Vỡ mộng trời Nga
Từ những năm 2006 – 2007, tại nhiều xã nghèo ở Bắc Giang, người dân ồ ạt sang Nga lao động với hy vọng kiếm được cả nghìn đô mỗi tháng. Nhưng ngày trở về, không ít người lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay…
Từ những năm 2006 – 2007, tại nhiều xã nghèo ở Bắc Giang, người dân ồ ạt sang Nga lao động với hy vọng kiếm được cả nghìn đô mỗi tháng. Nhưng ngày trở về, không ít người lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay…
|
Đặt chân đến xã Tiền Phong (H.Yên Dũng, Bắc Giang), nơi có ngôi làng được mệnh danh là “làng đi Nga” nổi tiếng một thời, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà xây dở dang, tường gạch tróc lở, loang lổ rêu phong. Càng đi sâu vào con đường nửa đất, nửa bê tông lởm chởm đá dăm dẫn đến 2 thôn liền kề Thành Công và Quyết Tiến, càng thấy nhiều ngôi nhà xây dở dang như thế nằm san sát nhau. Hỏi ra mới biết, hơn nửa số nhà xây lên rồi bỏ đấy là của những gia đình có người đi xuất khẩu lao động ở Nga. Để có tiền cho con cái, vợ, chồng… đi Nga, họ phải đi vay mượn, thậm chí ngôi nhà đang xây dở cũng tạm gác lại.
Thành Công và Quyết Tiến là 2 thôn ở xã Tiền Phong có số lượng người đi Nga nhiều nhất. Mỗi đợt tuyển dụng có hàng chục người đi. Ông Thân Văn Thứ, Trưởng thôn Thành Công, cho biết tính đến thời điểm hiện tại cả thôn còn gần 20 người sang Nga làm ăn từ trước vẫn chưa về.
|
|
Sống như nô lệ
Mấy tháng nay, gia đình anh Thân Văn Tư (29 tuổi, ở xóm 6, thôn Thành Công, xã Tiền Phong) đỏ mắt ngóng tin anh. Bởi từ tháng 2 đến giờ, mọi tin tức về anh Tư đều “bặt vô âm tín”. Căn nhà 3 gian của gia đình ngoài ti vi, bộ bàn ghế cũ kỹ, không còn một tài sản đáng giá nào khác.
Nhắc đến con, bà Thân Thị Nga (66 tuổi), mẹ anh Tư, cứ bưng mặt khóc nức nở: “Trước khi nó sang Nga, người ta hứa sẽ trả lương 17 triệu đồng/tháng nhưng sang đó thì quỵt lương, làm 12 tiếng mỗi ngày. Mới kịp gửi về nhà 5 tờ đô, tôi đi đổi thì được 10,5 triệu đồng. Giờ thì biền biệt không biết sống hay đã chết”.
Ở thôn Thành Công vừa rồi, hàng chục lao động đi Nga cũng trắng tay trở về nước. Anh Thân Văn Hậu (25 tuổi, thôn Thành Công, xã Tiền Phong) vừa trở về hôm 11.8, rớt nước mắt khi kể về 6 năm ròng rã nơi đất khách quê người. Sau tháng đầu tiên đặt chân đến Nga, anh đã vỡ mộng hoàn toàn bởi thực tế phũ phàng ngoài sức tưởng tượng. Đi làm thợ hồ nhưng tháng đầu thử việc không lương, tháng thứ 2 anh Hậu được trả 800 USD, tiếp đến 3 tháng liên tục làm việc quần quật nhưng bị quỵt lương. Công việc vô cùng vất vả, làm từ sáng tới tối, có ngày làm đến 14 tiếng, thậm chí Hậu còn không biết đích xác anh đang ở chỗ nào trên đất Nga. Một năm chỉ “cày cuốc” được 5 tháng hè, còn những tháng mùa đông trời rét cắt da, cắt thịt xuống tới âm 26 độ C chỉ biết ngồi co ro, ăn uống kham khổ dè dặt từng đồng một.
Anh Hậu ứa nước mắt kể lại: “Khổ mấy tôi cũng chịu được, khổ mãi quen rồi, chỉ sợ không có tiền, không có cơm ăn, không có tiền gửi về cho bố mẹ ở nhà trả nợ thôi”. Không chịu nổi cảnh làm không lương, anh Hậu đơn phương phá bỏ hợp đồng, ra làm ngoài cho các chủ người Nga, vớ được việc gì làm việc ấy. Chắt bóp, tiết kiệm hết mức, suốt 6 năm trời ròng rã, anh Hậu gửi được hơn 200 triệu đồng về nhà. Đến ngày 17.7.2013, Hậu bị công an liên ngành về cư trú ngoại kiều Nga kiểm tra và đưa về khu trại tạm giữ người nhập cư bất hợp pháp rồi trục xuất.
Sang Nga chưa đầy 1 năm, anh T.Đ.Đ (30 tuổi, xóm 6, thôn Thành Công, xã Tiền Phong) cũng vừa khăn gói lầm lũi trở về tháng trước. Nhớ lại điều kiện sống tồi tàn khi còn ở xứ người, anh Đ. kể: “Chúng tôi không có nước để tắm, người hôi hám bẩn thỉu, hôm nào trời mưa to thì may chăng hôm đó được tắm táp, ăn uống sạch sẽ, chứ mưa nhỏ hoặc không mưa thì nhục lắm”.
