Khai giảng cuối của cậu bé khuyết tật
Suốt bảy năm trời bò trên con đường lổn ngổn đầy sỏi đá đến trường, năm nay cậu bé Lầu A Sáng (lớp 8A1 Trường THCS 19-5, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) cùng bố đến tham dự ngày khai giảng cuối cùng trong niềm tiếc nuối.
Khai giảng cuối của cậu bé khuyết tật
Nhà Sáng nằm sâu trong tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Cờ Đỏ, huyện Mộc Châu. Con đường từ nhà đến trường dài gần 500m trải sỏi đá sắc nhọn. Ngày mưa lầy lội, ngày nắng bụi mù đất đỏ, nhưng đều đặn hằng ngày Sáng vẫn đến trường. Thế mà giờ đây hành trình đi tìm con chữ của Sáng đang có nguy cơ tan vỡ…
Hành trình đi học
Năm 7 tuổi, thấy bạn bè cùng trang lứa đi học, Sáng xin bố mẹ cho đến trường nhưng ông Páo từ chối vì “thân hình không lành lặn như người bình thường thì ai dạy được”. Thuyết phục bố không được, ngày nào Sáng cũng khóc không chịu ăn cơm. Thương con, bà Vàng Thị Dấu – mẹ Sáng – cõng con đến trường xin học.
Ngày đầu tiên đến trường, thầy cô không dám nhận. “Cả trường không có học sinh nào khuyết tật nên rất khó để dạy một học sinh như Sáng. Sáng còn không nhận thức được khi nào tiểu tiện nên rất bất tiện” – cô giáo Lê Thị Cần nói. Không được vào lớp học, suốt một tuần liền ngày nào hai mẹ con cũng cõng nhau đến trường để xin ngồi một góc học “mót” chữ của thầy cô.
Thấy Sáng ham học, cô Lê Thị Cần đứng ra nhận Sáng vào lớp. Những ngày sau đó bố mẹ bận lên nương, cứ ngày hai lần Sáng tự bò đến trường. Đôi chân tàn tật ngày càng teo nhỏ. Mùa đông đến, đôi chân trần không tất lê trên đường bị đá nhọn cứa chảy máu, nhức buốt.
Học hết lớp 5, Sáng đi học ở Trường THCS 19-5 cách nhà gần 3km. Nhà xa, ngày nào ông Páo cũng hai lượt đưa con đến trường. Ngày mùa cả nhà bận lên nương, không có xe đưa con đi học, Sáng lại một mình bò đến trường. Thỉnh thoảng, thầy cô hoặc người đi đường trông thấy Sáng bò ngoài đường lại đưa lên xe chở đi. “Hôm nào không có xe đưa thì tự bò đến trường hoặc nghỉ. Có hôm đến đón nhưng xe hết xăng, hai bố con lại dắt bộ về. Nếu cho nó nghỉ học, tôi sang nhà bạn nó mượn sách về cho chép bài. Tốn công đi học thì phải cố gắng học cho được cái chữ” – ông Páo nói.
Thầy Vũ Thái Bắc – hiệu trưởng Trường THCS 19-5, người nhiều lần đưa Sáng từ trường về nhà – cho biết: “Ở trường, Sáng là học sinh chịu nhiều thiệt thòi nhất so với các bạn, nhưng nghị lực của cậu bé là tấm gương sáng cho nhiều em khác noi theo. Sáng học rất tốt, liên tục đạt học sinh tiên tiến và được thầy cô, bạn bè yêu quý. Nhà trường luôn động viên Sáng đến trường và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em đi học”.
Ước mơ giản dị
Từ năm 5 tuổi, Sáng đã ước mơ trở thành thợ sửa chữa điện tử. “Em muốn trở thành thợ sửa chữa điện tử vì ngồi một chỗ, không phải đi lại nhiều mà vẫn kiếm được tiền” – Sáng nói.
Để thực hiện giấc mơ của mình, hằng ngày ngoài thời gian giúp đỡ bố mẹ, Sáng tự tay sửa chữa các đồ điện trong nhà. Tất cả bảng điện trong nhà bị hỏng đều do một tay Sáng sửa chữa. Hè năm lớp 4, nhà nghèo không có tiền mua quạt, Sáng tự tay sáng chế một chiếc quạt cho cả nhà dùng. Đó là chiếc quạt được làm từ những đồ điện hỏng mà hàng xóm bỏ đi. Sáng mất gần ba tháng mới hoàn thành chiếc quạt, nhưng khi quạt làm xong thì thời tiết chuyển sang mùa lạnh. “Chiếc quạt của em phải tháo ra làm lại nhiều lần nhưng cũng chạy được. Đó là sản phẩm đầu tiên em làm từ chính tay mình cho cả nhà” – Sáng hào hứng.
Ngày 2-9 vừa qua, được bố cho tiền đi ăn phở, Sáng nhịn ăn để gửi tiền chị ra chợ mua ôtô đồ chơi điều khiển từ xa để nghiên cứu. Sáng bảo: “Em có ý tưởng chế tạo một chiếc ôtô đồ chơi điều khiển từ xa cách đây 2-3 năm nhưng giờ mới bắt tay vào làm. Em sẽ làm một chiếc để cho cháu và bạn gần nhà chơi cùng, ở đây không ai có đồ chơi đó”. Ở nhà, Sáng rất thích xem các chương trình khoa học trên VTV2.
Đến ngày khai giảng năm học mới, trong khi tất cả các bạn đều được mặc quần áo mới đến trường thì Sáng vẫn trang phục như lúc ở nhà. Sáng dậy từ sớm, tự mặc quần áo rồi bố chở đến trường. Tôi hỏi buổi khai giảng năm nay có điều gì khác những năm trước không, Sáng rưng rưng nước mắt: “Buồn hơn vì có thể hết năm nay em phải nghỉ học, em sẽ ở nhà và tự học sửa chữa điện tử để kiếm tiền nuôi bố mẹ thôi”. “Bố mẹ cũng bận lên nương không có thời gian đưa đi học được nên cố gắng cho đi học được cái chữ thôi. Học nhiều chữ có làm gì đâu” – ông Páo nói.
KIỀU LINH – TIẾN THẮNG