Lo âu chim yến nhiễm H5N1

Gần 5.000 con chim yến nuôi tại TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã chết trong mấy ngày gần đây. Người nuôi chim yến và cả người dân lo lắng khi lần đầu tiên nhiều mẫu xét nghiệm chim yến chết dương tính với virút cúm A/H5N1.

Lo âu chim yến nhiễm H5N1

Gần 5.000 con chim yến nuôi tại TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã chết trong mấy ngày gần đây. Người nuôi chim yến và cả người dân lo lắng khi lần đầu tiên nhiều mẫu xét nghiệm chim yến chết dương tính với virút cúm A/H5N1.

Người dân vô tư bày bán đồ ăn trước rạp hát Thanh Bình trên đường Thống Nhất (TP Phan Rang – Tháp Chàm) – nơi có gần 5.000 con chim yến chết – Ảnh: Văn Kỳ 

Theo bà Nguyễn Thị Huệ – phó chủ tịch UBND TP Phan Rang – Tháp Chàm, từ ngày 28-3 đến chiều 11-4 có 4.900 chim yến trong tổng đàn 10.000 con do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Yến Việt nuôi ở rạp hát Thanh Bình đã chết. Trong số mẫu chim yến chết được xét nghiệm tại Cơ quan Thú y vùng 6 (Cục Thú y) có tám mẫu dương tính với virút H5N1.

Lo dịch H5N1 nhưng vẫn đợi chim về

 

Tăng cường lấy mẫu chim yến xét nghiệm

Ngày 11-4, ông Phan Xuân Thảo – chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM – cho biết đã tăng cường các biện pháp kiểm soát, giám sát chim yến trên địa bàn TP. Chi cục Thú y đã lấy 12 mẫu chim yến tại khu vực nuôi chim yến của huyện Cần Giờ để xét nghiệm H5N1.

Trước đó, năm 2012 và quý 1-2013, Chi cục Thú y đã xét nghiệm 94 mẫu chim yến nhưng kết quả đều âm tính với H5N1.

QUANG KHẢI

 

Ông Nguyễn Văn Khôi, chủ cơ sở nuôi chim yến ở khu phố 6 (P.Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm), thổ lộ: “Sau khi biết thông tin chim yến chết dương tính với virút H5N1 tôi rất hoang mang. Cơ quan chức năng đã đến đây lấy mẫu phân, tổ yến, chim non, chim trưởng thành đi xét nghiệm và ngày 16-4 mới có kết quả, nên từ nay đến đó vẫn hồi hộp chờ đợi. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu chim yến bị nhiễm virút H5N1 thì rất khó khống chế bởi đường bay của chim yến rất xa, sáng chúng đi kiếm ăn, tối mới về nhà, trong khi mình không biết được cả ngày chúng bay đi đâu”. Cùng lo lắng, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, chủ hộ nuôi chim yến ở P.Tấn Tài, nói: “Bao nhiêu công sức đầu tư có thể mất trắng nếu dịch bệnh xảy ra trên diện rộng”.

Không chỉ người nuôi yến ở Ninh Thuận lo lắng mà cả ở tỉnh Khánh Hòa lân cận, nơi phát kiến nghề nuôi yến tại VN và hiện có hàng trăm nhà nuôi yến, cũng cùng chung nỗi lo. Ngay trong sáng 11-4, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp bảo vệ đàn yến của tỉnh này. Ông Lê Hữu Hoàng – giám đốc Công ty TNHH một thành viên Yến sào Khánh Hòa, nơi đang quản lý gần 30 đảo với 155 hang yến và hàng chục nhà nuôi yến ở Khánh Hòa – lo lắng: “Theo nghiên cứu của chúng tôi, chim yến là loài có khả năng miễn dịch rất cao, nhất là chim yến sống ở đảo, hàng chục năm qua tôi không thấy chim yến bị dịch bệnh gì. Dù vậy, thông tin chim yến nuôi ở Ninh Thuận mắc virút cúm H5N1 khiến chúng tôi rất lo lắng, vì không thể biết các đàn chim ban ngày đi ăn có thể lây bệnh cho nhau hay không”.

Tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ (TP.HCM) – nơi tập trung rất nhiều nhà nuôi yến, mỗi nhà đầu tư hàng trăm triệu đồng, các chủ hộ nuôi yến cũng rất lo lắng. Ông Nguyễn Văn Ngọc (ấp Bình Phước, xã Bình Khánh) đã đầu tư gần 300 triệu đồng cho nhà nuôi yến khoảng bảy tháng nay. Chim đã về được khoảng 80 con và ông đang mong chim về nhiều hơn nữa. Tuy nhiên ông Ngọc đang lo khi nghe tin xảy ra dịch H5N1 ở chim vì cả gia đình ông đang sống và sinh hoạt ngay dưới hai tầng lầu dành cho chim yến làm tổ. Ông Ngọc cho biết đã liên hệ với những người thiết kế nhà nuôi yến cho ông để nhờ họ chỉ cách phòng tránh dịch H5N1 cho chim, nhưng những người này trả lời dịch chỉ xảy ra ở nơi khác, chưa đến huyện Cần Giờ nên chưa cần phải tính đến chuyện lo chống dịch. “Nếu dịch H5N1 xảy ra ở khu vực nhà tôi thì tôi sẽ quyết định phá bỏ hai tầng nhà nuôi yến ngay lập tức để tránh ảnh hưởng cho cả gia đình và những người xung quanh” – ông Ngọc khẳng định.

