Soi gương báo mạng

Báo cáo mới nhất về xu hướng báo chí thế giới do Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN-IFRA) công bố tại đại hội cho thấy lượng phát hành báo in giảm 2,2% trên toàn cầu trong năm năm qua, kéo theo doanh thu quảng cáo sụt 22%, chỉ đạt 93,45 tỉ USD vào năm ngoái, so với 119,75 tỉ USD năm 2008.

 Soi gương báo mạng

Báo chí thế giới thật sự đứng trước yêu cầu đổi mới khi cơn lốc thông tin trên mạng càn quét mấy năm qua. PV Tuổi Trẻ ghi nhận từ Đại hội báo chí thế giới vừa tổ chức ở Thái Lan đầu tháng 6.

 

Báo cáo mới nhất về xu hướng báo chí thế giới do Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN-IFRA) công bố tại đại hội cho thấy lượng phát hành báo in giảm 2,2% trên toàn cầu trong năm năm qua, kéo theo doanh thu quảng cáo sụt 22%, chỉ đạt 93,45 tỉ USD vào năm ngoái, so với 119,75 tỉ USD năm 2008.

Châu Á vẫn còn tăng trưởng

Các khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Bắc Mỹ (giảm 13% lượng phát hành, 42,1% doanh thu quảng cáo) và châu Âu (Tây Âu giảm 24,8% lượng phát hành, 23,3% doanh thu quảng cáo; Đông Âu giảm 27,4% lượng phát hành, 30,2% doanh thu quảng cáo). Trong khi đó, châu Á tăng 9,8% về lượng phát hành và 6,2% doanh thu quảng cáo – mức tăng đã chậm lại so với trước. Đây là hiện tượng dễ hiểu vì độc giả châu Á “di cư” sang các ấn bản trực tuyến vẫn còn chậm hơn so với hai khu vực phát triển kia.

Báo cáo còn cho hay việc tính phí người đọc báo mạng đang mang lại nguồn thu ngày càng nhiều để bù đắp những khoản hao hụt của báo in. Mỹ là một ví dụ khi gần phân nửa các tờ báo áp dụng tường phí (paywall – thuật ngữ chỉ giải pháp kỹ thuật áp dụng trên báo điện tử buộc người đọc phải đăng ký tài khoản và trả tiền để đọc tin tức) cho các phiên bản trực tuyến của mình. TS Stig Nordqvist, giám đốc điều hành phụ trách xuất bản và nội dung số của WAN-IFRA, nhấn mạnh: “Vấn đề của báo chí giờ đây không còn là tính phí (với báo chí mạng) hay không nữa mà là tính phí như thế nào”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông David Hoath – nguyên giám đốc điều hành của The Age, một trong những tờ báo lớn của Úc – nói: “Không có cái gọi là báo chí miễn phí do làm báo rất tốn kém. Nếu không có nguồn thu bù lại cho sự sụt giảm của báo in thì báo chí sẽ không tồn tại nữa”.

Đòi hỏi những bài báo chất lượng cao

Ông Gunnar Springfeldt – từng là phó chủ tịch phụ trách phát triển của Stampen Group, một tập đoàn truyền thông Thụy Điển – nhận xét với Tuổi Trẻ rằng báo chí buộc phải tính phí độc giả nhưng đồng thời phải tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt và chất lượng để thuyết phục họ bỏ tiền ra trong thời đại tin tức miễn phí có thể tìm thấy nhan nhản trên Internet như hiện nay.

Tuy nhiên, thu phí độc giả không phải lúc nào cũng dễ dàng trong một thế giới thông tin rộng mở. John Stackhouse – tổng biên tập tờ The Globe and Mail, một trong hai nhật báo lớn nhất Canada – khẳng định tại đại hội rằng tường phí sẽ khiến báo chí cạnh tranh hơn và là động lực cho ngành này phát triển hơn nữa do bản thân các tờ báo phải luôn tự làm mới mình, cung cấp tin tức chất lượng cao và các sản phẩm phụ trợ đi kèm để thu tiền độc giả.

Ông Springfeldt cũng cảnh báo: “Không phải cứ dựng tường phí lên là xong chuyện mà báo chí cần phải thu phí một cách thông minh”.

Trong một báo cáo trình bày tại đại hội, Juan Señor, làm việc tại Công ty tư vấn truyền thông Innovation Media Consulting ở Anh, khẳng định độc giả sẽ sẵn sàng trả phí với điều kiện báo chí phải tránh sa đà vào những tin tức thông thường mà phải tập trung vào những bài báo chất lượng cao, có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng. Tuy vậy, Señor nhấn mạnh các tin đơn thuần về các vấn đề xã hội và dân sự cần phải được giữ ở khu vực tin tức miễn phí một khi mô hình thu phí được áp dụng.

 

 

Doanh thu quảng cáo báo in VN giảm mạnh

Theo báo cáo mới nhất về xu hướng báo chí thế giới của WAN-IFRA, trong năm năm qua doanh thu quảng cáo trên báo in của VN giảm 9%, mức giảm sâu nhất trong khu vực. Singapore giảm 6%, Indonesia dẫn đầu với mức tăng kỷ lục 111%, tiếp đến là Malaysia tăng 39%.

VN đạt doanh thu quảng cáo trung bình 15 USD trên mỗi tờ báo bán ra, thấp nhất trong số sáu nước được nêu. Singapore dẫn đầu với mức 489 USD/tờ, theo sau là Malaysia (398 USD/tờ), Indonesia (240 USD/tờ), Thái Lan (90 USD/tờ) và Philippines (43 USD/tờ).

Về lượng phát hành báo in, Indonesia dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng đạt 29% trong giai đoạn 2008-2012, trong khi tỉ lệ tăng trưởng của VN là 0%. Các nước như Malaysia, Thái Lan và Philippines tăng nhẹ từ 1-6%, riêng Singapore sụt giảm 6%.

 

 

VIỆT TOÀN