Lễ Mẹ Thiên Chúa, Gương mặt của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn qua gương mặt của Đức Kitô

Trong ngày đầu năm hôm nay, nhờ ơn Chúa, chúng ta vui mừng cử hành lễ Mẹ Thiên Chúa, và đồng thời, cử hành Ngày thế giới Hoà bình. Chính qua chủ đề Gương mặt và những gương mặt, mà ngày hôm nay, dưới ánh sáng Lời Chúa, tôi muốn khai triển — Gương mặt của Thiên Chúa và những gương mặt của con người — một chủ đề cũng mang lại cho chúng ta chìa khoá để hiểu về vấn đề hoà bình trên thế giới.

 Gương mặt của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn

qua gương mặt của Đức Kitô

   Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Thứ sáu cuối tuần Bát Nhật Giáng Sinh, 1/1/2010

Trong ngày đầu năm hôm nay, nhờ ơn Chúa, chúng ta vui mừng cử hành lễ Mẹ Thiên Chúa, và đồng thời, cử hành Ngày thế giới Hoà bình. Qua hai biến cố này, chúng ta mừng Đức Kitô, Con Thiên Chúa, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria và là Hoà Bình đích thực của chúng ta! Với tất cả quý vị đang quy tụ nơi đây: các vị đại diện các dân tộc trên thế giới, Giáo Hội Rôma và Giáo Hội toàn cầu, các linh mục và giáo dân; và những ai đang liên lạc với chúng ta qua truyền thanh và truyền hình, tôi xin lập lại những lời chúc phúc cổ xưa: ước gì Chúa biểu lộ gương mặt của Ngài cho anh chị em và ban cho anh chị em hoà bình (x. Ds 6, 26). Chính qua chủ đề Gương mặt và những gương mặt, mà ngày hôm nay, dưới ánh sáng Lời Chúa, tôi muốn khai triển — Gương mặt của Thiên Chúa và những gương mặt của con người — một chủ đề cũng mang lại cho chúng ta chìa khoá để hiểu về vấn đề hoà bình trên thế giới.

Chúng ta đã lắng nghe, trong bài đọc I — được trích từ Sách Dân số — hay trong Thánh vịnh đáp ca, nhiều kiểu nói chứa đựng ẩn dụ về gương mặt quy chiếu về Thiên Chúa: “Ước gì Giavê chiếu toả gương mặt của Ngài cho con / và đoái thương con” (Ds 6, 25); “Ước gì Thiên Chúa đoái thương chúng ta và chúc lành cho chúng ta, / chiếu toả gương mặt của Ngài trên chúng ta! / Trên địa cầu, người ta sẽ biết đường lối Chúa, giữa các dân tộc, ơn cứu độ của Ngài” (Tv 66/67, 2-3). Gương mặt là cách biểu lộ tuyệt hảo của con người, là cái làm cho con người có thể được nhận diện, và trên đó xuất hiện những tình cảm, ý nghĩ, những ý hướng của tâm hồn con người. Thiên Chúa, tự bản tính là vô hình, tuy nhiên, Sách Thánh cũng đã gán cho Ngài hình ảnh này. Chỉ cho thấy gương mặt của Thiên Chúa là cách biểu lộ lòng từ tâm của Ngài, trong khi đó, thì che giấu gương mặt của Thiên Chúa là nói lên cơn giận và án phạt của Ngài. Sách Xuất hành cho ta biết “ Đức Giavê nói với Moisê mặt giáp mặt, như thể một con người nói với bạn mình” (Xh 33, 11), và đối với Moisê, Thiên Chúa cũng hứa cho ông được gần gũi Người, qua một công thức rất đặc biệt: “Đích thân [Gương mặt của Ta] Ta sẽ đi với ngươi, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi” (x. Xh 33, 14). Các Thánh vịnh cho chúng ta thấy các tín hữu là những người tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa (x. Tv 26/27, 8; 104/105, 4) và khát vọng được thấy Ngài trong phụng tự (x. Tv 42, 3), và các Thánh vịnh nói với chúng ta rằng “những người công chính” “sẽ chiêm ngưỡng” Đức Chúa (Tv 10/11, 7).