Nhiều người còn thờ ơ

Một hộ nuôi chim yến tại P.Trường Thịnh (Q.9, TP.HCM) cho biết mấy tuần nay chim yến về ít chứ không nhiều như trước kia. “Chim yến ở ngoài đó bị bệnh chứ chắc ở đây không sao. Ngoài đó người ta nuôi nhiều nên mới vậy, tôi đã nuôi chim yến được hai năm nhưng cũng chưa khi nào thấy chim chết vì bệnh hết” – chủ hộ nuôi yến này cho biết. Nhiều người dân sống xung quanh khu vực nhà nuôi yến dường như cũng không quan tâm đến thông tin chim yến bị bệnh. Bà Ngô Kim Ngân, người sống gần nhà nuôi yến trên, cho biết lâu nay cũng ít chú ý đến đàn chim yến gần nhà, xem tivi thấy thông tin chim yến chết do H5N1 và có khả năng lây sang người nhưng bà và mọi người trong nhà không thấy lo lắng vì “chim nó ở trong nhà đó chứ chẳng ảnh hưởng gì đến mình, mình có ăn thịt chim yến đâu mà sợ bị bệnh”.

Ngay trước rạp hát Thanh Bình, nơi chim yến bị chết ở Ninh Thuận, một số hàng quán vẫn vô tư bán đồ ăn ở vỉa hè và nhiều người dân vẫn đến ăn uống bình thường. Tuy nhiên một số người khác thì lo lắng. “Mấy ngày trước thấy chim yến chết rơi vài con xuống hẻm, trẻ con lấy nghịch. Chúng tôi rất sợ virút này lây sang người” – chị Thu, một người dân sống trong khu vực gần rạp hát, nói. Một cán bộ văn phòng P.Đạo Long, nơi có rạp hát Thanh Bình, cho biết sáng 11-4 một số người dân tập trung trước rạp hát để phản đối nơi này nuôi chim nhiều làm mất vệ sinh quanh khu phố và mùi phân rất khó chịu.

Đầu tư hàng tỉ đồng, mất 3-5 năm mới dụ được yến

Không chỉ người nuôi yến ở Ninh Thuận, Khánh Hòa, TP.HCM lo lắng, nhiều địa phương khác ở miền Tây có số lượng nhà nuôi yến lớn như Gò Công (Tiền Giang), Bạc Liêu, Kiên Giang… cũng âu lo. Chỉ tính riêng trong nội ô TP Rạch Giá (Kiên Giang) có đến gần 100 ngôi nhà nuôi chim yến. Không chỉ phát triển mạnh ở Rạch Giá mà hiện phong trào đã lan rộng ra các huyện Châu Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Hà Tiên.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên người ở UBND tỉnh Tiền Giang chiều 11-4, ông Trần Văn Lâm, phó chủ tịch UBND thị xã Gò Công, cho biết: “Toàn thị xã hiện có 217 hộ nuôi yến. Nơi nhiều nhất có khoảng 20.000 con về làm tổ. Nơi ít như tại chợ thị xã cũng có khoảng 5.000 con… Dù chưa phát hiện chim yến bị nhiễm cúm H5N1 nhưng ai cũng lo, người dân bình thường cũng lên ruột” – ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, chủ nhiệm HTX Yến sào Gò Công (Tiền Giang), cho biết thêm các hộ nuôi yến ở đây đều đã nhận được thông báo của chính quyền địa phương về tình hình yến ở Ninh Thuận nhiễm cúm gia cầm H5N1.

Nhiều hộ nuôi chim yến ở thị xã Gò Công nói hiện họ đang thu hoạch tổ yến. Giá tổ yến thô bán ra thị trường từ 2,6-3,3 triệu đồng/kg tùy chất lượng. Cứ 10-15 ngày thu hoạch một lần. Một nhà yến được đầu tư hàng tỉ đồng và dụ yến mất 3-5 năm mới có thu hoạch. Chưa kịp thu hồi vốn mà nghe tin dịch cúm H5N1 tấn công đàn yến nên ai cũng hồi hộp, ăn ngủ không yên. Cũng vì thông tin này mà hiện nay những hộ nuôi yến đều “bế quan tỏa cảng”, không cho người ngoài vào khu vực nuôi yến để đề phòng lây nhiễm.

