Thánh lễ An táng Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu

Đúng 10 giờ ngày 4-2-2013, Thánh lễ An táng Đức cha Giacôbê được bắt đầu, đoàn đồng tế tiến vào Nhà thờ Chính toà gồm ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn, Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, 11 Giám mục khác, và hơn hơn 200 linh mục đồng tế trong và ngoài giáo phận, cùng với sự hiện diện của gần 5.000 giáo dân trong giáo phận.

Thánh lễ An táng Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu 

 

Thánh lễ An táng Đức cha Giacôbê được bắt đầu lúc 10 giờ thứ hai ngày 4-2-2013, nhưng từ sáng sớm tinh sương đã có nhiều đoàn từ khắp nơi trong và ngoài giáo phận tranh thủ đến kính viếng và ở lại tham dự thánh lễ.

 

Mặc dù cả khuôn viên nhà với những cờ tang bông trắng bao trùm một bầu khí tang lễ nhưng lại thật ấm cúng vì tình huynh đệ yêu thương nơi các giám mục bạn, trong đó có những người là học trò, là đàn em của Đức cha Giacôbê, còn có các linh mục trong và ngoài giáo phận. Các hội đoàn thân quen cũng như các hội dòng từng được Đức cha Giacôbê dạy dỗ cũng đều có mặt từ rất sơm. Đặc biệt, với lòng hiếu thảo, giáo dân ở khắp nơi trong và ngoài giáo phận không quản ngại lặn lội đường xa đến hiệp dâng thánh lễ cho người cha chung thân yêu.

 

Theo sắp xếp của Ban Tang lễ, gần một nửa số ghế ngồi trong nhà thờ dành cho các linh mục đồng tế, tu sĩ nam nữ, quý thầy đại chủng sinh, thân nhân của Đức cha Giacôbê và quý khách.

 

Nhà thờ Chính toà Vĩnh Long là một trong những nhà thờ lớn ở Việt Nam, với sức chứa bên trong hơn 3.000 người, nhưng để thuận tiện cho giáo dân tham dự Thánh lễ, ban tổ chức cho truyền trực tiếp thánh lễ ra bên ngoài và nhà nguyện phía dưới nhà thờ qua 10 tivi màn hình lớn.  

 

Sau khi di quan từ nhà nguyện dưới lên nhà thờ, quan tài Đức cha Giacôbê nằm êm trên thảm đỏ giữa cung thánh, các thầy luôn túc trực cầu nguyện bên cạnh Đức cha. Giữa cung thánh phía gần bàn thờ là hai ghế dành riêng cho Đức Hồng y Gioan Baotixita và Đức Giám mục Vĩnh Long Tôma Nguyễn Văn Tân, tiếp theo là 11 ghế dành cho các Đức cha bạn. Như vậy, các Đức Giám mục ngồi trên cung thánh gần bàn thờ, còn các và linh mục đồng tế sẽ ngồi trên gian cung thánh và 4 dãy ghế đầu trong nhà thờ. Giáo dân vẫn lần lượt đến viếng và cầu nguyện bên cạnh quan tài Đức cha.

 

Đúng 10 giờ, Thánh lễ An táng Đức cha Giacôbê được bắt đầu, đoàn đồng tế tiến vào Nhà thờ Chính toà gồm ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn, TGM TGP Sài Gòn, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM TGP Hà Nội – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, 11 Giám mục khác, và hơn hơn 200 linh mục đồng tế trong và ngoài giáo phận, cùng với sự hiện diện của gần 5.000 giáo dân trong giáo phận. 

 

Đoàn đồng tế từ phía cuối nhà thờ từ từ tiến lên cung thánh trong khi cộng đoàn cùng cất bài ca nhập lễ. Dẫn đầu là Thánh giá, nến cao, các thầy giúp lễ, sách Phúc Âm, các thầy phó tế, các linh mục, các Đức cha và cuối cùng là ĐHY chủ tế Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn.

 

Trước khi cử hành Thánh lễ, Cha Mt. Nguyễn Tấn Thuỵ dẫn lễ, đọc tiểu sử Đức cha Giacôbê.

 

Kính thưa Cộng đoàn!


Hôm nay, ngày mồng 4 tháng 2 năm 2013, nhằm ngày 24 tháng chạp năm Nhâm Thìn, ngày đáng ghi nhớ cho toàn thể gia đình Giáo phận Vĩnh Long, ngày chúng ta tiễn biệt Đức cha Giacôbê kính yêu của chúng ta về nhà Cha vĩnh cữu trên trời.


Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu 


Sinh ngày 21 tháng 1 năm 1914 tại Bà Rịa vũng Tàu


Nhập Chủng viện Thánh Giuse năm 12 tuổi (1926)


Thụ phong linh mục ngày 21 tháng 9 năm 1940


Sau khi thụ phong linh mục, ngài dấn thân vào việc mục vụ giáo xứ cùng khắp Giáo phận Sài Gòn, lúc đó bao gồm cả Đà Lạt, Xuân lộc, Mỹ Tho và Vĩnh Long:


– Lương Hoà Thượng (1940)


– Bến Gỗ (1943)


– Cái Thia, Cái Sao, Cái Bèo, Mỹ Lợi (cho đến 1947)


– Côn Đảo (1948)


– Bảo Lộc (1949)


– Đơn Dương, Đà Lạt, Cầu Đất, Lạc Lâm, Bắc Hội (1950)


– Vũng Tàu (1953)


– Chợ Quán (1960). Trong thời gian đó, ngài còn làm bề trên nhà phước Chợ Quán và làm Giáo sư Đại Chủng viện.


 - Từ năm 1966, Cha làm Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse cho đến ngày 12-7-1968, được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Vĩnh Long.


– Ngày 12-9-1968, ngài được tấn phong Giám mục bởi Đức Khâm sứ Angelo Palmas với hai vị phụ phong là Đức Tổng Giám mPhaolô Nguyễn Văn Bình và Đức cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn.


Ngài nhận Giáo phận Vĩnh Long ngày 19-9-1968.


Ngày 3-7-2001, Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu được Toà Thánh chấp thuận cho nghỉ hưu ở tuổi 87, sau 33 năm làm Giám mục Giáo phận Vĩnh Long. Ngài trao Giáo phận lại  cho người kế vị là Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân.


Vào lúc 3 giờ sáng, Thứ Năm, ngày 31-1-2013, Đức cha Giacôbê đã được Chúa gọi về. 


Hưởng thọ 99 tuổi, với 73 năm linh mục và 45 năm giám mục.


“Người đi trong ưu sầu lặng lẽ

Người về chan chứa một niềm vui.”


Lời Thánh vịnh 126 như đã báo trước cho cuộc đời và sứ vụ của Đức cha Giacôbê kính yêu của chúng ta. Vâng! 45 năm hành trình giám mục trong lặng lẽ khiêm nhường, là 45 năm người đi trong yêu thương và lao nhọc, để rồi hôm nay đây, mùa xuân của ơn Thánh vẫn mãi trải dài trên mảnh đất Vĩnh Long thân yêu này, con thuyền Giáo phận vẫn kiên cường lướt sóng, che chở đoàn con trong an bình hiệp nhất. Và hôm nay đây, tưởng chừng như một lễ hội, từng đoàn người từ khắp nơi tựu về mang theo niềm tin và hy vọng vào Chúa Phục Sinh, để tiển chân người về với Nguồn Cội.


Kính thưa cộng đoàn!


Hôm nay, một cây đại thụ đã ngã xuống, sau quãng đường dài 2 phần 3 đời người, góp thêm bóng mát cho Giáo hội Việt Nam. Một người Cha nhân lành nhưng cương trực của Giáo phận đã khuất bóng sau 73 năm tuổi đời linh mục. Một Kitô hữu cho trần thế đã khép lại cuộc đời mình sau 99 năm sống và làm chứng đức tin. Trong giờ phút này, Đức cha Giacôbê đã có thể mỉm cười từ giã đàn con mình rằng: “Cha đã đi hết chặng đường, và Cha đã giữ vững đức tin”.


Giờ đây, trong tâm tình tạ ơn và hiếu thảo, xin kính mời cộng đoàn đứng lên, như một dấu chỉ của sự hiệp nhất trong Giáo hội, chào đón và hiệp thông  Với các giám mục và linh mục đoàn, như một chuyến tàu của niềm  tin và hy vọng, chuyên chở lời cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa hôm nay, cùng với Đức cha Giacôbê kính yêu của chúng ta về bến bờ vĩnh cửu là Thiên Chúa Tình Yêu.