Chúng ta có thể đọc toàn bộ Sách Thánh như một sự mạc khải tuần tự về gương mặt của Thiên Chúa, để đạt đến sự biểu lộ trọn vẹn dung nhan Ngài trong Đức Giêsu Kitô. “Nhưng khi thời gian đến hồi viên mãn — ngày hôm nay Tông đồ Phaolô cũng nhắc lại cho chúng ta điều này —, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài” (Gl 4, 4). Và Thánh Phaolô nói thêm: “sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới ách Lề luật”. Gương mặt của Thiên Chúa đã mặc lấy một gương mặt của con người, để cho chúng ta có thể thấy và nhận ra qua Người Con của Đức Trinh Nữ Maria, và vì lý do này, chúng ta tôn kính Đức Maria dưới một tước hiệu rất cao cả là “Mẹ Thiên Chúa”. Mẹ là người đã cất giữ trong lòng cái bí quyết về tình mẫu tử thần linh, Mẹ là người đầu tiên thấy được gương mặt của Thiên Chúa làm người trong hoa quả bé nhỏ của lòng dạ mình. Người mẹ có một mối liên lạc rất đặc biệt, duy nhất, và một cách nào đó, là độc quyền với đứa con mình vừa mới sinh ra. Gương mặt đầu tiên đứa trẻ thấy được là gương mặt của mẹ mình, và cái nhìn này mang tính quyết định cho mối tương giao của người con với sự sống, với chính mình, với những người khác, với Thiên Chúa; cái nhìn này cũng mang tính quyết định để người con có thể trở nên “người con của hoà bình” (Lc 10, 6). Trong số các ảnh về Đức Trinh Nữ Maria, có một bức ảnh Đức Trinh Nữ theo truyền thống Byzantine có chủ đề là “sự âu yếm”, trình bày Con trẻ Giêsu tựa mặt mình vào gương mặt của Mẹ — má kề bên má —. Con Trẻ Giêsu nhìn Mẹ, và người mẹ nhìn chúng ta, như thể để phản chiếu trên người đang ngắm nhìn bức ảnh và người đang cầu nguyện, sự âu yếm của Thiên Chúa, từ Trời cao ngự xuống trong cung lòng Mẹ, và nhập thể trong Con Trẻ Giêsu mà Mẹ đang bồng ẵm trong tay. Trong bức ảnh Thánh Mẫu này, chúng ta có thể chiêm ngưỡng được một cái gì đó của Thiên Chúa: một dấu chỉ của tình yêu khôn tả đã thúc đẩy Thiên Chúa “ban tặng Người Con độc nhất của mình” (Ga 3, 16). Nhưng chính bức ảnh này, trong Đức Maria, cũng chỉ cho chúng ta gương mặt của Giáo Hội đang phản chiếu trên chúng ta và trên toàn thế giới, ánh sáng của Đức Kitô, gương mặt của Giáo Hội đã mang Tin Mừng đến với mỗi người: “Anh em không còn là nô lệ nữa, mà là con” (Gl 4, 7) — như chúng ta tiếp tục đọc thấy nơi Thánh Phaolô.

Chư huynh trong Giám mục đoàn và linh mục đoàn thân mến, kính thưa quý ngài Đại sứ, các bạn thân mến! Suy niệm mầu nhiệm về gương mặt của Thiên Chúa và của con người là một con đường ưu tiên dẫn ta đến hoà bình. Thật thế, hoà bình bắt đầu bằng một cái nhìn tôn trọng biết nhận ra trên gương mặt của người khác một con người, dầu họ thuộc về sắc tộc, quốc tịch, ngôn ngữ, hoặc tôn giáo nào. Nhưng ngoài Thiên Chúa ra, ai là người có khả năng bảo đảm được, nếu ta có thể nói được như thế, “chiều sâu” của gương mặt con người? Trong thực tế, chỉ khi nào ta có được Thiên Chúa trong lòng mình, thì lúc đó, ta mới có thể hiểu được trên gương mặt của người khác một người anh em nhân loại, họ không phải là một phương tiện, nhưng là một cứu cánh, không phải là một đối thủ hay một kẻ thù, mà là một cái tôi khác, một gương mặt nhỏ của mầu nhiệm vô biên về hữu thế nhân văn.

