11/01/2025

Cuộc thử lửa cho Nga, Trung Quốc ở Syria

Một chiến dịch quân sự của Mỹ nhằm vào Syria sẽ là phép thử lớn cho hệ thống radar Trung Quốc và khả năng can thiệp của Nga.

 

Cuộc thử lửa cho Nga, Trung Quốc ở Syria

Một chiến dịch quân sự của Mỹ nhằm vào Syria sẽ là phép thử lớn cho hệ thống radar Trung Quốc và khả năng can thiệp của Nga. 

Theo Reuters hôm qua, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết cho phép tiến hành một chiến dịch quân sự không quá 90 ngày nhằm vào chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad liên quan đến cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Nhiều khả năng Mỹ sẽ ra tay sau cuộc biểu quyết tại quốc hội vào ngày 9.9.  

Tên lửa Mỹ đấu radar Trung Quốc

 

 Cuộc thử lửa cho Nga, Trung Quốc ở Syria
Lược đồ trận địa của Mỹ quanh Syria và Iran – Ảnh: Global Security/Đồ họa: Du Sơn

 

Chuyên trang Defense News dẫn lời giới quan sát nhận định nếu Mỹ phát động tấn công Syria, Trung Quốc sẽ có cơ hội đánh giá hiệu quả của hệ thống radar cũng như công nghệ tác chiến điện tử của mình đang được trang bị ở quốc gia Trung Đông. Trung Quốc và Mỹ được cho là đang tranh giành ảnh hưởng tại nhiều khu vực khác nhau, nên Bắc Kinh chắc chắn sẽ góp nhặt dữ liệu liên quan đến hiệu quả hoạt động của hệ thống radar và cảnh báo sớm. Ngược lại, Mỹ cũng sẽ đánh giá liệu radar Trung Quốc có đủ khả năng phát hiện tên lửa của mình hay không. Tất cả, theo Trưởng ban châu Á của Defense News là Wendell Minnick, đều nhằm phục vụ cho viễn cảnh xảy ra xung đột trong tương lai, bắt nguồn từ vấn đề Đài Loan, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại Hoa Đông hoặc thậm chí vấn đề biển Đông.

Hiện Syria có 50 trạm radar với các hệ thống do Nga và Trung Quốc sản xuất. Ông Sean O’Connor, chủ biên chuyên trang quân sự IMINT & Analysis, nhận định rằng trong số những hệ thống Trung Quốc được quân đội Syria triển khai thì đáng kể nhất có radar giám sát tầm xa JYL-1 3-D và JY-27 cũng như radar nhận tín hiệu tầm thấp Type 120 (LLQ120) 2D. Hệ thống radar tác chiến điện tử hiện đại của Trung Quốc được cho là có thể phát hiện tên lửa và máy bay đời mới, kể cả máy bay tàng hình. Đặc biệt hiệu quả là 2 hệ thống JY-27 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cách 500 km được chuyển giao cho Damascus năm 2006 và đang có mặt tại thành phố Palmyra ở miền trung Syria. Ngoài ra, còn phải kể đến Type 120 có khả năng giám sát 72 mục tiêu cách xa 200 km. Hiện Syria đang triển khai Type 120 tại 4 cơ sở là Dar Izzahe, Baniyas, Tartus và Kafr Buhume. Riêng cơ sở Kafr Buhume còn triển khai thêm hệ thống radar JYL-1 3-D với tầm hoạt động 320 km. Tuy nhiên, ông O’Connor tỏ ra nghi ngờ về việc liệu các thiết bị cảm biến, báo động của Trung Quốc có thể phối hợp mượt mà với các khí tài mua của Nga, có loại mua từ thời Liên Xô, của Syria hay không.

 

 
 

Sự hiện diện của chúng tôi ở phía đông Địa Trung Hải đủ để giải quyết mọi tình huống. Chúng tôi sẵn sàng thực thi các nhiệm vụ bất ngờ

 

Quan chức thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga

 

 

Ngoài 50 trạm radar, Syria còn có 120 cơ sở tên lửa đất đối không được trang bị các loại tên lửa do Nga và Liên Xô sản xuất như SA-2, SA-3, SA-5 và SA-6, xen lẫn những hệ thống mới hơn bao gồm S-200, Buk-M1-2, Buk-M2E, Pantsir-S1E, S-125 Neva và S-125M Pechyora, theo Interfax. 

Tàu chiến Nga dồn về khu vực

Vào lúc này, Nga đang củng cố sự hiện diện tại Địa Trung Hải trong bối cảnh một chiến dịch quân sự chống Syria ngày càng trở nên khó tránh khỏi. Interfax dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cho biết khẳng định các tàu hải quân tại Địa Trung Hải hiện có thể ứng phó với bất kỳ sự leo thang nào trong cuộc xung đột tại Syria. “Sự hiện diện của chúng tôi ở phía đông Địa Trung Hải đủ để giải quyết mọi tình huống. Chúng tôi sẵn sàng thực thi các nhiệm vụ bất ngờ”, ông này nói.

Theo Interfax ngày 5.9, Nga đã điều thêm số lượng lớn tàu chiến tới khu vực. Trong đó, tuần dương hạm tên lửa Moskva thuộc Hạm đội Biển Đen đã hoàn thành nhiệm vụ ở bắc Đại Tây Dương và đang trên đường đến đông Địa Trung Hải. Khi đến nơi, nó sẽ đảm trách vai trò kỳ hạm cho đội tàu tác chiến ở đây. Nằm trong số tàu mới triển khai còn có tàu khu trục Smetlivy, tàu khu trục Nastoichivy, tàu chống ngầm Đô đốc Panteleyev, tàu do thám Priazovye cùng 2 tàu đổ bộ cỡ lớn là Novocherkassk và Minsk. Trước đó, quân đội Nga đã có tàu hộ tống Neustrashshimy cùng các tàu đổ bộ Alexander Shabalin, Đô đốc Nevelsky và Peresvet.

Trong khi đó, Mỹ đang duy trì sự hiện diện tại Địa Trung Hải của 4 tàu khu trục USS Stout, USS Ramage, USS Barry và USS Graveley, tàu ngầm tấn công USS Virginia và tàu đổ bộ USS San Antonio. Ngoài ra, còn có các tàu sân bay USS Harry S Truman và USS Nimitz túc trực tại khu vực vịnh Ba Tư. Theo các chuyên gia, tên lửa hành trình Tomahawk sẽ là hỏa khí chủ lực của Mỹ trong chiến dịch lần này, đối đầu với hệ thống phòng không Syria chủ yếu gồm các hệ thống của Nga và Trung Quốc như đã đề cập.  

Bên cạnh đó, đồng minh của Syria là Iran ngày 5.9 khẳng định sẽ chống lưng cho Damascus “đến cùng”. Thế nên, theo giới quan sát, việc 2 tàu sân bay của Mỹ “tạm trú” tại vịnh Ba Tư và gần Iran hơn Syria có thể được hiểu là để dằn mặt, thậm chí ngăn Iran cứu đồng minh then chốt.

Trùng Quang