23/01/2025

Thầy thuốc giả

Việc “bác sĩ” Hồ Quang Hải, từ một dược tá bình thường bỗng dưng có bằng bác sĩ, rồi nhảy tót lên làm cán bộ giảng dạy của một trường “đại học quốc tế” ở TP.HCM không phải là chuyện quá sức tưởng tượng của nhiều người. Ở thời buổi mà người ta có thể mua bất cứ một loại bằng cấp nào thì tấm bằng bác sĩ kia chỉ là chuyện vặt.

 

Thầy thuốc giả

Việc “bác sĩ” Hồ Quang Hải, từ một dược tá bình thường bỗng dưng có bằng bác sĩ, rồi nhảy tót lên làm cán bộ giảng dạy của một trường “đại học quốc tế” ở TP.HCM không phải là chuyện quá sức tưởng tượng của nhiều người. Ở thời buổi mà người ta có thể mua bất cứ một loại bằng cấp nào thì tấm bằng bác sĩ kia chỉ là chuyện vặt.

Nhưng tấm bằng ấy trở nên lớn chuyện khi chính cái anh bác sĩ giả kia lại tham gia đào tạo đội ngũ “thầy thuốc thiệt” ở một cơ sở đại học mang tên “quốc tế”. Mặc dù đứng lớp chỉ hơn một năm thì bị nhà trường phát hiện và chấm dứt hợp đồng lao động nhưng “bác sĩ” Hải đã kịp để lại dấu ấn lừa đảo của mình bằng việc thu học phí của sinh viên mà không có biên lai cùng bao việc lèm nhèm khác. Không dừng lại ở đó, sau khi buộc phải rời trường đại học, vị “bác sĩ” giả này đã “nhân bản” hàng loạt “thầy thuốc” giả khác, từ y sĩ, dược sĩ cho đến bác sĩ. Núp bóng một danh vị nào đó để trục lợi đã là điều tệ hại, ở đây, hàng loạt người đã đội lốt thầy thuốc bằng tấm bằng giả để chữa bệnh cho con người thì đó không những tệ hại mà còn quá nguy hiểm nữa. Làm bằng giả để bán cho số “thầy thuốc” dỏm ấy đã là tội lớn, song những người cố tình đi mua các loại bằng y sĩ, bác sĩ để “làm ăn”, tội ấy chẳng thua kém gì kẻ bán bằng.

Vụ việc đã vỡ lở, cũng chưa nghe có một bệnh nhân nào chết oan từ các vị y – bác sĩ dỏm kia, song qua đó cho thấy công tác tổ chức, đặc biệt là khâu tuyển dụng cán bộ hiện nay là vô cùng lỏng lẻo. Chính sự lỏng lẻo ấy đã tạo kẽ hở cho các loại bằng giả len vào, kể cả bằng bác sĩ, một loại bằng cấp có tính đặc thù vì nó quyết định đến sinh mạng của con người.

Điều đáng buồn hiện nay là, thầy thuốc giả không chỉ tồn tại trong những kẻ giả danh như “bác sĩ” Hải nói trên mà nó còn có mặt ngay trong những vị bác sĩ được đào tạo bài bản ở các trường đại học danh tiếng nữa. Vụ “nhân bản xét nghiệm” mới đây tại Hà Nội là một ví dụ. Còn việc đau ở chân mà mổ đằng bụng hoặc cắt thận lành để lại thận hư hay “vặt trụi” bàng quang của bệnh nhân là chuyện chẳng lạ gì ở nhiều cơ sở y tế hiện nay. Tất cả những vị bác sĩ gây ra những điều trái khoáy ấy không phải là những “thầy thuốc giả”, song tại sao họ để lại những điều không tốt cho ngành y? Điều này chỉ có thể lý giải một khi ngành y tế được giải phẫu triệt để mới mong tìm ra căn nguyên. Vì rằng, không thể chấp nhận một nghịch lý đã tồn tại lâu nay: điểm đầu vào của trường y luôn cao nhất trong các trường đại học nhưng vẫn có những “thầy thuốc giả” dù họ tốt nghiệp với tấm bằng… xuất sắc! Và vẫn có những trường đại học đi tuyển nhầm người như tuyển “bác sĩ” Hải nói trên.

Trần Đăng