Báo in VN tìm đường tồn tại

Tin vui lớn nhất cho làng báo nhân Ngày nhà báo VN 21-6 năm nay là tin Quốc hội giảm thuế suất cho báo in. Nghe ra thật không “cao cả” nhưng lại là sự thật, vì hơn lúc nào hết những tờ báo in mỏng manh đang thật sự phần phật trong “bão”. Cũng như báo chí thế giới, báo in VN cùng lúc phải đương đầu với khủng hoảng: khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng với báo điện tử.

Báo chí phải thay đổi, tạo khác biệt

Bạn đọc tiếp nhận thông tin từ các thiết bị nối mạng và rời bỏ dần báo in. Tìm cách sống chung với báo điện tử, thu phí đọc báo mạng và tìm sự khác biệt…là cách báo chí đang nổ lực để tồn tại.

Báo in VN tìm đường tồn tại

Tin vui lớn nhất cho làng báo nhân Ngày nhà báo VN 21-6 năm nay là tin Quốc hội giảm thuế suất cho báo in. Nghe ra thật không “cao cả” nhưng lại là sự thật, vì hơn lúc nào hết những tờ báo in mỏng manh đang thật sự phần phật trong “bão”.

 

Cũng như báo chí thế giới, báo in VN cùng lúc phải đương đầu với khủng hoảng: khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng với báo điện tử.

Ngày nhà báo cũng là ngày tạm biệt

Trong tờ báo e-CHÍP phát hành sáng 21-6 có in thư tạm biệt bạn đọc, tuyên bố đình bản hai tờ tuần báo e-CHÍP và e-CHÍP Đọc Xong Vọc Liền sau mười năm làm nhiệm vụ đưa tin học trở thành “cơm bình dân” cho bạn đọc. Như vậy từ ba tờ tuần báo, từ tháng 7-2013 chỉ còn bản in e-CHÍP Mobile. Là báo công nghệ, e-CHÍP tỏ thái độ chấp nhận “định mệnh” của báo in một cách nhẹ nhàng. Ông Hữu Thiện, tổng thư ký tòa soạn, cười tươi: “Chúng tôi chuyển từ e-CHÍP trên tay sang e-CHÍP trên mây và sẽ có những bước phát triển mới trong không gian mới, sẵn sàng cho một cuộc sống trực tuyến”.

Với các tờ báo in khác thì không được như vậy. Một tổng biên tập ôm đầu ngay khi nghe hỏi: “Giá thành của chúng tôi hiện nay cao hơn giá bán. Việc trông chờ giá giấy giảm là không có hi vọng”. Vòng xoay của sự thoái triển cứ kéo theo nhau: số lượng phát hành giảm, số lượng quảng cáo giảm, nguồn thu, lợi nhuận giảm, đầu tư cho sản phẩm giảm, nhuận bút giảm, nhân sự, động lực giảm, chất lượng nội dung giảm và lại quay vòng tới số lượng phát hành…

Không ít tờ báo in đã đuối sức. Có tờ báo sau những đợt khởi động rầm rộ với kỳ vọng lớn lao buộc phải ngừng những ấn bản in, duy trì lay lắt bản điện tử. Có tờ báo phải làm đơn xin được giảm kỳ phát hành. Có tờ chỉ còn duy trì được nhờ vào sự yêu mến và luyến tiếc của cán bộ công nhân viên, lương nợ, nhuận bút cũng nợ…

Chuyển không gian

Giải pháp chung và gần như duy nhất mà các báo đều chọn: chuyển sang báo điện tử. Một tờ báo truyền thống như tờ Sài Gòn Giải Phóng cũng đang dốc sức đầu tư bài bản cho lớp đào tạo phóng viên báo điện tử, quyết tâm chuyển không gian phát hành. Ở tất cả tòa soạn, yêu cầu phóng viên phải trở nên đa năng được lặp đi lặp lại. Bây giờ là thời không thể chỉ tác nghiệp đơn sơ với cuốn sổ, cây viết nữa mà phải lỉnh kỉnh mang theo nào máy ghi âm, chụp ảnh, quay phim, laptop, sản phẩm của nhà báo không chỉ là những bài báo in mà còn phải là bản tường thuật trực tuyến, bản ghi radio, bản quay clip, yêu cầu không chỉ là chất lượng mà tốc độ còn được đặt cao hơn…

“Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp cho tất cả” – ông Phạm Phú Tâm, tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, một tờ báo đang quyết tâm đẩy mạnh báo điện tử, quả quyết. Ông giải thích VN chưa có đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho báo mạng, người đọc VN chưa có thói quen trả tiền cho thông tin mình được đọc, các trang mạng lại chép, xào nấu, phát tán tự do các bài báo, người tạo ra sản phẩm không được hưởng lợi. “Do đó lúc giao thời sẽ có những tờ báo in phải đóng cửa” – ông Tâm khẳng định.

Biện pháp khẩn cấp

Nhiều tờ báo phải tìm những cách khác để có thêm hay giữ được doanh thu. Có báo cho thuê mặt bằng. Có báo mở rộng hình thức quảng cáo “mềm mại hơn với những bài viết liên quan đến các sản phẩm gia đình thực hiện trên trang nội dung để giữ được doanh thu quảng cáo” như lời bà Đỗ Thanh Nhã, tổng biên tập báo Phụ Nữ Thủ Đô, công nhận… Và tất cả nhà báo mà chúng tôi gặp đều mang một hi vọng chung: việc chuyển sang báo mạng ở VN sẽ chậm hơn thế giới.

Và khi ấy phải níu vào nội dung, dẫu sao chỗ đứng trong lòng độc giả của báo in VN vẫn còn vững. Ông Phạm Phú Tâm đề xuất: các báo phối hợp, liên kết trong khai thác, sử dụng thông tin, tạo nên sức mạnh cộng hưởng, cùng nhau mạnh và cùng nhau giữ bạn đọc.

Trong các cuộc khảo sát, thăm dò bạn đọc, đa số đều cho biết: mỗi khi một dòng tin “hot” được đăng trên báo mạng, người đọc báo luôn trông chờ sự xác tín của tờ báo in ngay sau đó, chờ những thông tin kiểm chứng, đối chiếu, so sánh, phân tích, bình luận trên tờ báo ấm nóng trên sạp. Giấy trắng mực đen luôn được tin tưởng hơn báo mạng tha hồ dán lên gỡ xuống. Kỳ vọng của bạn đọc có vẻ như sẽ là chìa khóa, giải pháp cuối cùng để những tờ báo giấy có thể kéo dài sự tồn tại của mình.

PHẠM VŨ