VN cần học Nhật, Hàn Quốc, Singapore
Cả ba nhà khoa học đoạt giải Nobel – giáo sư Sheldon Lee Glashow, David Gross và George Smoot – đều khẳng định VN có thể học bài học của Nhật, Hàn Quốc, Singapore để trở thành một xã hội công nghiệp bằng việc đầu tư vào khoa học.
VN cần học Nhật, Hàn Quốc, Singapore
Giáo sư Ngô Bảo Châu (bìa phải) cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước tại buổi khánh thành Trung tâm ICISE -Ảnh: TR.Đăng
Trò chuyện cùng ba nhà KH đoạt giải Nobel:
Đó là ba giáo sư Sheldon Lee Glashow, David Gross và George Smoot. Cả ba đều khẳng định VN có thể học bài học của Nhật, Hàn Quốc, Singapore để trở thành một xã hội công nghiệp bằng việc đầu tư vào khoa học.
Trung tâm ICISE, nơi gặp gỡ của các nhà khoa học Sáng 12-8, tòa nhà trung tâm hội nghị thuộc Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ICISE tại thành phố Quy Nhơn đã được khánh thành sau hơn một năm xây dựng. Nơi đây khi hoàn thiện sẽ trở thành một tổ hợp gồm nhiều hạng mục phục vụ sự giao lưu, gặp gỡ của giới khoa học trong và ngoài nước. Ông Lê Hữu Lộc, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tổng đầu tư giai đoạn một là 80 tỉ đồng, trong đó kinh phí của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân khoảng 40 tỉ đồng, còn lại ngân sách tỉnh hỗ trợ. Giai đoạn tiếp theo dự kiến sẽ cần đầu tư tối thiểu 200 tỉ đồng. Trong khuôn khổ “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9, ngày 12-8 hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” đã được khai mạc dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và nhà bác học George Smoot. Hội nghị “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” sẽ kéo dài đến ngày 17-8 tại Trung tâm ICISE. Nhân dịp khai mạc hội nghị, vào tối 12-8, 11 học sinh vừa đoạt giải Olympic quốc tế về toán học và vật lý đã được giao lưu với các nhà khoa học quốc tế. H.NHUNG |
* Đối với một nền kinh tế đang phát triển như VN, phải chăng đầu tư vào khoa học ứng dụng là công việc khẩn cấp hơn?
– Giáo sư George Smoot: Những quốc gia có nguồn tài nguyên lớn về dầu mỏ, khí đốt… có dư tiền để mua công nghệ và kiến thức nước ngoài để phát triển kinh tế. Nhưng một đất nước không có nhiều tài nguyên, dân số lại đông như VN thì không thể làm như vậy. VN cần phải phát triển kinh tế và tất cả sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn con người. Nhà nước phải đầu tư tiền bạc, thời gian để phát triển nguồn vốn con người. Và công nghệ phát triển càng mạnh thì càng cần một nền tảng khoa học cơ bản vững mạnh.
Trong mười năm qua, Trung Quốc đã nhận ra tầm quan trọng của khoa học cơ bản và đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Trước đó Nhật và Hàn Quốc đã thực hiện rất tốt chiến lược này và trở thành những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Từ những trung tâm nghiên cứu cơ bản, các nước này phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao. VN cũng có thể học tập chiến lược đưa các chuyên gia từ nước ngoài về để chuyển giao kỹ thuật, công nghệ.
- Giáo sư David Gross: Quan niệm chỉ cần khoa học ứng dụng là hết sức thiển cận. Một xã hội công nghệ cao luôn cần một nền tảng khoa học cơ bản mạnh mẽ. Bởi chính nền tảng khoa học cơ bản là nguồn chủ yếu thu hút các tài năng khoa học. Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore hiểu rõ bài học này. Tôi cho rằng đã đến lúc VN cần phải đầu tư mạnh mẽ vào khoa học cơ bản.
* VN phải bắt đầu như thế nào để trở thành một xã hội công nghệ?
- Giáo sư Sheldon Lee Glashow: Câu trả lời bao gồm ba hướng. Thứ nhất, người dân VN cần phải nhận ra rằng khoa học và công nghệ đóng vai trò không thể thiếu đối với tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, Nhà nước cần đào tạo nhân lực theo hướng đúng đắn. Nghĩa là học sinh, sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu, khám phá và giải quyết vấn đề. Giáo viên chỉ đóng vai trò thứ yếu. Thứ ba, Nhà nước cần hỗ trợ để các nhà khoa học VN tiếp cận với giới khoa học quốc tế.
- Giáo sư David Gross: Khi đến thăm một số trường đại học ở TP.HCM, tôi đã bị sốc vì hạ tầng khoa học nghèo nàn ở đó. Nhà nước cần phải đầu tư mạnh mẽ vào các trường đại học, biến các trường này thành những trung tâm nghiên cứu khoa học thực thụ. Tôi tiếp xúc với các sinh viên VN và thấy nhiều người rất thông minh và có đam mê khoa học.
Vấn đề là phải tạo điều kiện và xây dựng hạ tầng cho nguồn nhân lực trẻ này phát triển. VN cần phải có tham vọng bởi VN là quốc gia còn lớn hơn Hàn Quốc cơ mà.
* Hội nghị khoa học Gặp gỡ VN sẽ có tác động như thế nào đối với sự phát triển khoa học của VN?
– Giáo sư Glashow: Tác động lớn nhất, theo tôi, là hội nghị sẽ giúp người dân VN hiểu rõ hơn vai trò của khoa học cơ bản và muốn Nhà nước phát triển khoa học cơ bản. Chúng ta cũng cần nhiều hội nghị như thế này để khuyến khích sự hợp tác giữa các nhà khoa học trẻ VN và giới khoa học quốc tế. Đây là điều rất quan trọng. VN không thể sáng tạo ra khoa học VN mà phải tham gia vào thế giới khoa học quốc tế.
HIẾU TRUNG