 

Sau đó, Cha F.X. Nguyễn Văn Việt, Chánh Văn phòng TGM, đọc điện văn chia buồn của Toà Thánh và của Đức cha Chủ tịch HĐGMVN cũng như liệt kê những phân ưu và kính viếng của đại diện các toà giám mục, dòng tu, tu hội:

 

CÁC ĐIỆN THƯ PHÂN ƯU

 

1. ĐTC BÊNÊĐITÔ qua ĐHY QUỐC VỤ KHANH TOÀ THÁNH

2. BỘ TRUYỀN GIÁO

3. ĐỨC TGM ĐẠI DIỆN TOÀ THÁNH TẠI VIỆT NAM

4. ĐGM CHỦ TỊCH HĐGM VIỆT NAM ĐỨC TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

5. TOÀ GIÁM MỤC LẠNG SƠN Giuse Ðặng Ðức Ngân

6. TOÀ GIÁM MỤC HẢI PHÒNG Giuse Vũ Văn Thiên

7. TOÀ GIÁM MỤC THÁI BÌNH Phêrô Nguyễn Văn Ðệ

8. TOÀ GIÁM MỤC PHÁT DIỆM  Giuse Nguyễn Năng

9. TOÀ GIÁM MỤC BÙI CHU Giuse Hoàng Văn Tiệm; Tôma Vũ Đình Hiệu

10. TOÀ TỔNG GIÁM MỤC HUẾ Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng

11. TOÀ GIÁM MỤC ĐÀ NẲNG Giuse Châu Ngọc Tri

12. TGM BAN MÊ THUỘT Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

13. TGM NHA TRANG Giuse Võ Ðức Minh

14. TGM PHAN THIẾT Giuse Vũ Duy Thống

15. TGM QUY NHƠN Mátthêu Nguyễn Văn Khôi; Phêrô Nguyễn Soạn

16. TGM XUÂN LỘC Đa Minh Nguyễn Chu Trinh

17. TGM HƯNG HOÁ Gioan Maria Vũ Tất

18. GIÁM TỈNH – TỈNH DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM

19. ĐỨC ÔNG BARNABÊ NGUYỄN VĂN PHƯƠNG (ROME)

20. ĐỨC ÔNG ANTÔN HUỲNH VĂN LỘ (ĐỨC)

 

Sau đó, thánh lễ được bắt đầu do ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn chủ sự, trong lời mở đầu thánh lễ, ĐHY Phạm Minh Mẫn chủ tế thay mặt các giám mục Việt Nam có đôi lời phân ưu với Giáo phận Vĩnh Long, ngài đã gợi lên những kỷ niệm với Đức cha Giacôbê và những gì ngài thấy nới Đức cha Giacôbê một  ”mục tử tận tuỵ, tận tình”.

 

Sau bài Phúc Âm, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, GM. GP. Mỹ Tho, đã chia sẻ trong bài giảng:

 

“Chúng ta hợp nhau để cùng cử hành Thánh lễ cầu nguyện và thương nhớ Đức cha Giacôbê, ngài là một bậc lão thành thân yêu, theo cách nói của người Việt Nam, đặc biệt là ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, ngài là ‘cây đại thụ’, cây cao bóng cả nhánh vươn dài đến đại dương. Trong suốt hành trình là linh mục cũng như giám mục, ngài là mục tử nhân lành giống như Chúa Giêsu mục tử đầy tình yêu thương và lòng nhân ái. Không chỉ với tình yêu của người cha mà còn là tâm tình và tình yêu của một người mẹ. Ngài là bậc thầy vững vàng và đáng nể trọng, ngài còn là anh cả trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, người bạn chí tình luôn gần gũi với anh em linh mục và giáo dân.


Lời Phúc Âm chúng ta vừa nghe minh hoạ sống động cho khẩu hiệu: “Yêu thương và lao nhọc”. Đức cha Giacôbê đã học nơi Chúa Giêsu sự khiêm nhường, bé mọn bằng đời sống cầu nguyện. Giống như Chúa Giêsu: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 11,25).


Nhờ Chúa Giêsu, Đức cha Giacôbê biết được Thiên Chúa, biết được Thiên Chúa vì Thiên Chúa như lời Thánh Phaolô: là mối lợi tuyệt vời, một tri thức, một niềm vui. Từ đó, Đức cha Giacôbê sống, truyền đạt và hướng dẫn cho nhiều thế hệ. Nhờ Đức cha Giacôbê yêu mến Chúa Giêsu, ngài học biết Kinh Thánh, tâm hồn ngài dào dạt tình yêu và lan toả đến mọi người xung quang. Có được tất cả những điều đó, nguồn gốc xuất phát chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa ở trong Đức cha Giacôbê, tình yêu của Chúa Thánh Thần ở trong Đức cha Giacôbê.


