Tại sao bé chậm tăng cân?

Nhiều phụ huynh sốt ruột khi bé chậm tăng cân, song ít ai biết bé chậm tăng cân do đâu. Việc chẩn đoán nguyên nhân chính xác sẽ giúp cha mẹ kịp thời điều chỉnh, cải thiện sự phát triển của bé.

Tại sao bé chậm tăng cân?

Nhiều phụ huynh sốt ruột khi bé chậm tăng cân, song ít ai biết bé chậm tăng cân do đâu. Việc chẩn đoán nguyên nhân chính xác sẽ giúp cha mẹ kịp thời điều chỉnh, cải thiện sự phát triển của bé.
 

Theo chuẩn trung bình sáu tháng đầu đời, mỗi tháng bé tăng khoảng 600-800g, sáu tháng kế tiếp tăng khoảng 500-700g/tháng. Những năm kế tiếp, trung bình tăng 1,5-2kg/năm. Như vậy, cân nặng trung bình của một bé trai khi sinh nhật lần đầu tiên khoảng 10-11kg và bé gái 9,5-10,5kg. Nếu bé có cân nặng dưới mức chuẩn nêu trên hoặc tốc độ tăng cân mỗi tháng thấp hơn trung bình được xem là chậm tăng cân hoặc nhẹ cân. Nếu quá thấp dưới mức trung bình dễ có nguy cơ suy dinh dưỡng.

Nguyên nhân thường gặp

Nhiều bé được chăm sóc dinh dưỡng tốt nhưng vẫn chậm tăng cân, có thể do những nguyên nhân phổ biến:

– Kém hấp thu các chất dinh dưỡng, lý do cơ địa, hoặc mắc một số bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu hóa… nhiều lần.

 

“Điều trị đặc hiệu càng sớm giúp cho bé nhanh chóng hồi phục và phát triển bình thường về vận động, thể chất và trí não”

 

– Thiếu máu do sinh lý (gặp lúc sau sinh khoảng 4-8 tuần), kém hấp thu chất sắt từ chế độ dinh dưỡng, mắc một số bệnh di truyền gây thiếu máu: thalassemia (thường gặp thể nhẹ, trung bình), thiếu men G6PD, hoặc do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori và có triệu chứng viêm dạ dày hoặc trào ngược gây nôn sau khi bú (thường gặp ở các bé trên 1-2 tuổi).

– Nhiễm ký sinh trùng: thường gặp sau 2 tuổi, khi bé bắt đầu tự đi lại một mình và biết nhai thức ăn cứng hơn trước (bé thường bốc những vật xung quanh cho vào miệng hoặc mút tay).

Ngoài ra, cân nặng của bé có thể tăng chậm do những nguyên nhân ít gặp như: tim bẩm sinh (thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch…), suy giáp bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa và dung nạp các chất đạm, chất béo, chất đường…

Giải pháp

Thông thường các bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ dinh dưỡng sẽ cho các bé điều chỉnh chế độ ăn hiện tại. Cố gắng tăng thêm lượng sữa cho bú, thêm dầu ăn, trái cây, bột ăn ngọt và mặn… nếu bé đang ăn giặm. Bé cũng sẽ được ghi toa cung cấp các sinh tố và dưỡng chất cần thiết như: sinh tố A, D, B1, B6, B12, axit folic, sắt, kẽm, canxi…

Nếu bé trong giai đoạn dưới  6 tháng, năng lượng và dinh dưỡng cung cấp cho bé phụ thuộc chủ yếu vào sữa mẹ hoặc sữa công thức. Trong thời kỳ đang bú mẹ hoàn toàn, và mẹ khỏe mạnh không bị bệnh mãn tính (như ung thư, lao phổi, tim mạch, viêm loét dạ dày nặng…) nhưng bé chậm tăng cân, thì nguyên nhân phần lớn là do bé bị một căn bệnh bẩm sinh nào đó, phụ huynh cần tham vấn bác sĩ nhi khoa tổng quát hoặc nhi khoa chuyên sâu về tim mạch, huyết học, tiêu hóa… nhiều kinh nghiệm do có thể không chỉ đơn thuần là vấn đề dinh dưỡng.

Nếu bé bú mẹ một phần kèm sữa công thức hoặc bú sữa công thức hoàn toàn, nên xem bé có bị dị ứng với sữa bò không (sữa công thức chế biến từ sữa của loài bò). Triệu chứng dị ứng bao gồm mẩn đỏ da mặt, tiêu chảy, nôn ói, quấy khóc… sau khi bú sữa công thức. Cần thay đổi loại sữa công thức sớm. Có thể chuyển sang sữa công thức đặc biệt đã loại bỏ những protein gây dị ứng.

Nếu bé từ 6 tháng tuổi trở lên, có thể ăn giặm thức ăn ngọt (tinh bột và trái cây, rau, củ, quả) và mặn (chế biến từ thịt, cá, hải sản, trứng…). Giai đoạn này dễ phát hiện bé nào bị dị ứng với thức ăn được cung cấp. Triệu chứng tương tự như trên. Cần hạn chế những thức ăn gây dị ứng cho bé. Đối với những bé bị bẩm sinh như thiếu máu tán huyết bẩm sinh, hoặc tim bẩm sinh… thường bị chựng lại về cân nặng trong thời kỳ này. Nên cho bé tầm soát các bệnh lý tiềm ẩn.

– Thử công thức máu, điện di hemoglobin, định lượng sắt và feritine huyết thanh (để khảo sát bé có bị thiếu máu không, mức độ và nguyên nhân gây thiếu máu). Nếu bé không thiếu sắt mà thiếu máu do bệnh thalassemia, không nên cho bé uống thuốc bổ có chứa chất sắt, vì không những không cải thiện tình trạng thiếu máu và cân nặng mà còn gây tiến triển bệnh nặng hơn.

– Thử chức năng tuyến giáp (TSH, T3 tự do và T4 tự do) nếu nghi ngờ bé suy giáp (thường vàng da ngay sau sinh, tay chân lạnh, ít vận động).

– Định lượng men G6PD. Khi mức G6PD huyết thanh thấp hơn bình thường sẽ gây vàng da sau sinh, khi lớn hơn da xanh và dễ bị thiếu máu nặng khi ăn rau dền và củ dền đỏ, đậu ngựa, đậu ván hoặc bôi thuốc xanh methylene nhiều trên da, hoặc uống một số thuốc kháng sinh, hạ sốt chứa paracetamol… Cần lưu ý, rau và củ dền có màu đỏ nhưng không phải là “bổ” máu mà dễ gây hủy máu.

– Siêu âm tim để xác định nguyên nhân và mức độ khiếm khuyết của cấu trúc tim…

Khi bé trên 1 tuổi, có thể nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori hoặc ký sinh trùng (như giun kim, giun đũa, giun lươn…).

– Xét nghiệm định lượng kháng nguyên vi khuẩn Helicobacter pylori qua phân hoặc thử nghiệm qua hơi thở.

– Soi phân tìm ký sinh trùng đường ruột.

Sau khi tìm ra nguyên nhân bệnh lý gây chậm tăng cân, điều trị sớm và hiệu quả sẽ giúp bé tăng cân trở lại.

ThS.BS MAI VĂN BÔN