Mơ một mái nhà
Một cô bé từ nhỏ tới lớn sống trong căn gác nhỏ xíu che tạm bên trên hai ngôi mộ, một cậu bé hằng ngày ăn, ngủ cạnh nhà vệ sinh công cộng tại công viên. Gia đình nghèo đến mức tưởng phải bỏ học, vậy mà hai bé vẫn ham học và học giỏi.
Mơ một mái nhà
Em Kim Điệp phụ bán hàng nước trước cổng Trường THCS Quang Trung (Q.4, TP.HCM) ngay sau giờ tan học – Ảnh: Mai Hương |
Nhón chân rón rén leo từng bậc thang cũ, lên tới bậu cửa em Lê Thị Kim Điệp (học sinh lớp 6A4 Trường THCS Quang Trung, quận 4, TP.HCM) phải quỳ gối mới chui được vô “nhà”. Vô trong, Điệp tiếp tục cúi lom khom rồi ngồi thụp xuống vì trần thấp quá. “Từ năm học lớp 2 là em hết đứng thẳng lưng trong nhà này được rồi”- cô bé nói. Căn gác xập xệ vá víu bằng cây tạp, tôn cũ, mút xốp có bề ngang lọt lòng chưa đầy 1,5m, bề dài chừng hơn 4m ấy là chỗ ăn ở, ngủ nghỉ, học hành của một gia đình gồm hai vợ chồng với ba đứa con.
Người chết nằm dưới, người sống nằm trên
“Hồi nhỏ, em sợ nhất là lúc đi ngủ. Sàn, vách đều có khe hở, nằm bên nào cũng nhìn thấy hai cái mả ở dưới. Em nghĩ ra một cách là lấy bịch nilông nhét vô khe. Bây giờ lớn hết sợ rồi. Trời nắng thì không sao, trời mưa nhà bị dột ướt tùm lum chỗ, nửa đêm cả nhà phải dậy, nằm gom hết về một phía”- Điệp kể.
Nhà có ba anh em thì buổi tối anh hai của Điệp phải qua ngủ nhờ nhà bà nội. Chen chúc trên gác là ba, mẹ, Điệp và em gái út. Căn gác không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc tivi với nồi cơm điện cũ. Một ngày của Điệp bắt đầu lúc 5g30 sáng bằng việc cùng mẹ dọn hàng nước. Mẹ em phụ bán cho một xe nước giải khát trước cổng Trường THCS Quang Trung. 6g30 dọn hàng xong, Điệp chạy về nhà thay đồ đi học. Gần tới giờ tan học là Điệp phải thu dọn tập sách thật nhanh, hễ trống tan trường vừa đánh là em đã có mặt ở xe nước để kịp bán cho học sinh giờ tan trường. Tất bật tới khoảng 11g30, cô bé đi bộ về nhà ăn vội chén cơm rồi trở ra xe nước bán tiếp cho học trò chuẩn bị vào học ca chiều. Tính thêm năm nay nữa là cô bé đã có bốn năm bán hàng cùng mẹ. Những lúc có Điệp ra phụ, chị Hà – mẹ em – mới tranh thủ đi lòng vòng lượm bọc nilông, giấy vụn, vỏ lon nước ngọt, chai nước suối để dành bán ve chai.
Một ngày cần cù nhặt nhạnh, cộng thêm tiền công phụ bán, hai mẹ con chị Hà kiếm được khoảng 100.000 đồng. Chồng chị – anh Lê Vũ Hòa – làm nghề chạy xe ôm.
Bận rộn cả ngày, chỉ buổi tối Điệp mới có thì giờ học bài. Bàn học là cái thùng loa cũ đặt nằm ngang, bên trên lủ khủ chai lọ, đồ dùng khiến diện tích mặt thùng chỉ còn trống được một khoảnh đặt chưa được hai cuốn tập học sinh. Chiếc đèn neon dài 1,2m không đủ sáng khiến cô bé phải làm bài tập dưới ánh sáng lờ mờ. Cực vậy mà Điệp học rất giỏi, chưa chịu bỏ học ngày nào. Năm học cuối cấp I, em đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Anh Hòa cho biết: “Những lúc trời mưa gió như vầy, tôi chỉ mong có điều kiện mua ít tấm tôn, ít cây gỗ sửa lại cái gác cho chắc chắn, hết dột, cho tụi nhỏ được ngủ thẳng một giấc tới sáng”.
Em Nguyễn Minh Hoàng học bài trước nhà vệ sinh tại công viên – Ảnh: Mai Hương |
Sống ở nhà vệ sinh
Ghé nhà vệ sinh số 17 nằm trong công viên 23-9, nhiều người bắt gặp hình ảnh một cậu bé chừng 10 tuổi đeo kính cận, thường mang chiếc ghế nhựa ra ngồi cạnh hai buồng vệ sinh để vừa học bài vừa trông chừng khách ra vào. Đó là em Nguyễn Minh Hoàng, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Hàm Tử. Mẹ em – chị Nguyễn Thị Thanh Sang – là nhân viên Xí nghiệp dịch vụ công cộng thuộc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, phụ trách trông giữ nhà vệ sinh. Do hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở, gia đình chị xin vào tá túc luôn tại nhà vệ sinh số 17.
Buổi tối, chỉ có Hoàng và bà ngoại được ưu tiên ngủ trong kiốt bán nước liền kề hai buồng vệ sinh, rộng chưa đầy 2m2. Còn vợ chồng chị Sang phải căng riđô ngủ ở khoảng hành lang trước kiốt. Ngoài giờ học, Hoàng quanh quẩn phụ mẹ và bà bán trà đá, nước ngọt, kẹo cao su cho khách. Chị Sang kể: “Nó là con trai mà giỏi và thương tui lắm. Buổi trưa, nó hay thủ thỉ kêu mẹ mệt rồi, mẹ ngủ trưa chút đi, để con coi chừng khách cho. Mỗi lượt khách ra vô, nó còn phụ tui lau rửa, dọn dẹp, giội nước buồng vệ sinh. Là con trai nhưng mấy chuyện lau nhà, nấu cơm, giặt đồ nó đều biết làm hết. Tội nghiệp, thằng nhỏ biết gia cảnh nên không bao giờ đi chơi”.
Suốt từ lớp 1 cho tới lớp 3, Hoàng đạt danh hiệu học sinh giỏi, lớp 4 em chỉ được học sinh tiên tiến do có một thời gian, vì hoàn cảnh khó khăn, chị Sang phải gửi Hoàng về quê ở với bà ngoại. Trò chuyện với Hoàng, hỏi em thích điều gì nhất, em chỉ nói duy nhất một câu: “Thích được đi học” rồi cắm cúi làm tiếp bài tập trong không gian chưa bao giờ hết mùi hôi nồng của nhà vệ sinh. Chị Sang giải thích: “Bé Hoàng rất sợ phải nghỉ học. Vợ chồng tui chỉ mong có sức lo cho con học tới nơi tới chốn nhưng không biết có được không. Lúc nào tui cũng mơ có một mái nhà nhỏ, làm chỗ chui ra chui vào, mưa khỏi sợ bị tạt ướt, gió lùa khỏi sợ lạnh, đêm ngủ không phải thức giấc vì khách tới kêu cửa đi vệ sinh. Nhưng mơ ước đó xem chừng còn xa lắm…”.
MAI HƯƠNG