Tôi học đại học – Tìm cách tự lo cho mình
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành biểu tượng của ý chí mãnh liệt vượt lên chính mình, trở thành tấm gương sáng ngời về nghị lực.
|
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành biểu tượng của ý chí mãnh liệt vượt lên chính mình, trở thành tấm gương sáng ngời về nghị lực.
|
Ông đã chứng minh cho mọi người thấy một người tật nguyền vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội. Hơn 43 năm qua, ông đã bất chấp bệnh tật cùng biết bao gian khổ để hoàn thành xuất sắc cuốn tự truyện Tôi học đại học. Công ty First News – Trí Việt và Nhà xuất bản Trẻ vừa cho ra mắt cuốn tự truyện này.
Cuốn sách có thể truyền cảm hứng, giúp bạn trẻ vươn lên trong học tập và làm việc dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.Thanh Niên xin giới thiệu một số trích đoạn trong cuốn tự truyện trên.
Ngày 4.12.1966
…Từ ngày lên khu tập thể, có Bảo Hưng cùng phòng hỗ trợ mọi việc, mình vui đấy nhưng vẫn buồn đấy. Bạn vẫn tự giác vui vẻ giúp mình trong mọi sinh hoạt. Bữa bữa bạn đi nhận khẩu phần ăn về, lấy cơm đặt lên bàn cho mình. Ăn xong, bạn lại thu dọn chén bát mang ra suối rửa.
Sáng sáng, bạn lên giếng trong hẻm núi đánh răng, rửa mặt. Và bao giờ cũng không quên bê về cho mình một chậu nước đặt chỗ đất phía đầu giường. Mình dậy là có nước dùng luôn.
Nhưng khổ nỗi, có hôm mình dậy sớm, rất muốn đánh răng rửa mặt ngay cho thoải mái để bắt đầu ngày học mới. Song nước đâu đã có, thế là buộc phải chờ cho đến khi Hưng tỉnh dậy.
Con đường dẫn lên giếng xa đến vài ba trăm mét. Thực chất chỉ là một lối mòn nhỏ gập ghềnh sỏi đá, len lỏi giữa bốn bề rừng sim, đi lại khá khó khăn. Đã vậy, lại có hôm buổi sáng trời quá lạnh, bê được chậu nước về gần nhà thì tay chân lóng ngóng thế nào, Hưng bị vấp té, thế là chậu nước tung tóe, ướt cả áo quần. Hưng đành quay lại múc chậu nước mới. Nghe Hưng kể, nhìn áo quần Hưng lướt sướt nước, người run cầm cập, mình chạnh lòng thương bạn quá! Lẽ nào vì mình mà bạn phải vất vả, tội nghiệp vậy mãi sao? Không, dứt khoát không thể được! Có lẽ mình phải tìm ra cách tự lo cho mình thôi. (…)
Ngày 8.12.1966
Sáng nay, mình chủ động dậy sớm hơn mọi ngày. Trời còn tối đất, cả khu tập thể vẫn im ắng trong giấc ngủ vùi. Mình dùng miệng cắn chiếc khăn mặt, lặng lẽ vượt qua khoảng sân, ra con suối nhỏ quãng trước lớp học nơi có tấm gỗ bắc qua làm cầu, giặt khăn, cầm đưa lên miệng cắn và đi mấy bước vào lớp, dùng bàn làm điểm tựa, tự rửa mặt, đánh răng. Nước suối chắc không sạch bằng giếng. Song vẫn trong lắm, vẫn dùng tốt mà!
|
Công việc này khó nhất là thao tác sau khi giặt khăn xong, phải dùng một chân đứng làm trụ, chân kia cặp khăn tựa vào gối chân đứng trụ rồi cúi gập người xuống dùng miệng cắn lấy khăn. Lúc đầu loạng choạng mãi, suýt ngã mấy lần. Cuối cùng vẫn thực hiện được, tuy hơi đau lưng, đau cổ một tí. Nhưng không sao!