Nhiều chỗ khác mà anh chứng kiến, người lao động Việt còn phải uống nước múc từ đồng ruộng lên, ở lều bạt, ngủ dưới đất. Không có hộ chiếu, không có giấy phép lao động, anh Đ. bị phía Nga trục xuất vì là người nhập cư, lao động bất hợp pháp. Vừa trở về quê nhà, anh lại đi xách vữa, bê gạch, đi xây trên tận Lạng Sơn, quần quật làm việc sớm tối để trả nợ. Cái giá phải trả cho giấc mơ đổi đời quá đắt: cộng cả khoản tiền phá hợp đồng và chi phí đi Nga hơn 1 năm của anh Đ. lên tới gần 100 triệu đồng.
|
Đi Nga dễ như đi chợ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thủ tục “xuất khẩu lao động” đi Nga theo những đường dây môi giới ở Yên Dũng dễ như đi chợ, chỉ cần chạy đủ số tiền 50-60 triệu đồng nộp cho chủ cai sẽ được bay sang “miền đất hứa” làm việc. Theo như lời hứa của các chủ cai, công việc nhẹ nhàng, ổn định, ngày làm 8 tiếng, hưởng lương trên dưới 1.000 USD/tháng. Việc của người lao động là chạy tiền, còn các thủ tục khác, các cai thầu này sẽ lo từ A đến Z. Nhiều đợt, cai thầu còn về tận xã tổ chức mời người dân đến để thông báo tuyển dụng lao động không giới hạn số lượng. Người dân trong xã rỉ tai nhau kéo đến chật kín, ồ ạt làm thủ tục xin được “đi đổi đời”. Với chiêu bài “tuyển dụng lao động” mà thực chất là môi giới lao động trái phép, mỗi đợt các chủ cai thầu đưa hàng chục người dân nghèo sang Nga làm việc.
Theo tố cáo từ các gia đình nạn nhân, tại địa bàn H.Yên Dũng có hai chủ cai thầu lớn từng đưa hàng trăm lao động đi Nga theo hình thức du lịch. Chủ cai tên Th. (ở thôn Đồng Sung, xã Đồng Sơn, TP.Bắc Giang) hiện đang cư trú ở Nga, thỉnh thoảng lại về quê tuyển thêm lao động sang Nga làm về xây dựng, chủ yếu đi xách vữa, bốc vác… Ai có tiền nộp đủ thì tuyển, không cần bằng cấp hay phải học nghề, thủ tục khác cai sẽ lo hết. Tương tự, đường dây đi lao động ở Nga của chủ cai Tr. (thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong, H.Yên Dũng) cũng dùng lương cao để dụ dỗ người dân qua Nga lao động.
Đắng cay hơn, nếu người lao động phá bỏ hợp đồng, các chủ cai này thẳng tay viết giấy nợ yêu cầu các gia đình ở quê trả khoản tiền bồi thường thiệt hại hợp đồng. Anh T.Đ.Đ và 3 người khác đi cùng đợt đều bị viết giấy nợ gần 60 triệu đồng, gồm hàng loạt các khoản tiền như tiền nợ vé máy bay sang Nga, tiền làm giấy tờ, tiền vi phạm kỷ luật, tiền gia hạn hộ khẩu mới, tiền chi phí cho việc tìm kiếm, tiền chậm tiến độ thi công, gửi về buộc gia đình thanh toán bồi thường thiệt hại trong thời gian 3 tháng…
“Điều tôi đau khổ nhất là toàn anh em họ hàng, làng xóm với nhau mà nỡ lừa lọc nhau. Con tôi giờ chưa biết lưu lạc phương nào mà ở nhà đã có giấy đòi nợ thiệt hại, đúng là cám cảnh”, bà Thân Thị Nga, mẹ anh Tư chỉ biết khóc ròng khi nhắc đến con.
Chính quyền, cơ quan chức năng không biết Trao đổi với chúng tôi, ông Thân Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, cho biết: “Những năm 2006 – 2007, người dân trong xã ồ ạt đi Nga. Nhưng hầu hết các trường hợp này đi theo hình thức tự phát, không thông qua xã, nên xã không thể nắm con số cụ thể bao nhiêu”. Trong khi đó, từ năm 2008 đến nay Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Giang đã phối hợp lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 4 vụ môi giới, đưa người lao động sang Nga trái phép. Ông Trần Văn Hà, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Giang, cho biết hầu hết những trường hợp phát hiện, xử lý đều do người dân có đơn trình báo, đơn tố cáo thì sở mới biết vào cuộc phối hợp với các ngành chức năng khác tổ chức điều tra. Trong những vụ việc này, sở cũng thừa nhận một phần trách nhiệm, hạn chế khi chưa phát hiện kịp thời những đường dây môi giới xuất khẩu lao động trái phép trên địa bàn.
|
Nguyễn Tuấn