10/01/2025

Giải pháp căn cơ

Có vẻ như chúng ta đang rất bí trong việc tìm các giải pháp gốc gác cho bài toán giao thông quá rối từ chuyện ùn tắc ở các đô thị đến tai nạn gia tăng, trong khi có thừa các hoạt động bề nổi, chắp vá.

 

Giải pháp căn cơ

Đọc bài Quốc lộ rộng thênh thang… 3 m đăng trên Thanh Niên ngày 9.9, nói về dự án nâng cấp một đoạn tuyến QL14E (Quảng Nam) được phê duyệt từ năm 2009 vẫn giậm chân tại chỗ, trong tình cảnh giao thông mỗi ngày một xấu đi, tôi chợt nhớ đến chuyện một chuyên gia ngành giao thông từng tiết lộ: tất cả các chiến lược, chính sách, dự án giao thông hiện đều lấy căn cứ trên nghiên cứu, số liệu đề xuất tại VITRASS 1 (Nghiên cứu chiến lược phát triển GTVT quốc gia ở nước CHXHCN VN) do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện từ năm 2000. “Thế nên mới có chuyện quy hoạch giao thông chưa thông qua đã lạc hậu, hoặc đường càng mở càng tắc”, ông này lý giải.

Ngẫm cũng phải, chiến lược, quy hoạch được làm từ phòng giấy với những căn cứ cũ kỹ, lạc hậu nên rất nhiều chủ trương liên quan đến giao thông không thực hiện được vì… không tưởng. Một thời gian dài, lãnh đạo ngành giao thông say sưa với việc rút ngắn hành trình chạy tàu Bắc – Nam, từ 32 giờ xuống 23 giờ. Nhưng ước mơ này mười mấy năm nay vẫn chỉ là mơ ước. Bởi hành lang an toàn chạy tàu bị lấn chiếm suốt dọc hành trình, đường ngang dân sinh mở ngày một nhiều hơn, chất lượng đầu máy toa xe, cầu đường đều bị hạn chế, chất lượng phục vụ không nâng được là bao. Không rút ngắn được hành trình chạy tàu thì đổi sang ý tưởng làm đường sắt cao tốc. Đường sắt cao tốc phá sản lại quay lại với kế hoạch nâng cấp đường sắt hiện hữu, với kế hoạch chi 1,8 tỉ USD. Nhưng điều này cũng đang vấp phải sự phản ứng từ dư luận vì cho rằng không khả thi trong điều kiện hạ tầng đường sắt quá tệ hiện nay…

Có vẻ như chúng ta đang rất bí trong việc tìm các giải pháp gốc gác cho bài toán giao thông quá rối từ chuyện ùn tắc ở các đô thị đến tai nạn gia tăng, trong khi có thừa các hoạt động bề nổi, chắp vá.

Tai nạn giao thông là thực tế nhức nhối, ngoài nguyên nhân do ý thức người tham gia giao thông như nhiều người muốn vin vào, chắc chắn nó liên quan mật thiết đến hạ tầng giao thông và hệ thống luật lệ ở ta. Rất ít nước có tình trạng giao thông đa phương tiện và hỗn độn như ở VN. Do vậy, thay vì cảm thấy bằng lòng với việc đội mũ bảo hiểm bắt buộc, các cơ quan chức năng cần đề xuất các giải pháp căn cơ hơn. Chẳng hạn như: Giảm đến mức tối đa các nơi đường cắt nhau, bằng các dạng cầu vượt đơn giản, ít tốn kém; Quản lý thật tốt các nguồn vốn vay ODA, vay tín dụng; nâng cao chất lượng đường sá; Quy hoạch và phát triển mạng lưới giao thông, vận chuyển hành khách đô thị nhằm giảm mật độ phương tiện cá nhân trên đường…

Về mặt luật pháp, tăng mức phạt thật nặng cũng là cách giúp người tham gia giao thông có ý thức hơn, nhưng nó sẽ không hiệu quả bằng việc đề nghị bổ sung vào luật quy định xử phạt (nặng đến mức sa thải) đối với CSGT, thanh tra giao thông bị phát hiện gây khó khăn, hoặc đòi và nhận hối lộ; người phát hiện sẽ được thưởng nếu có công phát hiện.

Chúng ta đang thiếu nhất là trí tuệ, những người lãnh đạo có tâm, có tầm chứ không phải là tiền, vì tiền suy cho cùng cũng ở trí tuệ mà ra.  

Duy Kiên