Cái tri giác của chúng ta về thế giới, và đặc biệt về anh chị em đồng loại, thì hoàn toàn lệ thuộc vào Thần Khí Chúa đang hiện diện trong chúng ta. Đó là một loại “âm vang”: ai có quả tim trống rỗng, thì chỉ tri giác được những hình ảnh không có chiều sâu. Còn trái lại, Thiên Chúa càng hiện diện trong lòng ta, thì ta càng nhạy cảm hơn với sự hiện diện của Ngài trong những gì bao quanh chúng ta: nơi thụ tạo, và đặc biệt nơi những người khác, dầu cho đôi khi ta khó có thể đánh giá cao và tiếp nhận gương mặt của họ như cách biểu lộ của Thiên Chúa, bởi vì gương mặt ấy đã bị tác động bởi một cuộc sống khó khăn và bởi vô vàn điều ác đức. Như thế, để nhìn nhận ra nhau và tôn trọng nhau đúng với bản tính thực sự của chúng ta, nghĩa là như những người anh em, thì chúng ta cần phải quy chiếu về gương mặt của một người Cha chung, một người cha yêu mến tất cả chúng ta, dầu cho chúng ta mắc phải những sai lầm.

Ngay từ thời thơ ấu, trẻ em cần được giáo dục để biết tôn trọng người khác, ngay cả khi họ khác biệt với chúng ta. Giờ đây chúng ta ngày càng có nhiều kinh nghiệm về những lớp học với nhiều trẻ em thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, nhưng cho dầu không có những trường hợp này, thì gương mặt của các em vẫn là một lời tiên báo về nhân loại mà chúng ta đều được mời gọi tạo thành: một gia đình gồm có nhiều gia đình và nhiều dân tộc. Những em này càng bé nhỏ bao nhiêu thì lại càng làm nảy sinh lên trong chúng ta bấy nhiêu tình âu yếm và niềm vui, khi thấy các em đơn sơ vô tội và yêu thương nhau: cho dẫu các em có khác biệt nhau đến đâu, thì ta vẫn thấy các em khóc, và vui cười với nhau, các em cũng có những nhu cầu như nhau, các em truyền đạt cho nhau một cách tự phát, các em chơi chung với nhau… Gương mặt các em như thể phản ảnh cái nhìn của Thiên Chúa trên thế giới. Thế thì tại sao ta lại làm mất đi những nụ cười trên gương mặt các em? Tại sao lại đầu độc tâm hồn các em? Đáng buồn thay, bức ảnh Thân Mẫu Thiên Chúa đầy tình âu yếm lại tương phản một cách đau đớn với những hình ảnh đau thương của biết bao trẻ em và bà mẹ là nạn nhân của chiến tranh và bạo lực: những người di dân, tị nạn, những người bị ép buộc phải ra đi. Những gương mặt bị bào mòn vì đói khát và bệnh tật, những gương mặt bị biến thể vì đau đớn và thất vọng. Gương mặt của những em nhỏ vô tội là một tiếng kêu thầm lặng đối với chúng ta là những người có trách nhiệm: khi đối diện với cảnh ngộ khốn cùng, thì tất cả những biện minh giả tạo cho chiến tranh và bạo lực đều không thể đứng vững được. Đơn giản là chúng ta phải quay về với những dự án hoà bình, hạ bỏ các loại khí giới, và cùng nhau cam kết xây dựng một thế giới xứng đáng hơn với con người.

Sứ điệp cho Ngày Thế giới H bình lần 43 hôm nay: “Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo vệ công cuộc sáng tạo”, được định vị bên trong viễn cảnh về gương mặt của Thiên Chúa và gương mặt của con người. Thật thế, chúng ta có thể quả quyết rằng con người có thể tôn trọng thụ tạo, trong mức độ họ mang trong lòng mình ý nghĩa đầy đủ về sự sống, bằng không, họ sẽ bị cám dỗ khinh dể chính mình, cũng như khinh dể những gì chung quanh mình, không tôn trọng môi trường mà trong đó họ sinh sống, cũng như không tôn trọng công trình sáng tạo. Ai biết nhìn ra trong vũ trụ những phản ánh của gương mặt vô hình của Đấng Tạo Hoá, người đó sẽ được Chúa thúc đẩy để có một tình yêu lớn hơn đối với các thụ tạo, một sự nhạy cảm sâu xa hơn đối với giá trị biểu tượng của chúng. Đặc biệt Tập Sách Thánh vịnh rất phong phú về những chứng tá thuộc loại này, những chứng tá đặc biệt mang tính nhân văn trong tương giao với thiên nhiên: với bầu trời, biển cả, núi cao, đồi xanh, sông rộng, thú vật muôn loài… “Những công trình của Ngài ôi nhiều biết bao, ôi lạy Giavê! — Tác giả Thánh vịnh đã kêu lên như thế — / Ngài làm tất cả thật khôn ngoan, / địa cầu đầy dẫy sự giàu sang của Ngài” (Tv 104/103, 24).

