23/01/2025

Uỷ thác đầu tư, coi chừng mất vốn

Nhiều công ty đầu tư đang giới thiệu gói ‘uỷ thác đầu tư’ với mức lãi suất hấp dẫn đến khách hàng. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, các nhà đầu tư cá nhân rất dễ bị mất trắng số tiền đã bỏ ra.

 

Uỷ thác đầu tư, coi chừng mất vốn

Nhiều công ty đầu tư đang giới thiệu gói ‘uỷ thác đầu tư‘ với mức lãi suất hấp dẫn đến khách hàng. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, các nhà đầu tư cá nhân rất dễ bị mất trắng số tiền đã bỏ ra.

Cân nhắc trước khi ký hợp đồng ủy thác đầu tư  
Cân nhắc trước khi ký hợp đồng ủy thác đầu tư – Ảnh: D.Đ.M

‘Mồi câu’ lãi suất khủng

Lãi suất (LS) tiền gửi tiết kiệm ở các ngân hàng hiện nay chỉ còn 6,5 – 7%/năm cho kỳ hạn ngắn và 8%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên nên nhiều nhà đầu tư (NĐT) muốn tìm kiếm kênh đầu tư khác có lợi nhuận cao hơn. Đánh vào tâm lý này, một số công ty đầu tư đưa ra mức LS khá hấp dẫn cho dịch vụ “ủy thác đầu tư”, với LS trên 20%/năm, thậm chí có nơi còn chào LS 2,5 – 3%/tháng (tương đương từ 30 – 36%/năm). Kỳ hạn cho hợp đồng ủy thác đầu tư ngắn nhất là 3 tháng và dài nhất thường là 24 tháng.

 

 
 

Với mức lãi đưa ra đến 30%, chắc chắn không có kênh đầu tư nào hiện có thể mang lại được mức lợi nhuận cao như thế

 

TS Lê Thẩm Dương
Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM

 

 

Thông thường, nhân viên tư vấn đều đảm bảo rằng khi gửi tiền cho công ty, NĐT an tâm vì “công ty đã có kinh nghiệm đầu tư tài chính (bao gồm đầu tư vàng, ngoại hối, cổ phiếu…) nên mức sinh lời sẽ đảm bảo”. Thế nhưng, cần phải nhìn nhận là với mức lãi 30%, khó có kênh đầu tư chính thống nào hiện nay như vàng, chứng khoán, bất động sản có thể đạt được. Đó là chưa kể nếu cộng luôn chi phí hoạt động hằng tháng của các công ty đầu tư thì để có thể trả NĐT mức LS 20%, công ty phải kinh doanh phải đạt lợi nhuận từ các khoản đầu tư từ 50 – 60%/năm.

Hiện cả nước có hơn 10 công ty đầu tư với số lượng nhân viên tư vấn khá đông đảo và có chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành lớn, nên thu hút được khá đông khách hàng tham gia.

Khách hàng ‘nắm dao đằng lưỡi’

Hợp đồng ủy thác đầu tư thường được các công ty soạn thảo với nhiều ràng buộc. Đầu tiên là phải hết kỳ hạn NĐT mới nhận lại được số tiền gốc nên phải hiểu là dù có muốn lấy lại số tiền đã bỏ ra trước hạn cũng không được. Điều thứ hai là cho dù LS cố định được ghi trong hợp đồng, nhưng bản chất của hoạt động ủy thác đầu tư là có rủi ro. Vì vậy, nếu thua lỗ thì nhà đầu tư… phải chấp nhận. Mà rủi ro thì có thể từ nhiều nguyên nhân: kinh doanh thua lỗ, do tác động của các chính sách quản lý… và thậm chí do nội bộ của công ty đầu tư. Năm 2012, câu chuyện một số NĐT đã không nhận lại được tiền sau thời hạn ủy thác đầu tư khi công ty nhận ủy thác thay đổi nhân sự và đùn đẩy trách nhiệm của các cá nhân trong ban điều hành là một minh chứng.

Theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, quy định hiện nay chỉ có ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ là những định chế tài chính trung gian được nhận ủy thác vốn của tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, không nhiều những định chế này thực hiện ủy thác đầu tư, trong khi thị trường lại có một số công ty đứng ra nhận ủy thác đầu tư, mà thực chất là để lấy vốn kinh doanh. “Với mức lãi đưa ra đến 30%, chắc chắn không có kênh đầu tư nào hiện có thể mang lại được mức lợi nhuận cao như thế. Hơn nữa, đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Các công ty muốn đầu tư tài chính phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động, vì cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện như năng lực kinh doanh, tiềm lực tài chính, báo cáo tài chính có kiểm toán, có danh mục đầu tư công khai… Đây là hoạt động đầu tư vào những lĩnh vực khá chuyên ngành như kinh doanh chứng khoán, ngoại hối. Vì vậy, bản thân các NĐT cá nhân cần phải xem xét kỹ trước khi lựa chọn công ty để gửi tiền đầu tư”, TS Dương tư vấn.

Mai Phương