Nói như thế, không phải cuộc đời của Đức cha Giacôbê là phẳng lặng, không đau khổ và lao nhọc. Cuộc đời Đức cha Giacôbê đã trải qua những đau khổ và khó khăn. Lược qua những địa danh mà Đức cha Giacôbê đã từng phục vụ: Bến Gỗ, Cái Thia, Cái Sao, Cái Bèo, Mỹ Lợi, Côn Đảo, Bảo Lộc, Cầu Đất, Lạc Lâm, Bắc Hội… chúng ta cũng có thể thấy ở nơi đây đã có những đau khổ và lao nhọc.


100 tuổi là một phép lạ, là hồng ân và là tình yêu của Thiên Chúa dành cho Đức cha Giacôbê. Những lao nhọc và khó khăn của số phận đầu đời linh mục luôn có nhưng khi theo Chúa Giêsu ngài đã trút hết những vất vả và gánh nặng cho Chúa, để ở trong Chúa, ngài được nghỉ ngơi, được bồi dưỡng. Bí quyết này Đức cha Giacôbê đã áp dụng một cách triệt để. Tất cả gánh nặng mục vụ Đức cha Giacôbê hết cho Chúa, Đức cha Giacôbê đã mang gánh của Chúa “êm ái và dịu dàng” là như thế. Vì vậy, Đức cha Giacôbê luôn an bình thư thái, vui tươi với mọi người là mẫu gương tuyệt vời cho mọi người chúng ta.


Đường đời khá dài trong hành trình 100 năm, Đức cha Giacôbê đã về với Chúa Cha, ngài sẽ kéo theo chúng ta. Không biết Thiên Chúa có thanh luyện một thời gian nào nữa với Đức cha Giacôbê hay không? Nhưng chắc chắn Thiên Chúa sẽ đón tiếp ngài từ tình yêu và sức sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, cho ngài no thoả Bánh Hằng Sống nguồn ơn cứu độ. Vì hằng ngày Đức cha Giacôbê cử hành bàn tiệc tình yêu và sức sống thần thánh này, ngài được Thiên Chúa cho hiệp thông và chia sẻ nguồn ơn của Ba Ngôi Thiên Chúa.


Cũng vậy, Thiên Chúa sẽ cho chúng ta được chia sẻ chính nguồn sức sống này bằng sự hiệp thông với tình yêu Chúa Ba Ngôi, chúng ta hy vọng rằng chúng ta sẽ được sống lại với Đức Kitô trong ngày sau hết. Amen”.

 

Sau lời nguyện hiệp lễ, Cha Phaolô Lưu Văn Kiệu, Tổng Đại diện Giáo phận Vĩnh Long, nói lên lời cảm ơn đến Toà Thánh, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, Đức TGM đại diện Toà Thành ở Việt Nam, Đức cha Chủ tịch HĐGMVN, các Đức Giám mục, các tổng dại diện, đại diện giám mục, quý bề trên dòng, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em giáo dân gần xa.

 

Kế đến, Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân chủ sự nghi thức từ biệt và phó dâng linh hồn Đức cha Giacôbê cho lòng thương xót Chúa.

 

Đến phần tiễn biệt, Đức cha Tôma tiếp tục chủ sự, quan tài được di chuyển ra phần mộ ở Đài Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ. Thánh giá nến cao dẫn đầu đoàn rước, rồi đến các tu sĩ nam nữ, các linh mục và giám mục, rồi đến di ảnh của Đức cha Giacôbê. Sau cùng là quan tài Đức cha Giacôbê được di chuyển nhịp nhàng do đội mai táng Nhà thờ Chính toà Vĩnh Long đảm trách.

 

Trước khi hạ huyệt, Đức cha Tôma đọc lời nguyện và làm phép huyệt, rảy nước thánh và xông hương. Sau khi quan tài đã được hạ huyệt, các Đức cha lần lượt đến tiễn biệt Đức cha Giacôbê bằng một nắm cát xuống huyệt mộ trong tiếng nhạc trầm lắng du dương.

 

Các linh mục, tu sĩ và giáo dân cũng lần lượt đến tiễn đưa người cha đáng kính bằng việc cúi mình lặng lẽ trước huyệt mộ. Thế là thân xác ngài sẽ vĩnh viễn nằm lại nơi đây trong sự nhớ thương của đoàn con cái hàng ngày, trong sự mong đợi ngày Phục sinh cùng với Chúa Kitô, Đấng mà ngài đã suốt đời phụng sự.