24/11/2024

Quân đông, tướng nhiều, sao khó bắt tham nhũng?

Đó là câu hỏi lớn nhất được đặt ra tại phiên họp đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp ngày 29-8 về “việc chấp hành pháp luật trong xử lý tội phạm về tham nhũng và chức vụ”.

Quân đông, tướng nhiều, sao khó bắt tham nhũng?

Đó là câu hỏi lớn nhất được đặt ra tại phiên họp đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp ngày 29-8 về “việc chấp hành pháp luật trong xử lý tội phạm về tham nhũng và chức vụ”. 

Do năng lực hạn chế

Thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Lê Quý Vương cho biết: “Tình hình tội phạm tham nhũng, chức vụ diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài sản công, tài chính, ngân hàng… Việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng, chức vụ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Tiến độ điều tra một số vụ án còn chậm, kéo dài; số tài sản thu hồi còn ít so với thiệt hại”.

Theo ông Vương, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, chức vụ mới được thành lập, kinh nghiệm điều tra còn hạn chế, trình độ, năng lực của điều tra viên không đồng đều, chưa đáp ứng được nhiệm vụ công tác.

Nguyên nhân cơ bản này cũng được ông Ngô Văn Khánh – phó tổng Thanh tra Chính phủ và ông Nguyễn Sơn – phó chánh án TAND tối cao – trình bày tương tự trong các bản báo cáo của mình.

Tuy nhiên, giải thích trên đây không thuyết phục được đại biểu Quốc hội.

“Tội phạm về an ninh quốc gia rất tinh vi, phức tạp, có tổ chức mà các đồng chí vẫn khám phá ngon lành. Vậy tại sao các đồng chí cứ nói tội tham nhũng tinh vi, ẩn nên khó phát hiện? Cứ thử bí mật đặt camera ở các khu vực có cảnh sát giao thông, thử đến các nơi phụ huynh xin học cho con vào trường điểm xem nó có ẩn hay không?” – phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền bình luận.

Ông Đỗ Văn Đương – ủy viên Ủy ban Tư pháp – phân tích thêm: “Các đồng chí cứ nói đối tượng tham nhũng là người có chức vụ, tinh vi xảo quyệt. Tôi không nghĩ như vậy. Họ là những người có tên tuổi, cơ quan, hành vi tham nhũng cụ thể, khai khống thì nó nằm ở chứng từ, hóa đơn, còn rút ruột thì có dấu vết… Tôi cho rằng nguyên nhân lớn nhất là các đồng chí đứng trước tiền và quyền. Thông cảm với các đồng chí, bởi một bản báo cáo kết luận thanh tra, kiểm toán, điều tra phải gửi đủ mọi nơi, xin nhiều ý kiến”.

“Nguyên nhân, tồn tại, giải pháp giống năm 2008”

“Nếu so sánh với cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2008 thì hầu như tất cả nguyên nhân, tồn tại, giải pháp đều gần giống như các báo cáo hôm nay. Đây là điều rất đáng suy nghĩ. Tại sao cứ nói quyết tâm mãi, pháp luật thì không ngừng được hoàn thiện, trước đây nói rằng chưa có tổ chức thì đã thành lập, kiện toàn nhiều cơ quan đặc trách chống tham nhũng… Bây giờ các ngành lại kêu thiếu cán bộ giỏi, thiếu cán bộ có nghiệp vụ cao, tại sao từ bấy đến nay không bố trí, tuyển chọn được cán bộ giỏi?” – phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề.

Cảm thấy “rất buồn vì tình trạng tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp”, bà Trần Thị Quốc Khánh – ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường – nói: “Đảng và Nhà nước rất coi trọng công an, chế độ chính sách cho lực lượng này ngày càng ưu đãi. Các đồng chí có nhiều tướng hơn, con em các đồng chí cũng được quan tâm hơn. Nhưng các đồng chí đã hoàn thành trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước chưa? Công tác phòng chống tham nhũng trong nội bộ đã được chú trọng chưa?”.

Bà Khánh cho biết thêm: “Hôm trước tổng Thanh tra Chính phủ nói khó phát hiện tham nhũng là do cán bộ thanh tra không có nghiệp vụ điều tra, tôi mới hỏi lại là tại sao người dân, báo chí không có nghiệp vụ điều tra họ lại phát hiện được và tố cáo tham nhũng?”.

“Nếu chỉ bắt được mấy con cá bé, không bắt được cá mập thì tình trạng tham nhũng khó có chuyển biến tích cực” – ông Đỗ Văn Đương nhận định. Theo ông, để cải thiện tình hình thì “cơ quan điều tra chống tham nhũng phải độc lập. Thanh tra phải độc lập. Kiểm toán phải độc lập”. Đề xuất này nhận được đồng tình cao của phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong. “Nếu các cơ quan chống tham nhũng không độc lập thì không làm gì được. Đây là mô hình đã được thế giới kiểm nghiệm” – ông Phong nói.

 

 

Án treo nhiều bất thường

Qua kết quả giám sát thực tế tại các địa phương, các thành viên Ủy ban Tư pháp bày tỏ bức xúc trước tình trạng tòa cho hưởng án treo quá nhiều đối với các bị cáo thuộc nhóm tội tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho biết ở tỉnh Ninh Bình trong hai năm tòa xử 9 bị cáo thì có 8 bị cáo được hưởng án treo, trong đó có bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng. Đại biểu Dương Ngọc Ngưu nói có địa phương đưa ra xét xử 20 bị cáo thì 19 được hưởng án treo, có vụ 100% bị cáo được hưởng án treo. “Có bị cáo Viện kiểm sát đề nghị 16-17 năm tù nhưng tòa cũng cho hưởng án treo, còn những vụ đề nghị 6-7 năm tù thì cho hưởng án treo là chuyện bình thường” – đại biểu Đào Thị Xuân Lan cho hay.

 

LÊ KIÊN