Ông Nguyễn Thanh Trúc cho biết thêm: “Gà, vịt tiêu hủy vì bệnh cúm thì người dân có thể tái lập đàn sau vài tháng. Còn yến bay trên trời, muốn dụ về không phải dễ và mất mấy năm trời. Đó là chưa kể hóa chất tiêu độc sát trùng phun xịt trong nhà nuôi yến rất kín, khó bay hết mùi nên việc dẫn dụ yến sau này sẽ càng khó”.

Chưa có cách phòng dịch cho chim yến

Sau khi đến hiện trường kiểm tra và chỉ đạo công tác giám sát, phòng dịch chim yến nuôi tại TP Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) những ngày qua, chiều 11-4  ông Nguyễn Xuân Bình – giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 – cho biết hiện chưa có giải pháp nào để phòng dịch bệnh lây lan từ chim yến. “Đây là lần đầu tiên tại VN phát hiện chim yến bị dương tính với virút H5N1. Gà, vịt nuôi dưới mặt đất phòng dịch còn khó khăn, huống chi loài chim yến bay trên trời cả ngày thì chưa biết cách nào để phòng. Việc bắt chim yến sống để lấy mẫu rất khó khăn vì chúng bay cao nên phương án tiêm thuốc phòng dịch cho loài chim này không thể thực hiện được. Chúng tôi cũng không biết nguồn lây bệnh này từ đâu vì ở tỉnh Ninh Thuận mấy năm gần đây không có dịch cúm gia cầm” – ông Bình nói. Dù vậy, ông Bình cũng cho rằng do chim yến bay suốt ngày và khi về tổ thì một chim mẹ ở với một chim non nên khả năng lây lan dịch bệnh cũng không cao và nhanh như các loài gia cầm khác.

Ông Bình cho hay trước mắt Cơ quan Thú y vùng 6 phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Thuận giám sát chặt 54 nhà nuôi yến tại TP Phan Rang – Tháp Chàm cho đến ngày 15-4. Hằng ngày, lực lượng thú y đều lấy mẫu chim yến sống, tổ yến và phân yến tại tất cả hộ nuôi chuyển về TP.HCM xét nghiệm. Tại nhà nuôi yến của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Yến Việt, lực lượng thú y thực hiện việc tiêu độc, khử trùng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan ra bên ngoài.

Ông Bình cũng khuyến cáo không chỉ đối với tỉnh Ninh Thuận mà tất cả địa phương cả nước nếu phát triển việc nuôi chim yến cần phải thực hiện ở xa khu dân cư, không được nuôi trong nội ô. “Người ta làm nhà ở bên dưới, dụ yến vào nuôi ở tầng trên, khi có dịch bệnh xảy ra thì rất nguy hiểm cho sức khỏe con người” – ông Bình nói.

 

 

Nên kiểm nghiệm tổ yến trước khi đưa ra thị trường

Theo ông Văn Đăng Kỳ – Cục Thú y, thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, virút cúm H5N1 ở chim yến có thể lây nhiễm sang người như cúm gia cầm H5N1 ở gà vịt thông thường. Trong trường hợp này, người nuôi chim yến, thu tổ yến… phải thực hiện bảo hộ lao động, có khẩu trang, rửa tay sạch thường xuyên bằng xà phòng, tẩy trùng xung quanh chuồng nuôi… để phòng tránh bệnh H5N1.

TS.BS Trần Tịnh Hiền – nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM – cho rằng khi ăn tổ chim yến nhiễm virút cúm H5N1 thì người có thể nhiễm virút này. Theo TS Hiền, virút cúm A đều xuất phát từ chim, gia cầm nên việc chim yến có virút H5N1 không lạ. Thông thường virút có nhiều trong các chất thải, phân chim. Tùy theo điều kiện môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… mà virút có thể sống được 2-3 ngày hay 7-10 ngày hoặc lâu hơn nữa. Khi ăn tổ chim yến đã được chưng cất, nấu chín ở nhiệt độ cao thì virút không thể sống được nên khả năng nhiễm H5N1 khó xảy ra. Tuy nhiên, do tổ yến được hình thành từ nước dãi của chim yến nên việc lây nhiễm H5N1 có thể xảy ra lúc ta sơ chế, làm sạch lông tổ chim yến trước khi nấu chín nếu tổ yến có tồn tại H5N1.

Còn ông Kỳ cho rằng nên gửi mẫu tổ yến đi kiểm nghiệm, chỉ nên đưa ra thị trường sản phẩm đạt yêu cầu về an toàn và vệ sinh thực phẩm.

* Liên quan đến hoạt động phòng chống cúm gia cầm H7N9, Bộ Y tế cho biết sẽ tổ chức cuộc họp với các chủ tịch UBND tỉnh để phối hợp phòng chống dịch vào ngày 13-4. Cuộc họp sẽ có sự tham gia của bộ trưởng Bộ Y tế và bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

 

NHÓM PV