23/11/2024

Giải đáp phụng vụ: Khi một linh mục có tội trọng, ngài cử hành Thánh lễ được không?

Hỏi: Cha có thể trả lời cho con các câu hỏi tế nhị này không? Khi một linh mục phạm tội trọng, và được biết đến công khai là có tội trọng (say rượu thường xuyên; giao du với phụ nữ,…) và Giám mục cho phép linh mục ấy cử hành Thánh lễ cách công khai, có điều khoản Giáo luật nào nói về việc này không?… Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum, Rôma.

 Giải đáp phụng vụ: Khi một linh mục có tội trọng, ngài cử hành Thánh lễ được không?


Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Cha có thể trả lời cho con các câu hỏi tế nhị này không? Khi một linh mục phạm tội trọng, và được biết đến công khai là có tội trọng (say rượu thường xuyên; giao du với phụ nữ,…) và Giám mục cho phép linh mục ấy cử hành Thánh lễ cách công khai, có điều khoản Giáo luật nào nói về việc này không? Hoặc, nếu một linh mục đã làm cho một phụ nữ có thai, sau đó khuyến khích cô ấy đi phá thai (điều có thực ở đất nước chúng tôi), liệu có sự trừng phạt nào đối với linh mục ấy, thay vì cứ để cho linh mục ấy cử hành Thánh lễ cách công khai? – K. G., Sudan

Đáp: Đây quả thật là các câu hỏi tế nhị và người ta cũng thật buồn để trả lời chúng. Tôi không phải là chuyên viên giáo luật, và do đó không thể trả lời về các sự phức tạp của qui trình giáo luật. Tuy nhiên, tôi có thể cung cấp một số gợi ý liên quan đến các bí tích.

Một linh mục phạm tội trọng, giống như bất kỳ tín hữu nào, phải tìm kiếm sự hòa giải bí tích càng sớm càng tốt. Trong khi đó, linh mục này nên tránh càng xa càng tốt việc cử hành các bí tích.

Qua chữ “càng xa càng tốt”, tôi muốn nói rằng nếu linh mục không thể đi xưng tội trước khi chăm lo các nhu cầu của tín hữu, thì ngài cần ăn năn tội cách trọn và cử hành bí tích. Hành vi ăn năn tội này bao hàm cả ý định đi xưng tội càng sớm càng tốt, và quyết tâm không phạm tội nữa. Lẽ tất nhiên nguyên tắc luân lý này được áp dụng cho sự sa ngã tạm thời (và thường là bí mật).

Điều 916 của Bộ Giáo Luật nói: ” Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước, thì không được làm lễ và không được rước lễ, trừ khi có lý do quan trọng và không có dịp tiện đi xưng tội. Trong trường hợp này, họ phải tâm niệm về bổn phận thống hối trọn vẹn, bao gồm lòng dốc quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể (xem thêm Điều 1335)”. (Bản dịch Việt ngữ của Bộ Giáo Luật do các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh thực hiện).

Lưu ý rằng điều luật trên đòi hỏi “một lý do quan trọng” để tận dụng ngoại lệ này.

Một lý do quan trọng như vậy là dựa trên nguyên tắc lợi ích của các linh hồn. Nếu một linh mục phải cử hành Thánh Lễ, hoặc có người xin xưng tội, xin Bí tích Xức dầu Bệnh Nhân, hoặc bất kỳ bí tích khác từ linh mục này, vốn phải được thực hiện trước khi linh mục đi xưng tội, thì ngài có thể, và thường phải, cử hành bí tích.

Một lý do quan trọng thứ hai bắt nguồn từ nguy cơ của sự ô nhục bằng cách công khai tiết lộ tình trạng của linh hồn một người. Điều này có thể xảy ra trong trường hợp của một linh mục trong hoàn cảnh bị cô lập, khi không có ai khác để cử hành thánh lễ. Ngài không cần làm điều gì khiến cho mọi người nghi ngờ ngài đang thiếu tình trạng ân sủng.

Trường hợp, được độc giả của chúng tôi đề cập đến, bao hàm một tình hình nghiêm trọng hơn, trong đó linh mục đang công khai sống trong một tình trạng vô luân khách quan, với các dấu hiệu không rõ ràng của sự sẵn sàng thay đổi. Mặc dù chỉ có Chúa mới biết tâm hồn người ta, một tội lỗi công khai đòi hỏi một hình thức xa rời công khai khỏi đời sống tội lỗi. Các bí tích được cử hành bởi một linh mục không ăn năn là hành vi phạm thánh nghiêm trọng. Chúng có thể là thành sự, nhưng là bất hợp pháp.

