Vũ khí Hàn Quốc nhắm đến thị trường Đông Nam Á
Hàn Quốc đang tích cực bán chiến đấu cơ, tàu ngầm sang Đông Nam Á giữa lúc nhu cầu hiện đại hóa quốc phòng trong khu vực đang tăng cao.
Hàn Quốc đang tích cực bán chiến đấu cơ, tàu ngầm sang Đông Nam Á giữa lúc nhu cầu hiện đại hóa quốc phòng trong khu vực đang tăng cao.
|
Cuối tháng 8, chiến đấu cơ nội địa đầu tiên của Hàn Quốc FA-50 đã gia nhập không quân nước này. Đây là sản phẩm được phát triển dựa trên máy bay huấn luyện đa nhiệm T-50 do Công ty công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) và Tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin phối hợp chế tạo. Yonhap dẫn lời giới chức Hàn Quốc cho hay FA-50 có thể chở 4,5 tấn vũ khí, được trang bị hệ thống radar kiểm soát hỏa lực tiên tiến EL/M-2032 do Israel sản xuất, có thể phát hiện mục tiêu trong phạm vi bán kính 100 km. Chiến đấu cơ mới còn được trang bị tên lửa không đối không, không đối đất, súng máy và cả bom thông minh.
Đáp ứng nhu cầu
Ngoài giúp tăng cường năng lực cho lực lượng Hàn Quốc, T-50 và FA-50 còn được kỳ vọng là mặt hàng chủ lực giúp Hàn Quốc gia nhập thị trường xuất khẩu chiến đấu cơ. Một quan chức thuộc Cơ quan Quản lý mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) nhận định với Yonhap: “Việc không quân vận hành trực tiếp FA-50 sẽ có hiệu ứng tích cực cho chiến lược xuất khẩu loại máy bay chiến đấu này trong tương lai”. Còn Defense News dẫn lời trưởng nhóm phát triển FA-50 của KAI Cha Jae-byung phân tích: “Nhiều nước ở Đông Nam Á và Nam Mỹ quan tâm chiến đấu cơ hạng nhẹ hơn máy bay chiến đấu hạng nặng vì nhu cầu chiến lược và vấn đề giá cả. Các máy bay của chúng tôi có thể đáp ứng những nhu cầu này”.
Thực tế, Hàn Quốc đang đàm phán bán 12 chiếc FA-50 cho Philippines với tổng trị giá ước tính 460 triệu USD, trong khi T-50 là mặt hàng chủ lực của Seoul ở Đông Nam Á hiện nay. Cụ thể, hồi năm 2011, Indonesia ký hợp đồng với KAI mua 16 chiếc T-50. Tuy là máy bay huấn luyện nhưng T-50 có thể được trang bị vũ khí dưới 2 cánh và trở thành một chiến đấu cơ lợi hại. Thái Lan cũng được xem là khách hàng tiềm năng cho T-50. Hàn Quốc đang hy vọng sẽ bán khoảng 1.000 chiếc FA-50 và T-50 trong 3 thập niên tới, chủ yếu cho các thành viên ASEAN.
Trong bối cảnh tình hình an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng có nhiều biến chuyển, đang có nhu cầu khá lớn tăng cường sức mạnh không quân và hải quân trong khu vực. Vì thế, ngoài máy bay, Hàn Quốc cũng kỳ vọng tàu ngầm và tàu chiến cũng sẽ bán chạy, như Công ty kỹ thuật biển và đóng tàu Daewoo hồi năm 2011 đã bán cho Indonesia 3 tàu ngầm 1.200 tấn, thu về 1,1 tỉ USD. Malaysia và Philippines cũng tỏ ra quan tâm. Yonhap dẫn lời Phó chủ tịch KAI Park Noh-sun khẳng định đối với các nước Đông Nam Á, hệ thống vũ khí của Hàn Quốc đáp ứng các yêu cầu cốt lõi như chất lượng tốt, giá cả hợp lý, chuyển giao công nghệ và không lấn cấn về mặt chính trị hay quan hệ với các nước lớn.
Hy vọng xuất khẩu
Ngoài Đông Nam Á, Hàn Quốc còn nhắm đến thị trường Nam Mỹ. Hồi năm 2012, KAI đã ký hợp đồng trị giá 200 triệu USD để bán 20 chiếc máy bay huấn luyện KT-1 cho Peru. Đây là đơn hàng bán máy bay đầu tiên của Hàn Quốc ở Nam Mỹ. Peru là nước thứ 3 ký hợp đồng mua KT-1, sau Indonesia vào năm 2001 và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2007, theo Yonhap. “Xuất khẩu KT-1 cho Peru đã mở đường vào Nam Mỹ, thị trường lớn thứ hai sau Đông Nam Á đối với chúng tôi”, một quan chức DAPA nhận định. Theo cơ quan này, Hàn Quốc có thể tiêu thụ khoảng 200 máy bay huấn luyện trong thời gian tới.
Trong năm 2011, Hàn Quốc đã đạt doanh thu xuất khẩu vũ khí cao kỷ lục 2,4 tỉ USD, vượt chỉ tiêu được đề ra trước đó là 1,6 tỉ USD, theo báo The Korea Times. Do các nước thường trì hoãn việc công bố doanh thu từ xuất khẩu vũ khí nên tới nay chưa có thông tin chính thức về doanh thu trong năm 2012 nhưng giới quan sát cho rằng tình hình rất khả quan nên chính quyền Seoul đang đặt mục tiêu trước năm 2020 sẽ tăng doanh thu của lĩnh vực này lên 4 tỉ USD. Quan chức Noh Dae-lae của DAPA dự đoán doanh thu xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc sẽ tăng đáng kể trong vài năm tới vì các công ty quốc phòng của nước này đã đạt được nền tảng phát triển ổn định.
Văn Khoa