Ngổn ngang quy hoạch vùng thủ đô
Quy hoạch vùng thủ đô tính đến nay bao gồm 10 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang với diện tích hơn 24.000 km2, dân số gần 17,5 triệu người. Trong đó, Hà Nội đóng vai trò là hạt nhân trung tâm.
Tại hội nghị Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 hôm qua 6.9, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo, đã chỉ ra hàng loạt bất cập sau 5 năm triển khai thực hiện.
Quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội gồm 10 tỉnh, thành phố - Ảnh: Lê Quân chụp lại tư liệu |
Quy hoạch vùng thủ đô tính đến nay bao gồm 10 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang với diện tích hơn 24.000 km2, dân số gần 17,5 triệu người. Trong đó, Hà Nội đóng vai trò là hạt nhân trung tâm. Định hướng quy hoạch của các địa phương đã rõ nét hơn, vùng thủ đô đã hình thành 8 trục xuyên tâm Hà Nội và 5 tuyến vành đai. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng: “Tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng thiếu bền vững, đặc biệt là cơ sở hạ tầng về môi trường vừa thiếu vừa bất hợp lý. Chưa làm được việc giao các chỉ tiêu đô thị cho các địa phương về tỷ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh; tỷ lệ xử lý rác thải… nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương có nguy cơ xói mòn. Một điểm rất nguy hiểm là nhiều địa phương chưa có số liệu tin cậy làm cơ sở đánh giá, dự báo tiềm năng phát triển vùng nên khó có được định hướng quy hoạch chuẩn, công tác dự báo phát triển vùng còn chưa chính xác”. Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch hệ thống hạ tầng đã đặt ra việc di chuyển các trung tâm y tế, cơ sở giáo dục ra khỏi khu vực trung tâm chưa làm được.
Th.S-KTS Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn, đơn vị được giao trực tiếp thực hiện quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội cho biết, theo định hướng quy hoạch đang xây dựng sơ bộ, trong tương lai, Hà Nội tiếp tục đóng vai trò là hạt nhân của quy hoạch vùng. Mỗi tỉnh trong vùng thủ đô đều được quy hoạch, kết nối với nhau theo định hướng: Tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội -Hải Phòng – Quảng Ninh, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển định hướng giáo dục, y tế, du lịch. Ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng kiến nghị Chính phủ cho mở casino tại Tam Đảo (H.Tam Đảo); cá cược đua ngựa tại khu vực Đại Lải (thị xã Phúc Yên); đẩy mạnh triển khai làm đường Vành đai 5 qua địa bàn tỉnh, trong đó có xây dựng hầm Tam Đảo để nối thông tuyến Hà Nội – Vĩnh Phúc – Thái Nguyên…
Phó thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng hoàn thành báo cáo chi tiết trong 3 tháng tới để gửi Ban chỉ đạo, tiếp đó là báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Về đề xuất xây dựng casino ở Tam Đảo, đua ngựa ở Đại Lải, Phó thủ tướng cho biết sau khi có phê duyệt quy hoạch cụ thể sẽ tính đến.
Phú Thọ sẽ trở thành “Thành phố lễ hội” Theo định hướng quy hoạch, Bắc Ninh sẽ trở thành vùng đô thị lớn với vùng lõi là TP.Bắc Ninh hiện nay, đạt chuẩn loại 1. Hải Dương do có lợi thế phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, du lịch trong tương lai sẽ trở thành tỉnh công nghiệp đa ngành (hình thành 3 cụm công nghiệp lớn: TP.Hải Dương – hành lang quốc lộ 5; Chí Linh – Kinh Môn; Thanh Miện – khu vực phía nam tỉnh), trung tâm kinh tế, đô thị lớn, hiện đại vào năm 2020. Các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020; và phát triển du lịch sinh thái, làng nghề ven sông Hồng; giáo dục…Tỉnh Hòa Bình tương lai sẽ phát triển theo hướng đô thị công nghiệp, dịch vụ-du lịch, trọng tâm ở TP.Hòa Bình – H.Kỳ Sơn – H.Lương Sơn nhiều hơn là hình thành các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ sẽ trở thành “Thành phố lễ hội” với các khu di tích đền Hùng, Bạch Hạc… và dịch vụ hậu cần, phát triển công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ; trở thành trung tâm y tế, điều dưỡng ở khu vực phía bắc, giảm tải cho các bệnh viện ở Hà Nội… Thái Nguyên với lợi thế là trung tâm giáo dục đào tạo lớn thứ 3 cả nước, khai khoáng… sẽ được xây dựng “Thành phố đại học – y tế”. Còn Bắc Giang được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp đa ngành.
|
Lê Quân