09/01/2025

Hội Tam Hoàng tràn sang châu Phi

Nỗi ám ảnh mang tên hội Tam Hoàng đang lan sang “Lục địa đen” cùng với những khoản đầu tư kếch sù từ Trung Quốc.

 

Hội Tam Hoàng tràn sang châu Phi

Nỗi ám ảnh mang tên hội Tam Hoàng đang lan sang “Lục địa đen” cùng với những khoản đầu tư kếch sù từ Trung Quốc.

Tờ The Nairobian, một trong những nhật báo lớn nhất Kenya, vừa đăng bài điều tra cảnh báo về các hoạt động của tập đoàn tội phạm Trung Quốc khét tiếng hội Tam Hoàng tại nước này. Theo đó, trong bối cảnh Trung Quốc đang đổ những khoản đầu tư khổng lồ vào Kenya, bọn tội phạm nhìn ra một địa bàn làm ăn béo bở mới. Các nguồn tin của The Nairobian cho hay hội Tam Hoàng ra sức mở rộng hoạt động ở châu Phi từ cho vay nặng lãi, cờ bạc, buôn lậu súng ống, sừng tê giác, vàng và kim cương cho đến buôn người và trục tiền từ cộng đồng người Hoa đang rất ăn nên làm ra tại đây.

Những kẻ xăm mình ở Nairobi

The Nairobian dẫn lời một doanh nhân Trung Quốc giấu tên tiết lộ rằng một vài người bạn của ông ở khu Hurlingham, thủ đô Nairobi, bị một số tên đón đầu, đề nghị móc nối những vụ làm ăn mờ ám và bảo kê. Ông này cũng biết được những băng nhóm tội phạm đang lập các nhà thổ, chứa các cô gái bị đưa lậu từ Trung Quốc để phục vụ cho cộng đồng Hoa kiều. Theo tờ báo, người Trung Quốc lẫn dân bản xứ đang rất lo ngại khi ngày nào cũng thấy những tên mặt mũi bặm trợn, xăm đầy người đi lại nghênh ngang trên đường phố.

 
Thành viên băng Phúc Thanh về đến Trung Quốc sau khi bị trục xuất khỏi Angola - Ảnh: AFP

Một số chuyên gia nhận định sự hiện diện đáng ngờ của thành viên hội Tam Hoàng tại Kenya cũng ăn khớp với xu hướng chung tại những nơi khác trên thế giới. Theo đó, tổ chức khét tiếng này thiết lập chân rết tại những quốc gia chứng kiến sự phát triển về dân số cộng đồng lẫn hoạt động kinh doanh của người Trung Quốc. Tờ The Nairobian còn dẫn một nguồn tin an ninh giấu tên cáo buộc “mafia” Trung Quốc đã nhúng tay vào hoạt động săn bắn trộm tại Kenya. Trong vòng 6 tháng đầu năm 2013, giới hữu trách sở tại đã tịch thu hơn 7,5 tấn ngà voi, cao hơn con số trong cả năm 2012, trong đó chủ yếu dính líu tới người Trung Quốc.

Vươn vòi bạch tuộc

Nỗi ám ảnh về các “mafia” Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Kenya. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các tập đoàn tội phạm có tổ chức hoạt động hầu như tại mọi quốc gia châu Phi, đặc biệt ở các vùng bờ biển và khai mỏ. Các băng nhóm này là đầu nậu thu mua chính các món đặc sản và hàng quý hiếm, như ngà voi, vây cá mập, sừng tê giác, vàng và kim cương khai thác trái phép. Ở Botswana và Nam Phi, các phần tử xã hội đen bị cáo buộc gây ra các vụ thủ tiêu dã man nhằm vào người Hoa và cả dân bản xứ.

Hồi năm ngoái, Angola trục xuất các tay anh chị Trung Quốc nhúng tay vào nhiều vụ trọng án từ buôn người, dụ dỗ bán dâm đến bắt cóc, tống tiền, cướp có vũ trang nhằm vào người Hoa giàu có và được trọng vọng. Theo Tân Hoa xã, tổng cộng đã có 37 công dân Trung Quốc bị trục xuất vào tháng 7.2012, chủ yếu là thành viên băng Phúc Thanh, một nhánh của hội Tam Hoàng. Còn theo BBC, Bộ Công an Trung Quốc đã gửi một nhóm đặc nhiệm đến Luanda vào thời điểm đó để hỗ trợ cảnh sát địa phương điều tra các băng nhóm tội phạm gốc Trung Quốc đang hoành hành tại đây. Thậm chí, “mafia” Trung Quốc còn không tha các nhà ngoại giao Hàn Quốc tại Nam Phi. Tờ báo địa phương The Independent vào tháng 2.2010 đưa tin bọn chúng đã theo sát 4 nhà ngoại giao Hàn Quốc và gia đình của họ trong vài tuần, trước khi tiếp cận và tống tiền.

Mới đây, chính quyền Ghana hồi tháng trước đã trục xuất 4.500 người Trung Quốc với cáo buộc khai thác vàng trái phép, theo tờ The Guardian. Trong số này có nhiều tay anh chị máu mặt, bỏ tiền ra thuê mỏ, mướn người đồng hương và dân bản xứ khai thác lậu. Một số nguồn tin cho hay bọn này đối xử rất tàn tệ với người dân địa phương, thường đánh đập, bóc lột, thậm chí cưỡng bức và dẫn đến nhiều vụ đụng độ chết người.

Trả lời phỏng vấn của The Guardian về đợt trục xuất, phát ngôn viên của cơ quan nhập cảnh Ghana là Michael Amoako-Atta khẳng định: “Đây chỉ là giai đoạn đầu trong chiến dịch mà chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành trong thời gian tới”. Tuy nhiên, theo giới quan sát, không phải lúc nào chính quyền các nước cũng công khai tỏ ra mạnh tay như vậy mà thường tìm cách phối hợp với phía Trung Quốc giải quyết lặng lẽ hoặc thậm chí làm ngơ vì lo ngại ảnh hưởng đến nguồn đầu tư. 

Thụy Miên