Một linh mục xúi một phụ nữ phá thai là tự động bị vạ tuyệt thông, là “bất hợp luật” và bị ngăn trở không được hành sử chức thánh của mình (Các Điều 1398, 1041,4, 1043). Linh mục này không thể cử hành các bí tích và không lãnh bí tích xá giải, cho đến khi vạ tuyệt thông được chính thức dỡ bỏ. Nếu ngài tiếp tục hành sử chức thánh của mình, không những việc cử hành của ngài là phạm thánh, mà Bí Tích Hòa Giải và Bí tích Hôn phối do ngài cử hành cũng là vô hiệu (xem Điều 1331 § 2.1).

Nếu tình trạng vạ tuyệt thông của ngài đã được nhiểu người biết cách công khai, thì tín hữu không nên tham dự bất kỳ việc cử hành nào của ngài, hoặc không xin lợi ích thiêng liêng từ ngài, ngoại trừ trong trường hợp nguy tử. Ngay cả khi ngài là linh mục duy nhất hiện diện trong khu vực, các tín hữu không nên tham dự thánh lễ Chúa Nhật và thánh lễ ngày thường do ngài cử hành.

Trong các tình huống như vậy, một Giám mục không thể “cho phép” một linh mục tiếp tục như bình thường. Giám mục có một trách nhiệm nặng nề đối với việc đảm bảo sự thánh thiện của các bí tích. Một Giám mục không thể trao một sự cho phép tích cực cho một hành động phạm thánh, mà không có Ngài, nó trở thành tội phạm thánh. Nếu Ngài quay mặt làm ngơ, Ngài sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức do sơ suất đáng khiển trách, và sẽ phải trả lời một số câu hỏi nghiêm trọng trong ngày Phán xét.

Đồng thời, các tín hữu không nên cho rằng vị Giám mục biết hết mọi chuyện đang xảy ra. Nếu họ có bằng chứng chắc chắn, chứ không chỉ là tin đồn, về hành vi vô luân công khai của một linh mục, họ cần trình bày cho Giám mục biết. Nếu bằng chứng là vững chắc, vị Giám mục phải tuân theo các thủ tục Giáo luật đã qui định, trước tiên là không cho linh mục ấy hành sử chức thánh, và sau đó quyết định bước tiếp theo cho linh mục ấy. Nếu Giám mục từ chối hành động, các tín hữu nên trình bày vấn đề cho Sứ thần Tòa thánh hoặc trực tiếp cho Tòa Thánh.

Trong trường hợp thứ nhất, miễn là không có sự lạm dụng trẻ vị thành niên liên quan, Giám mục nên xem xét liệu còn có bất kỳ hy vọng nào cho sự hoán cải thật sự của linh mục ấy, vốn sẽ cho phép linh mục ấy bắt đầu lại trong một tình hình khác, ở nơi mà sự yếu đuối của ngài chưa được biết tới. Tôi biết có nhiều sự hoán cải như thế, chẳng hạn như một vụ hoán cải, mà trong đó Thiên Chúa đã sử dụng một chứng bệnh nặng để đem một cha xứ tội lỗi ăn năn hối cải, và khôi phục lại ý nghĩa của sứ vụ và đời sống của mình. Ngày nay, nhiều năm sau đó, linh mục này được xem là một thừa tác viên gương mẫu của Tin Mừng.

Nếu sự thay đổi dường như là không thể được, hoặc nếu ngài lạm dụng trẻ vị thành niên, ngài cần phải bị loại bỏ khỏi sứ vụ. Nếu ngài có con cái, trách nhiệm làm bố của ngài phải là ưu tiên hơn là sống trong chức linh mục.

Trong trường hợp của linh mục bị vạ tuyệt thông tự động bằng cách xúi phá thai, sự trầm trọng của tội này phải loại trừ ngài khỏi sự hành sử chức thánh của ngài. Người ta hy vọng rằng ngài sẽ ăn năn và được dỡ bỏ vạ tuyệt thông, nhưng ngài không thể còn hoạt động như vị đại diện của Chúa Kitô. Việc loại ngài khỏi sứ vụ là một hình phạt xứng đáng và tương đối nhỏ, vì ngài đã là công cụ trong việc giết người vô tội.

Các tình huống buồn và đau lòng như vậy có thể thúc đẩy chúng ta cầu nguyện cho sự thánh thiện của các linh mục và đền bù cho tội lỗi của các vị nữa. (Zenit.org 3-8-2011)

Nguyễn Trọng Đa