Xong xuôi, mình trở về phòng tháo màn, gấp chăn. Mọi ngày, việc này mình cũng đều nhờ Hưng. Song sáng nay, thấy Hưng vẫn còn ngon giấc mình liền quyết định tự làm luôn. Lâu nay mình đã thiết kế bốn chiếc móc gắn vào bốn vị trí cần thiết. Việc mắc và tháo màn như vậy rất tiện. Với Hưng thì quá dễ rồi. Nhưng với mình cũng kho khó đấy! Góc nào thấp, mình đứng một chân trên góc giường, còn chân kia giơ lên gỡ ra. Nếu chân trụ không chuẩn trọng tâm rất dễ bị ngã xuống đất. Rất nguy hiểm. Góc nào cao mình đứng dưới đất dùng miệng tháo. Khi gấp cứ việc nằm ngửa dùng hai chân túm lấy bốn góc màn, giơ cao lên gấp bình thường. Xong chiều dọc, đặt ra giường gấp tiếp chiều ngang.
Còn việc gấp chăn cũng không đến nỗi gì. Trải chăn phẳng ra giường. Mình đứng dưới đất dùng chân lật chăn gấp đôi lần một. Chỉnh đốn các góc sao cho bằng bặn, vuông vức, tiếp tục lật chăn gấp đôi lần hai. Cứ vậy, sau 4 lần, chiếc chăn đã được gấp hoàn thiện khá chỉn chu vừa ý.
Lúc này trời mới tờ mờ sáng, lại đang giữa đông, sự vắng lặng vẫn còn hiện hữu. Mình lại lặng lẽ “bí mật” tranh thủ thực hiện nốt phần việc không thể không làm ngay. Việc này với người bình thường chẳng có gì để nói. Đó là việc “giải quyết đầu ra” cho cơ thể. Song với mình, khi đôi tay đã không thể hỗ trợ, việc thực hiện nó không đơn giản chút nào. Việc này khi phải nhờ đến bạn bè thì thật phiền phức và ngại ngần vô cùng. Lâu nay mình đã nghĩ ra cách dùng quần dây thun thay cho quần tây cài cúc. Khi cần, mình dùng chân kéo xuống. Song lúc kéo lên là một bài toán khá hóc búa. Nếu gặp thời điểm trời nóng bức, mồ hôi rị ra, quần dính vào da, việc kéo lên càng nan giải (…). Mình lại mắc chứng táo bón. Thành ra lần nào nhanh cũng phải “ngồi canh” ít nhất nửa giờ, có khi tới cả giờ. Không thể lãng phí thời gian như thế được!
Sáng sớm nay cũng như bao sáng khác, mình lại mặc quần cộc, lặng lẽ khẩn trương rảo bước lên “biệt thự rừng sim” tọa lạc ở lưng đồi cao giữa bốn bề sim mua bao bọc để “ngắm” bình minh núi. Để biến cái vô ích thành hữu ích, trước khi rời nhà, mình không quên lấy một tờ giấy nháp viết sẵn các từ khóa Nga văn cần học, ngậm vào miệng mang theo. Đến nơi, mình gài tờ giấy vào chiếc phên nứa che trước cửa đối diện chỗ ngồi. Cứ thế vừa lẩm nhẩm học từng chữ vừa đợi “đầu ra”.
Khi việc ấy vừa xong cũng là lúc các từ khóa đã nằm trọn trong bộ nhớ. Mình liền dùng tờ nháp đó vo lại để dùng luôn vào việc vệ sinh tại “địa chỉ đầu ra” một cách nhanh gọn. Vậy là nhất cử lưỡng tiện. Làm một việc mà được cả 3 việc. Vui quá!
Khi Hưng thức dậy thì mọi chuyện mình đã thực hiện hoàn tất, đang ngồi bên cửa sổ đọc sách. Hưng ngạc nhiên, có ý muốn thăm dò mình đã tự làm những việc đó thế nào. Song mình chỉ cười, dứt khoát không “tiết lộ”. Thực ra đây cũng là tâm trạng chung của người khuyết tật. Họ không muốn ai nhìn họ làm những việc “không giống ai” bằng con mắt tò mò, thương hại. Đó là danh dự, là lòng tự trọng mà mình cũng như đa phần người khuyết tật luôn nhạy cảm, ý tứ giữ gìn.
Nguyễn Ngọc Ký