghiệp hai nước. Và rõ ràng hợp tác năng lượng giữa hai nước chúng ta là quan trọng”. Ông Kerry đánh giá thị trường năng lượng hạt nhân của Việt Nam là thị trường hạt nhân lớn thứ hai ở Đông Á (sau Trung Quốc) và có thể đạt quy mô tới 50 tỉ USD vào năm 2030. Ngoại trưởng Kerry cũng nói với Thủ tướng là ông có kế hoạch tới thăm Việt Nam trong vài tháng tới.
Thỏa thuận một lần nữa khẳng định bước phát triển quan hệ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi tháng 7. Tăng cường quan hệ an ninh, kinh tế với Việt Nam được coi là một phần trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ về châu Á.
Theo Reuters, thỏa thuận mới sẽ được đệ trình lên Tổng thống Barack Obama xem xét. Sau khi được tổng thống thông qua, Quốc hội Mỹ sẽ có 90 ngày để xem xét hiệp định. Nếu không có phản đối nào, hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực sau đó. Hiện Việt Nam đang hợp tác cùng Nga để bắt đầu xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên vào năm 2014 với kế hoạch hoàn thành vào năm 2020. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận với Nhật về xây dựng nhà máy hạt nhân số hai với dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2024-2025.
Đẩy nhanh RCEP, Ấn Độ tăng cường hợp tác an ninh
Cùng ngày, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật trọng tâm “Tạo dựng và thúc đẩy một cấu trúc khu vực vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng” ở Đông Á. Đánh giá khu vực đang đứng trước những vận hội mới nhưng vẫn còn không ít thách thức phức tạp, Thủ tướng nhấn mạnh EAS cần phát huy vai trò chủ động và quyết định của mình về mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử và thúc đẩy xây dựng lòng tin chiến lược. Về biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và xây dựng lòng tin ở biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, đề nghị ASEAN và Trung Quốc nỗ lực thương lượng để sớm đạt COC. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo Việt Nam sẽ sớm tham gia “Sáng kiến an ninh không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt – PSI”.
Cũng tại EAS, các nhà lãnh đạo đồng ý việc đẩy nhanh đàm phán để có thể đạt được Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2015. Một diễn biến đáng chú ý trong ngày là việc Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh khẳng định mong muốn tham gia hơn nữa vào vấn đề an ninh của ASEAN trong khuôn khổ chính sách hướng Đông của New Delhi. Trong thời gian gần đây, New Delhi đã nhiều lần tuyên bố các vấn đề biển Đông nằm trong mối quan tâm của họ. Ông Singh cho biết Ấn Độ sẽ lập phái đoàn bên cạnh ASEAN với đại sứ thường trực trong năm nay. Ông cũng nêu mục tiêu thúc đẩy thương mại ASEAN – Ấn Độ từ 76 tỉ USD năm ngoái lên 100 tỉ USD vào năm 2015 và 200 tỉ USD vào năm 2020.
THANH TUẤN
Mỹ có niềm tin chiến lược dài hạn với Việt Nam Trả lời Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc đánh giá việc hai nước ký kết thỏa thuận hợp tác hạt nhân là “vô cùng quan trọng vì nó mở đường cho Mỹ tham gia vào phát triển ngành công nghiệp hạt nhân của Việt Nam. Thỏa thuận này đánh dấu việc Mỹ có niềm tin chiến lược về dài hạn với Việt Nam. Nó là bước tiếp nối của thỏa thuận đa phương vài năm trước giữa Việt Nam, Mỹ, Nga và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) mà theo đó Việt Nam có thể trao đổi các uranium làm giàu cao để đổi các thanh uranium làm giàu thấp… Nói tóm lại, thỏa thuận xóa mọi cản trở về mặt luật pháp Mỹ để cho phép Mỹ hợp tác với Việt Nam phát triển cơ sở năng lượng hạt nhân trong nước. Cũng cần nhớ rằng Mỹ chính là nước phát triển lò hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam tại Đà Lạt dưới thời tổng thống Eisenhower và nói cách khác, mối quan hệ đã trở lại một vòng [sau ký kết này]” |