15/09/2024

Giáo Hội là đại gia đình của Thiên Chúa, trong đó tín hữu sống kinh nghiệm tình yêu và lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa

Giáo Hội là đại gia đình của Thiên Chúa, trong đó tín hữu sống kinh nghiệm tình yêu và lòng xót thương và luôn luôn tha thứ của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với hơn 100.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 29-5-2013.

Giáo Hội là đại gia đình của Thiên Chúa, trong đó tín hữu sống kinh nghiệm tình yêu và lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa 

 
Giáo Hội là đại gia đình của Thiên Chúa, trong đó tín hữu sống kinh nghiệm tình yêu và lòng xót thương và luôn luôn tha thứ của Thiên Chúa.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với hơn 100.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 29-5-2013.
 
Như thường lệ xe díp đã chở Đức Thánh Cha đi một vòng qua các lối đi giữa quảng trường để ngài chào tín hữu và du khách. Sau khi làm dấu Thánh giá Đức Thánh Cha đã khen ngợi mọi người can đảm đương đầu với trời mưa. Tuy nhiên sau đó trời từ từ sáng hơn và có nắng. Trong số các nhóm tín hữu cũng một vài tín hữu Việt Nam đến từ Hoa Kỳ, Pháp và Thuỵ Sĩ, trong đó có cả các anh chị em không Công giáo.
 
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu loạt bài giáo lý về sứ vụ của Giáo Hội, là mầu nhiệm mà chúng ta tất cả sống mỗi ngày và chúng ta là thành phần.
 
Trước hết, Giáo Hội như là gia đình của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nói: Trong các tháng qua, hơn một lần tôi đã quy chiếu dụ ngôn người con hoang đàng, hay đúng hơn người cha thương xót (x. Lc 15,11-32). Người con thứ bỏ nhà cha, và phung phí tất cả rồi quyết định trở về, bởi vì anh nhận ra rằng mình đã sai lầm, nhưng anh không coi mình xứng đáng là con nữa và nghĩ rằng mình chỉ có thể được tiếp nhận như là tôi tớ thôi. Người cha, trái lại, chạy ra gặp anh, ôm hôn anh và trả lại cho anh phẩm giá là con và làm lễ mừng anh trở về. Giống như các dụ ngôn khác của Phúc Âm, dụ ngôn này chỉ cho chúng ta thấy rõ dự định của Thiên Chúa đối với nhân loại.  
 
Đức Thánh Cha đưa ra câu hỏi và giải thích dự án đó như sau:
 
Dự án đó của Thiên Chúa là gì? Đó là làm cho chúng ta tất cả trở thành con cái của Ngài trong một gia đình duy nhất, trong đó từng người trong chúng ta cảm thấy Ngài gần gũi và được Ngài yêu thương, như trong dụ ngôn của Phúc Âm, cảm thấy hơi ấm gia đình của Thiên Chúa. Trong chương trình vĩ đại này, chúng ta tìm thấy nguồn gốc của Giáo Hội. Giáo Hội không phải là một tổ chức nảy sinh từ sự thoả thuận của vài người, nhưng – như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắc lại nhiều lần – Giáo Hội là công trình của Thiên Chúa, nảy sinh từ chính chương trình tình yêu đó và được thực hiện từ từ trong dòng lịch sử. Giáo Hội nảy sinh từ ước muốn của Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người bước vào sự hiệp thông với Người, bước vào tình bạn của Người, còn hơn thế nữa tham dự vào chính sự sống thiên linh của Người như là con cái Người. Chính từ “Giáo Hội” tiếng Hylạp là “ekklesia” có nghĩa là “triệu mời”. Thiên Chúa triệu vời chúng ta, thúc đẩy chúng ta ra khỏi khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa, ra khỏi khuynh hướng khép kín trong chính mình, và Người mời gọi chúng ta là thành phần gia đình của Người.
 
Việc mời gọi ấy có nguồn gốc trong chính sự tạo dựng. Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta để chúng ta sống trong một tương quan tình bạn sâu xa với Người, và cả khi tội lỗi đã bẻ gãy tương quan đó với Người, với tha nhân và với các thụ tạo, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi chúng ta. 
 
Đức Thánh Cha định nghĩa lịch sử cứu độ như sau:
 
Toàn lịch sử cứu độ là lịch sử của Thiên Chúa đi kiếm tìm con người, cống hiến cho con người tinh yêu của Ngài và tiếp nhận con người. Thiên Chúa đã kêu gọi ông Abraham là cha của một đám đông, Người đã chọn dân Israel để ký kết một giao ước bao gồm tất cả mọi người, và đến thời viên mãn đã gửi Con của Người đến để chương trình tình yêu thương va ơn cứu độ của Người được thực hiên trong một giao ước mới và vĩnh cửu với toàn nhân loại. Khi đọc các sách Phúc Âm, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu quy tụ chung quanh Người một cộng đoàn nhỏ tiếp đón lời Người, theo Người, chia sẻ con đường của Người, trở thành gia đình của Người, và với cộng đoàn ấy Người chuẩn bị và xây dựng Giáo Hội Người.
 
Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha hỏi tiếp: Như thế, Giáo Hội nảy sinh ở đâu? Giáo Hội nảy sinh từ cử chỉ tột đỉnh tình yêu thương của Thập giá, từ cạnh sườn rộng mở của Chúa Giêsu, từ đó máu và nước chảy ra, biểu tượng cho Bí tích Thánh Thể và Rửa Tội. Trong gia đình của Thiên Chúa, trong Giáo Hội nhựa sống là tình yêu thương của Thiên Chúa, được cụ thể hoá trong việc mến Chúa và yêu người, yêu tất cả mọi người không phân biệt và đong đếm. Giáo Hội là gia đình trong đó người ta yêu thương nhau và được yêu thương.
 
Khi nào Giáo Hội được biểu lộ ra? Chúng ta đã cử hành cách đây hai Chúa Nhật rồi: Giáo Hội được biểu lộ ra, khi ơn Chúa Thánh Thần tràn đầy con tim của các Tông đồ và thúc đẩy các vị đi ra khỏi Nhà Tiệc Ly và bắt đầu con đường loan báo Tin Mừng, phổ biến tình yêu của Thiên Chúa. 
 
Gợi lại sự kiện nhiều người ngày nay chấp nhận Chúa Kitô nhưng lại không muốn chấp nhận Giáo Hội, Đức Thánh Cha nói:
 
Cả ngày nay nữa cũng còn có người nói: “Chúa Kitô thì được, nhưng Giáo Hội thì không.” Cũng như những người nói: “Tôi tin Thiên Chúa nhưng không tin các linh mục.” Nhưng mà chính Giáo Hội đem chúng ta tới với Chúa Kitô, và Chúa Kitô đưa chúng ta tới với Thiên Chúa; Giáo Hội là đại gia đình các con cái của Thiên Chúa. Chắc chắn cả Giáo Hôi cũng có các khía cạnh nhân loại: nơi những người tạo thành Giáo Hội, các Chủ chăn và các giáo dân có các khuyết điểm, bất toàn, tội lỗi. Cả Đức Giáo hoàng cũng có các tội lỗi và biết bao nhiêu tội lỗi, nhưng điều xinh đẹp đó là khi chúng ta nhận ra mình là những người tội lỗi, thì chúng ta tìm thấy lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng luôn tha thứ. Chúng ta đừng quên điều đó: Thiên Chúa luôn luôn tha thứ và tiếp nhận chúng ta trong tình yêu tha thứ và xót thương của Người. Có người nói rằng tội lỗi là việc xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng cũng là một cơ may khiêm nhường để nhận ra một điều xinh đẹp khác nữa: đó là lòng xót thương của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghĩ tới điều đó.
 
Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ: Ngày nay, chúng ta hãy tự vấn: Tôi yêu Giáo Hội bao nhiêu rồi? Tôi có cầu nguyện cho Giáo Hội không? Tôi có cảm thấy mình là thành phần của gia đình Giáo Hội không? Tôi làm gì để cho cộng đồng, trong đó mỗi người cảm thấy được tiếp đón và hiểu biết, cảm thấy lòng xót thương và tình yêu của Thiên Chúa canh tân cuộc sống? Đức tin là một ơn và là một hành động liên quan tới chúng ta một cách riêng rẽ, nhưng Thiên Chúa mời gọi chúng ta cùng nhau sống đức tin ấy như gia đình, như Giáo Hội.
 
Chúng ta hãy cầu xin Chúa một cách đặc biệt trong Năm Đức Tin này để cho các cộng đoàn của chúng ta, để toàn thể Giáo Hội, luôn ngày càng là các gia đình thật sự sống và đem hơi ấm của Thiên Chúa đến cho mọi người.
 
Chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, Đức Thánh Cha khuyến khích họ yêu mến Giáo Hội như Chúa Giêsu đã yêu thương, hiến mạng sống cho Giáo Hội, thông truyền tình yêu của Người cho Giáo Hội, và đừng ngần ngại bênh vực Giáo Hội, xả thân vì Giáo Hội, phục vụ Giáo Hội và khiến cho Giáo Hội trở thành huynh đệ và biết tiếp đón hơn.
 
Với các tín hữu nói tiếng Anh, ngài cầu chúc họ luôn lớn lên trong tình yêu đối với Chúa Kitô và đại gia đình của Người là Giáo Hội.
 
Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh Cha đặc biệt chào các bạn trẻ tham dự buổi canh thức tại trại hè Lednica ngày mồng 1 tháng 6 này về đề tài tình hiền phụ của Thiên Chúa. Thiên Chúa là mẫu gương của mọi tình hiền phụ trần gian. Đức Thánh Cha khuyến khích người trẻ cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho mình một người cha trần thế sinh ra, dưỡng dục, nuôi nấng, yêu thương mình, vì thế, phải cầu nguyện cho các vị, cả khi các tương quan giữa cha con không đựơc tốt đẹp. Đặc biệt, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các bạn trẻ đừng sợ hãi là cha gia đình, sinh con cái và cũng là cha tinh thần cho các anh chị em khác.
 
Vì ngày thứ năm là lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người tham dự Thánh lễ ngài cử hành lúc 7 giờ chiều tại thềm Đền thờ Thánh Gioan Laterano là Nhà thờ Chính toà của Giáo phận Roma, và cuộc kiệu và chầu Thánh Thể sau đó tại Đền thờ Đức Bà Cả.
 
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
 
Trong số các hồng y và giám mục lên chào Đức Thánh Cha có Đức Hồng y Paolo Romeo, Tổng Giám mục Palermo. Đức Hồng y đã tặng Đức Thánh Cha một mặt nhật có thánh tích của tân Chân phước Linh mục Giuseppe Puglisi mới được tôn phong ngày 25-5 vừa qua.