27/12/2024

Bài học Cao Lỗ

Báo cáo khoa học trong hội thảo Cao Lỗ – danh tướng thời dựng nước hôm qua 16.1 tại Hà Nội không chỉ làm sáng tỏ tài năng quân sự của ông, mà còn cho thấy việc mất nước thời Cao Lỗ là do mất cảnh giác chứ không phải vì tiềm lực quân sự.

 

Bài học Cao Lỗ

Báo cáo khoa học trong hội thảo Cao Lỗ – danh tướng thời dựng nước hôm qua 16.1 tại Hà Nội không chỉ làm sáng tỏ tài năng quân sự của ông, mà còn cho thấy việc mất nước thời Cao Lỗ là do mất cảnh giác chứ không phải vì tiềm lực quân sự.

“Chuyện Cao Lỗ chế tạo nỏ Liên Châu phần nhiều được phản ánh qua truyền thuyết dân gian đượm màu thần thoại”, PGS-TS Lê Đình Sỹ, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, cho biết. Tuy nhiên, với các nghiên cứu thư tịch, khảo cổ học gần đây, bức màn huyền thoại về nỏ thần Cao Lỗ đã được vén lên.

 Mũi tên đồng Cổ Loa trưng bày tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam
Mũi tên đồng Cổ Loa trưng bày tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam

Chẳng hạn, theo ông Sỹ, điều tra dân tộc học tại Cổ Loa cho biết một số thông tin về nỏ thần Cao Lỗ chế. Theo dân ở đây, người ta đã đào được ở chân thành khu vực Chợ Sa một ống đồng dài chừng nửa mét, hai đầu bịt kín, dọc thân trổ lỗ như cây sáo. Chiếc ống này có khả năng là bộ phận cài tên của nỏ.

Khảo cổ học cũng phát hiện nhiều bằng chứng về sự tồn tại của “máy nỏ” thời Đông Sơn. Đó là những chiếc lẫy nỏ làng Vạc khá nguyên vẹn, còn đầy đủ các bộ phận hợp thành. “Chuyện rùa vàng cho vuốt tất nhiên là hư cấu, thần thoại hóa, nhưng chuyện nỏ thần thì lại có thực”, ông Sỹ nói.

Những cuộc khai quật của Viện Khảo cổ cũng cho thấy sự xuất hiện của các mũi tên đồng Cổ Loa. Đó là các loại mũi tên hình lá, mũi tên có cánh phẳng hình gần tam giác. Mũi tên ba cạnh dạng này còn được đặt tên là mũi tên Cổ Loa. Đầu mũi tên có mũi nhọn, thân mũi tên có hình gần chóp nhọn và nổi lên 3 cạnh sắc ở phía ngoài. “Đây là dạng mũi tên sát thương cao. Năm 1959, các nhà khảo cổ đã tìm được trong lòng đất Cổ Loa số lượng lên tới hơn một vạn chiếc tên được chôn giấu”, TS Trịnh Sinh nói.

Sau này, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy lò đúc và quan trọng nhất là khuôn đúc mũi tên ba cạnh này. “Trước đây, một số học giả cho rằng đó là mũi tên của nhà Hán, hay của một nền văn hóa Hanstat trời Âu mang đến. Nhưng bằng chứng khảo cổ học cho thấy người Việt đã đúc được mũi tên từ cách thời An Dương Vương 1.000 năm trong văn hóa Đồng Đậu. Những mũi tên Cổ Loa tái khẳng định điều đó”, TS Trịnh Sinh cho biết.

Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử: “Khu vực đúc mũi tên lại bố trí bên trong thành Nội là nơi ở gia đình nhà vua và nơi làm việc của triều đình. Phải chăng mũi tên đồng lợi hại với sức bắn xa và sát thương mạnh lúc đó đã được coi là một bí mật quân sự được bảo vệ và giám sát chặt chẽ”.

Các nhà khoa học còn giải mã được các trận đánh có cung nỏ của người Việt cổ ở thành Cổ Loa. Theo đó, kho tên được đặt bên ngoài thành. Họ đã phòng ngự từ xa, từ vòng ngoài, lấy bờ hào tự nhiên là dòng sông làm nơi dùng cung tên chống giặc ở phạm vi ngoài. Những hình chiến binh trên thuyền lớn được khắc trên trống thạp cho thấy họ cũng rất giỏi thủy chiến. Kho tên tìm thấy được giải thích rằng các chiến binh đã không chịu giao nộp vũ khí cho kẻ thù, dù lúc đó đồ đồng rất hiếm. Cũng theo nghiên cứu, bằng cách đó, họ muốn chống lại đồng hóa, chống lại phương Bắc đang tận diệt trống đồng, đồ đồng để đúc cột đồng và ngựa đồng.

Thủ lĩnh lớn, bộ tộc phát triển

“Với tư liệu mới, đã đến lúc chúng ta có thể nói người Việt thạo đúc mũi tên, nỏ. Người đứng ra phải là thủ lĩnh lớn, mà truyền thuyết nói đến là tướng quân Cao Lỗ. Điều này không phải không có lý”, ông Trịnh Sinh nói.

Theo TS Nguyễn Đức Nhuệ – Viện Sử học, việc xây dựng thành Cổ Loa hùng mạnh thời Cao Lỗ còn cho thấy sự phát triển của văn hóa đồng thau thời Hùng Vương. Theo đó, kỹ thuật quốc phòng nổi trội, bên cạnh các thành tựu sản xuất, kinh tế. Dấu tích khảo cổ cho thấy việc dân Âu Lạc đã dùng phổ biến cày với sức kéo gia súc trong sản xuất. Điều đó thể hiện ở số lượng lưỡi cày lớn tại Cổ Loa áp đảo những loại lưỡi cày khác.

Thành Cổ Loa kiên cố. Mũi tên đồng Cổ Loa lợi hại. Quân đội đông được huấn luyện và trang bị tốt. Lại có những tướng tài, kiên cường và trung thành như Cao Lỗ. Tuy nhiên, An Dương Vương đã để nước Âu Lạc bại vong. “Đó là cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đầu tiên trong lịch sử bị thất bại”, GS Phan Huy Lê nói.

“Từ thất bại mang tính bi kịch này để lại cho hậu thế biết bao bài học và kinh nghiệm. Đó là bài học về nhận thức đối với kẻ xâm lược, về việc sử dụng người hiền tài, về việc phải biết lắng nghe ý kiến khuyên can. Đó còn là kinh nghiệm về chiến lược, chiến thuật tổ chức kháng chiến bảo vệ đất nước. Thành cao hào sâu, vũ khí tốt, quân đội mạnh nhưng bị hãm vào thế bao vây, bị tách ra khỏi nhân dân và mất khả năng huy động được sức mạnh của nhân dân, thì cuộc chiến đấu bị cô lập và thất bại khó tránh khỏi”, GS Lê phân tích. 

 

Hội thảo do Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự hội thảo, lắng nghe ý kiến của các nhà sử học và phát biểu tôn vinh công lao của danh tướng Cao Lỗ. Chủ tịch nước phát biểu: “Người có tầm nhìn xa, tỉnh táo cảnh giác và đầy bản lĩnh để can ngăn nhà vua không sa vào quỷ kế của kẻ thù, dù rằng vì chuyện đó bị nhà vua xa lánh. Nhưng khi đất nước bị xâm lược, tổ quốc bị lâm nguy, thì lại ra phò vua giúp nước… để lại danh thơm cho hậu thế. Danh tướng Cao Lỗ là một vị anh hùng dân tộc, biểu tượng của trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh Việt Nam trong thời kỳ đầu dựng nước”.