Cách riêng, viễn tượng về “gương mặt” mời gọi chúng ta suy nghĩ về cái mà trong Sứ điệp hoà bình năm nay, tôi gọi là “sinh thái học nhân văn”. Thật thế, có một mối dây  liên kết mật thiết giữa sự tôn trọng con người và bảo tồn công trình sáng tạo. “Những bổn phận đối với môi sinh đều xuất phát từ những bổn phận đối với con người được xét đến trong bản tính của họ, và trong mối tương giao với người khác” (sđd., 12). Nếu con người đánh mất phẩm giá của mình, nếu con người hủy hoại môi trường nơi mình sinh sống; nếu văn hoá hướng đến một chủ nghĩa hư vô, nếu không phải là lý thuyết, thì ít nhất cũng là thực tiễn, thì thiên nhiên chỉ có thể phải gánh chịu những hậu quả. Thực thế, ta có thể ghi nhận một ảnh hưởng hỗ tương giữa gương mặt của con người và “gương mặt” của môi sinh: “Khi sinh thái nhân văn được tôn trọng trong xã hội, thì sinh thái đúng nghĩa cũng rút ra được lợi ích từ sinh thái nhân văn” (sđd.; x. Thông điệp Caritas in veritate, s. 51). Do đó, một lần nữa, tôi xin mời gọi mỗi người hãy đầu tư cho công việc giáo dục, ngoài việc chuyển trao cần thiết những khái niệm về kỹ thuật và khoa học, ta còn phải nhắm đến một “trách nhiệm sinh thái học” rộng rãi hơn và được đào sâu hơn, đặt nền tảng trên sự tôn trọng con người, cũng như tôn trọng những quyền lợi và bổn phận cơ bản của họ. Chỉ có như thế thì sự cam kết bảo vệ môi trường mới có thể thực sự là giáo dục hoà bình và xây dựng hoà bình.

Anh chị em thân mến, trong Mùa Giáng Sinh, ta có dịp đọc lại một Thánh vịnh cho chúng ta một ví dụ tuyệt vời về cách Chúa thay hình đổi dạng công trình sáng tạo, và tạo nên một lễ hội mang tính hoàn vũ, khi Người giáng lâm. Bài thánh ca này bắt đầu bằng lời mời gọi cả vũ hoàn ca ngợi Thiên Chúa: “Hãy hát mừng Giavê một bài ca mới! / Hãy ca ngợi Giavê, hỡi toàn thể địa cầu! / Hãy ca ngợi Giavê, hãy chúc tụng Danh Người!” (Tv 95/96, 1). Nhưng sau đó, lời mời gọi mừng vui lên này đã lan toả đến toàn thể thụ tạo: “Trời cao hãy vui lên! Đất thấp hãy nhảy mừng! / Biển cả hãy gầm vang lên cùng muôn hải vật!  / Đồng quê hãy vui mừng cùng muôn loài thảo mộc, / Mọi cây cối và những cánh rừng hãy mừng vui lên” (cc. 11-12). Ngày lễ hội của đức tin đã trở thành ngày lễ hội của con người và của công trình sáng tạo: ngày lễ hội này trong ngày Giáng Sinh cũng đã được diễn tả qua những cảnh sắc được trang trí trên cây xanh, trên đường phố, trong các khu nhà. Tất cả lại nở hoa, bởi vì Thiên Chúa đã xuất hiện giữa chúng ta. Đức Trinh Nữ Maria đã giới thiệu Con Trẻ Giêsu cho các mục đồng thành Bê Lem, họ vui mừng và ca ngợi Thiên Chúa (x. Lc 2, 20); Giáo Hội canh tân mầu nhiệm Giáng Sinh cho con người thuộc mỗi thế hệ, Giáo Hội chỉ cho con người gương mặt của Thiên Chúa, để cùng với ơn phúc lộc Chúa ban, con người có thể bước đi trên con đường hoà bình.